Chủ Nhật, 20/12/2015, 06:36 (GMT+7)
.

Ngoại giao đa phương 2015 - Bước tiến vượt bậc

Ở thời điểm năm 2015, một năm với nhiều hoạt động ngoại giao sôi nổi, sắp qua đi, xin điểm lại một số điểm nhấn ngoại giao đa phương nổi bật của Việt Nam diễn ra trong năm.

Dấu mốc lịch sử của ngoại giao nghị viện

Việt Nam tổ chức thành công Đại hội đồng Liên minh nghị viện thế giới lần thứ 132 (IPU-132) diễn ra từ 28-3 - 1-4 tại Hà Nội. Ảnh: VGP/Vũ Dũng
Việt Nam tổ chức thành công Đại hội đồng Liên minh nghị viện thế giới lần thứ 132 (IPU-132) diễn ra từ 28-3 - 1-4 tại Hà Nội. Ảnh: VGP/Vũ Dũng

Diễn ra từ 28-3 - 1-4 tại Hà Nội, Đại hội đồng IPU lần thứ 132 là một trong những sự kiện chính trị-ngoại giao lớn nhất mà Việt Nam từng đăng cai, thể hiện tinh thần chủ động của một thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế.

Hơn 1.600 đại biểu đến từ hơn 160 nghị viện thành viên IPU, các thành viên liên kết, các quan sát viên và nhiều tổ chức quốc tế đã có mặt tại Hà Nội, cùng nhau thảo luận nhiều vấn đề quan trọng của nghị viện, đặc biệt là chủ đề chung “Các mục tiêu phát triển bền vững: Biến lời nói thành hành động”. Đây là chủ đề hết sức thiết thực do Việt Nam đề xuất và nhận được sự nhất trí cao của tất cả lãnh đạo nghị viện, nghị sĩ, khách mời của IPU-132.

Đại hội đồng IPU-132 đã thảo luận và thông qua 4 Nghị quyết quan trọng gồm: (i) Chiến tranh mạng - mối đe dọa nghiêm trọng đối với hòa bình và an ninh quốc tế; (ii) Định hình cơ chế mới về quản trị nguồn nước: Thúc đẩy hành động của Nghị viện về vấn đề nước; (iii) Luật pháp quốc tế trong vấn đề chủ quyền quốc gia, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau và quyền con người; (iv) Nghị quyết về chủ đề khẩn cấp “Hợp tác nghị viện chống lại Nhà nước Hồi giáo IS và nhóm khủng bố Boko Haram chống lại dân thường, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em”.

Cuối cùng, kết quả của Đại hội đồng IPU 132 lần này đã được thể hiện trong Tuyên bố Hà Nội - văn bản quan trọng mang tính tổng kết kết quả thảo luận của IPU-132; phản ánh tầm nhìn, cam kết và hành động của các Nghị viện thành viên, vì sự phát triển bền vững, vì lợi ích của người dân, quốc gia cũng như thúc đẩy hợp tác toàn cầu.

Chủ tịch IPU Saber Chowdhury đánh giá: “Tuyên bố Hà Nội do Quốc hội Việt Nam đề xuất và được thông qua tại Việt Nam sẽ là một di sản lớn, thể hiện sự đóng góp nổi bật của Việt Nam đối với cộng đồng thế giới”.

“Việt Nam đã đặt ra tiêu chuẩn mới về công tác tổ chức cho những lần tiếp theo”, ông Saber Chowdhury khẳng định.

Thúc đẩy hợp tác Mekong - Nhật Bản

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thăm Nhật Bản và dự Hội nghị Cấp cao Mekong-Nhật Bản lần thứ 7 từ ngày 3-5/7 tại Tokyo, Nhật Bản. Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thăm Nhật Bản và dự Hội nghị Cấp cao Mekong-Nhật Bản lần thứ 7 từ ngày 3 - 5-7 tại Tokyo, Nhật Bản. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Đầu tháng 7 (3 - 5-7) Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thăm Nhật Bản và dự Hội nghị Cấp cao Mekong-Nhật Bản lần thứ 7.

Kết quả nổi bật của Hội nghị Cấp cao Mekong-Nhật Bản lần này là các nhà lãnh đạo 5 nước Mekong: Việt Nam, Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan và Nhật Bản đã thông qua Chiến lược Tokyo 2015 với các định hướng rõ ràng cho hợp tác Mekong-Nhật Bản giai đoạn 2016-2018; với mục tiêu bao trùm là bảo đảm ổn định khu vực và đạt “tăng trưởng chất lượng” tại tiểu vùng Mekong.

Trong Tuyên bố Chiến lược Tokyo 2015 về hợp tác Mekong-Nhật Bản, các nhà lãnh đạo nhấn mạnh tầm quan trọng của đại dương, một tài sản chung của thế giới; khẳng định tầm quan trọng của việc hợp tác chặt chẽ hơn để bảo đảm an ninh, an toàn hàng hải trong khu vực; nhấn mạnh việc cần phải thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và sớm đạt được Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC). Các nhà lãnh đạo cũng nhắc lại cam kết bảo đảm quyền tự do hàng hải và hàng không, an toàn hàng hải, giao thương thông suốt và giải quyết hòa bình các tranh chấp theo các nguyên tắc của luật pháp quốc tế đã được công nhận trên toàn cầu, bao gồm Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982.

Chia sẻ kinh nghiệm, đóng góp tích cực tại diễn đàn đa phương

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh LHQ. Ảnh: TTXVN
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh LHQ. Ảnh: TTXVN

Từ ngày 24 - 30-9, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã tham dự Hội nghị thượng đỉnh Liên Hợp Quốc thông qua Chương trình nghị sự 2030 về phát triển bền vững tại New York.

Tại hội nghị thượng đỉnh Liên Hợp Quốc, đoàn Việt Nam do Chủ tịch nước Trương Tấn Sang dẫn đầu đã tham gia tích cực, đóng góp thực chất vào quá trình thương lượng và thông qua Chương trình nghị sự năm 2030 về phát triển bền vững.

Phát biểu tại Hội nghị, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã nêu bật 3 thông điệp và đề xuất lớn, gồm: Bảo đảm môi trường hòa bình, an ninh trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế là điều kiện tiên quyết để thực hiện thành công các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) ở mọi quốc gia; các nước cần có quyết tâm chính trị cao, phát huy tối đa nội lực và tiềm năng đất nước, lồng ghép SDGs vào mọi chính sách, chiến lược về phát triển, trong đó con người luôn ở vị trí trung tâm; tăng cường quan hệ đối tác toàn cầu vì phát triển.

Chủ tịch nước cũng nhấn mạnh nỗ lực của Việt Nam cùng các nước ASEAN duy trì hoà bình, an ninh trong khu vực để tạo môi trường thuận lợi cho phát triển bền vững, trong đó có an ninh, an toàn, tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông.

Đáng chú ý, tại nhiều sự kiện, diễn đàn cấp cao liên quan trong khuôn khổ Hội nghị, Chủ tịch nước và đoàn đại biểu Việt Nam đã chia sẻ những kinh nghiệm thành công trong việc phát triển kinh tế-xã hội, xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, bảo đảm bình đẳng giới của Việt Nam.

Tăng cường kết nối kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tham dự Hội nghị Cấp cao Diễn đàn kinh tế châu Á-Thái Bình Dương lần thứ 23 tại Manila, Philippines. Ảnh: TTXVN
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tham dự Hội nghị Cấp cao Diễn đàn kinh tế châu Á-Thái Bình Dương lần thứ 23 tại Manila, Philippines. Ảnh: TTXVN

Ngày 17 - 19-11, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã dẫn đầu Đoàn đại biểu Việt Nam tham dự Hội nghị Cấp cao Diễn đàn kinh tế châu Á-Thái Bình Dương lần thứ 23 tại Manila, Philippines.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang là khách mời đặc biệt và diễn giả chính tại nhiều phiên thảo luận quan trọng, trong đó có Hội nghị Thượng đỉnh doanh nghiệp APEC và Phiên thảo luận thứ nhất về “Thúc đẩy tăng trưởng bao trùm thông qua liên kết kinh tế”.

Lãnh đạo nước ta khẳng định quyết tâm tiếp tục đổi mới, cải cách sâu rộng, triển khai các mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc (SDGs); đưa ra nhiều đề xuất thiết thực góp phần duy trì môi trường hòa bình, ổn định ở khu vực để phát triển; nhấn mạnh APEC cần ưu tiên phát triển bền vững, xóa đói nghèo, thu hẹp khoảng cách, an ninh lương thực, quản lý nước, phát triển nông nghiệp, ứng phó thiên tai…

Dấu mốc lịch sử của ASEAN

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng lãnh đạo các nước thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á  ký Tuyên bố Kuala Lumpur về việc thành lập Cộng đồng ASEAN 2015 tại Thủ  đô Kuala Lumpur, Malaysia. Ảnh VGP/Nhật Bắc
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng lãnh đạo các nước thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á ký Tuyên bố Kuala Lumpur về việc thành lập Cộng đồng ASEAN 2015 tại Thủ đô Kuala Lumpur, Malaysia. Ảnh VGP/Nhật Bắc

Trong hai ngày 21 - 22-11, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã dẫn đầu đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tham dự Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 27 và các hội nghị cấp cao liên quan tại Thủ đô Kuala Lumpur, Malaysia.

Sáng 22-11, tại thủ đô Kuala Lumpur, Malaysia, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng lãnh đạo các nước thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á  đã ký Tuyên bố Kuala Lumpur về việc thành lập Cộng đồng ASEAN 2015 và Tuyên bố Kuala Lumpur về Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025.

Trong Tuyên bố Kuala Lumpur về việc thành lập Cộng đồng ASEAN, các nhà lãnh đạo ASEAN tuyên bố chính thức thành lập Cộng đồng ASEAN vào ngày 31/12/2015. Tuyên bố khẳng định cam kết của các nước thành viên đối với Hiến chương ASEAN, phản ánh mong muốn và ý chí tập thể nhằm chung sống trong một khu vực hòa bình, an ninh và ổn định dài lâu, tăng trưởng kinh tế bền vững, thịnh vượng chung và tiến bộ xã hội.

Việt Nam và thỏa thuận lịch sử của COP 21

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tham dự và phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh khí hậu thế giới COP 21. Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tham dự và phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh khí hậu thế giới COP 21. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Sau 12 ngày đàm phán căng thẳng với nhiều cuộc thương lượng kéo dài suốt đêm, thỏa thuận Hội nghị thượng đỉnh khí hậu thế giới COP 21 (Thỏa thuận Paris), thông qua ngày 12/12,  đã đi vào lịch sử với sự đồng thuận của 195 nước thành viên Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu.

Dẫn đầu Đoàn cấp cao Việt Nam dự Hội nghị, trong phát biểu của mình tại phiên khai mạc COP 21, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị: Nội dung Thỏa thuận cần bảo đảm sự đóng góp công bằng giữa các quốc gia và có sự cân bằng trong các nội dung về giảm nhẹ, thích ứng, tài chính, phát triển và chuyển giao công nghệ... Các nước phát triển cần đi đầu trong thực hiện cam kết của mình, đồng thời hỗ trợ và tăng cường năng lực cho các nước đang phát triển để cùng nhau thực hiện thành công Thỏa thuận này.

Phát biểu của Thủ tướng cũng đã thể hiện trách nhiệm rất rõ ràng của Việt Nam đối với cộng đồng thế giới.

Cụ thể đối với giai đoạn sau năm 2020, mặc dù là một nước đang phát triển còn nhiều khó khăn, chịu tác động nặng nề của biến đổi khí hậu, Việt Nam vẫn cam kết giảm 8% lượng phát thải khí nhà kính vào năm 2030 và có thể giảm đến 25% nếu nhận được hỗ trợ hiệu quả từ cộng đồng quốc tế.

Việt Nam cũng đóng góp 1 triệu USD vào Quỹ Khí hậu xanh giai đoạn 2016-2020, trong điều kiện khó khăn về nguồn lực. Qua đó thể hiện sự nghiêm túc, trách nhiệm của Việt Nam khi thực hiện các nghĩa vụ trong Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC) và Nghị định thư Kyoto.

Năm 2015 đã khép lại thể hiện những nỗ lực vượt bậc và bước tiến đáng ghi nhận cho ngoại giao đa phương của Việt Nam khi nước ta ngày càng thể hiện tinh thần trách nhiệm cao với khu vực và cộng đồng thế giới cũng như nâng tầm vị thế của Việt Nam lên một vị trí mới với những đóng góp thiết thực và tích cực hơn vì một thế giới hòa bình, ổn định, công bằng và phồn vinh.

(Theo chinhphu.vn)

.
.
.