Dấu ấn đối ngoại của Quốc hội Việt Nam
Trước những diễn biến phức tạp của tình hình thế giới và khu vực trong năm 2015, hoạt động đối ngoại của Việt Nam, trong đó có ngoại giao Nghị viện tiếp tục đạt được những kết quả quan trọng, góp phần nâng cao vị thế, vai trò và trách nhiệm của Việt Nam trên trường quốc tế.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Ngô Đức Mạnh. Ảnh: nhandan.com.vn |
Chủ đề này đã được Tiến sỹ Ngô Đức Mạnh, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam trước thêm Xuân mới Bính Thân 2016.
Phóng viên (PV): Thưa đồng chí , năm 2015, thực hiện chủ trương tích cực và chủ động hội nhập quốc tế, công tác đối ngoại của Việt Nam đã thu được nhiều thành tưu quan trọng. Đồng chí đánh giá như thế nào về hoạt động đối ngoại của Quốc hội Việt Nam thời gian qua?
Đồng chí Ngô Đức Mạnh: Tôi cho rằng, trong bối cảnh tình hình chính trị, an ninh, kinh tế trên thế giới và trong khu vực có nhiều biến động, Việt Nam tiếp tục thực hiện chủ trương, đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ, là thành viên tích cực, chủ động và có trách nhiệm đối với cộng đồng quốc tế. Hoạt động đối ngoại của Quốc hội trong năm 2015 tiếp tục triển khai có hiệu quả đường lối đối ngoại của Đảng, Nhà nước đề ra tại Đại hội Đảng lần thứ XI, Chiến lược phát triển kinh tế xã hội 2011 - 2020, Nghị quyết 22 của Bộ Chính trị về Hội nhập quốc tế (10/4/2013), Nghị quyết 28 của Trung ương về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới và Quy chế 272 của Bộ Chính trị về quản lý thống nhất các hoạt động đối ngoại, với phương châm chủ động, tích cực, hiệu quả và thiết thực.
Các cơ quan của Quốc hội đã phối hợp các cơ quan Đảng và Chính phủ triển khai nhiều hoạt động đối ngoại lớn, phối hợp đón tiếp nhiều đoàn lãnh đạo Đảng, Nguyên thủ quốc gia, lãnh đạo Nghị viện các nước thăm Việt Nam. Triển khai Chương trình đối ngoại của các đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước, Lãnh đạo Quốc hội đã tiến hành các chuyến thăm chính thức, thăm làm việc đến một số nước bạn bè truyền thống và đối tác quan trọng trong khu vực và thế giới như Mỹ, Nga, Nhật Bản, Triều Tiên nhằm củng cố và tăng cường quan hệ hợp tác song phương, kết hợp tham dự các Diễn đàn đa phương quan trọng như Hội nghị các Chủ tịch Quốc hội thế giới tại New York, Diễn đàn Phụ nữ Á-Âu tại Xanh Pê-téc-bua, ĐHĐ AIPA-36 tại Kuala Lumpur, Đại hội đồng IPU-133 tại Thụy Sĩ.
PV: Đồng chí có thể cho biết một số nét cụ thể về hoạt động đối ngoại song phương - một kênh đối ngoại có nhiều điểm nhấn trong năm qua?
Đồng chí Ngô Đức Mạnh: Hoạt động đối ngoại song phương của Quốc hội trong năm 2015 được triển khai theo hướng đi vào chiều sâu, hiệu quả, thực chất, trong đó ưu tiên các đối tác có quan hệ hữu nghị đặc biệt, các nước láng giềng, khu vực, đối tác chiến lược, đối tác truyền thống; tranh thủ sự ủng hộ của Nghị viện các nước trong đấu tranh bảo vệ chủ quyền và vẹn lãnh thổ của ta, giảm thiểu nhận thức sai lệch về tình hình Việt Nam, đảm bảo kết hợp hài hòa giữa lợi ích quốc gia, lợi ích dân tộc trong quan hệ quốc tế.
Trong năm 2015, Quốc hội ta đã cử nhiều đoàn thăm chính thức, thăm làm việc tại các nước (trong đó có 01 đoàn cấp Chủ tịch Quốc hội và 05 đoàn cấp Phó Chủ tịch Quốc hội); đón tiếp, làm việc với nhiều đoàn nghị sĩ các nước thăm Việt Nam (trong đó có 09 đoàn cấp Chủ tịch và 05 đoàn cấp Phó Chủ tịch Quốc hội).Trong bối cảnh tình hình chính trị, an ninh khu vực có nhiều diễn biến mới với sự điều chỉnh chiến lược của các nước lớn, đồng thời có nhiều sự thay đổi trên chính trường và Ban lãnh đạo nghị viện của một số nước đối tác quan trọng của ta, việc Quốc hội ta triển khai đón tiếp trọng thị, chu đáo nhiều Đoàn đại biểu cấp cao Nghị viện các nước và tổ chức các chuyến thăm của Lãnh đạo Quốc hội ta đã mang lại kết quả tích cực trong việc thúc đẩy quan hệ song phương nhiều mặt giữa Việt Nam và Quốc hội Việt Nam với các đối tác quan trọng, trong đó có các nước ở tất cả các khu vực trên thế giới.
PV: Dấu ấn quan trọng nhất trong hoạt động đối ngoại của Quốc hội năm 2015 đó là lần đầu tiên đăng cai và tổ chức thành công Đại hội đồng Liên minh nghị viện thế giới lần thứ 132 (IPU 132), đồng chí có thể đánh giá thêm đôi nét về sự kiện này?
Đồng chí Ngô Đức Mạnh: Đúng là như vậy. Kết quả nổi bật của ngoại giao nghị viện đa phương năm 2015 là việc Quốc hội Việt Nam đăng cai tổ chức thành công Đại hội đồng IPU-132 và các sự kiện liên quan từ ngày 28/3-1/4/2015 tại Thủ đô Hà Nội. Sự tham gia tích cực, chủ động, thực chất của Đoàn Việt Nam, trong đó nòng cốt là Ủy ban Đối ngoại về mặt nội dung, thông tin tuyên truyền đã góp phần quan trọng vào thành công của IPU-132. Chủ đề tại phiên thảo luận chung của Đại hội đồng do Việt Nam đề xuất “Các mục tiêu phát triển bền vững: Biến lời nói thành hành động” đã thu hút sự quan tâm, thảo luận sôi nổi của các Đoàn tham dự và nhận được sự đồng tình và đánh giá cao của nghị viện các nước thành viên IPU về chủ đề này.
Việc Đại hội đồng IPU-132 thông qua Tuyên bố Hà Nội có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển của IPU, đồng thời, thể hiện vai trò, vị thế của Quốc hội Việt Nam trong cơ chế nghị viện đa phương lớn nhất này. Tuyên bố Hà Nội đã phản ánh được các nội dung cơ bản về cam kết và hành động của Nghị viện đối với các Mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) sau năm 2015 và là văn kiện chính thức được IPU chuyển tới Hội nghị toàn cầu các Chủ tịch Quốc hội và Nghị viện (tháng 8/2015), Hội nghị Thượng đỉnh Liên hợp quốc về các Mục tiêu phát triển bền vững được tổ chức ngay trước thềm Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 70 (tháng 9/2015). Tuyên bố Hà Nội được thông qua thể hiện sự chủ động, tích cực của Quốc hội Việt Nam trong hội nhập quốc tế vì lợi ích quốc gia, vì hòa bình, hợp tác và phát triển; thể hiện chính sách đối ngoại rộng mở, đa phương hóa, đa dạng hóa các quan hệ quốc tế của Việt Nam; góp phần nâng cao vị thế của Quốc hội và đất nước trên trường quốc tế.
Công tác thông tin, tuyên truyền IPU-132 đã được triển khai với hiệu quả cao với việc phát hành 2000 cuốn sách Quốc hội Việt Nam và Liên minh Nghị viện Thế giới IPU và rất nhiều bản tin, ấn phẩm về đất nước, danh thắng Việt Nam, về IPU -132 phục vụ công tác thông tin tuyên truyền trong nước và quốc tế; chủ trì biên soạn các nội dung đăng tải lên trang mạng chính thức của Đại hội đồng; đảm bảo việc đăng tải kịp thời và hiệu quả hàng trăm bình luận trên mạng xã hội twitter là mạng xã hội hiện đại lần đầu tiên được áp dụng trong một sự kiện có quy mô toàn cầu ở Việt Nam; vận hành Trung tâm báo chí IPU-132 tạo điều kiện tác nghiệp cho hơn 400 phóng viên Việt Nam và gần 100 phóng viên nước ngoài và thường trú tại Việt Nam; công tác an ninh mạng, an ninh thông tin, an ninh tư tưởng được bảo đảm. Các cơ quan quản lý nhà nước và cơ quan thông tin, truyền thông, báo chí của Nhà nước ta đã phối hợp nhịp nhàng và hiệu quả cung cấp hàng nghìn lượt tin, bài, phóng sự... về IPU-132 trong suốt hơn một năm kể từ khi chúng ta được chính thức đăng cai cho đến khi IPU-132 thành công tốt đẹp. Qua đó, chuyển tải đến bạn bè khắp năm châu về một đất nước Việt Nam đang phát triển năng động, đổi mới, người dân Việt Nam cần cù, thân thiện, nền văn hóa Việt Nam đậm đà bản sắc dân tộc.
PV: Đồng chí cho biết trọng tâm của công tác đối ngoại của Quốc hội trong năm tới là gì?
Đồng chí Ngô Đức Mạnh: Năm 2016 đã đến. Đây là năm rất quan trọng, năm đầu triển khai Nghị quyết Đại hội Đảng XII, trước những cơ hội và thách thức của tình hình thế giới, hơn bao giờ hết công tác đối ngoại nói chung và ngoại giao nghị viện nói riêng cần được chú trọng ở tất cả các mặt. Tôi cho rằng, hoạt động đối ngoại của Quốc hội cần được triển khai đồng bộ, trên tất cả các khâu, đó là:
Tiếp tục thúc đẩy quan hệ của Quốc hội ta với Quốc hội/Nghị viện các nước, với trọng tâm góp phần củng cố quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với Trung Quốc; đẩy mạnh quan hệ đối tác toàn diện với Mỹ, các nước Liên minh châu Âu (EU); thắt chặt quan hệ với Lào, Campuchia, tăng cường quan hệ với các nước ASEAN, Nhật Bản, các đối tác, bạn bè truyền thống; tiếp tục mở rộng quan hệ với các đối tác có tiềm năng, đóng góp vào việc bảo vệ chủ quyền biển đảo và lợi ích quốc gia; tạo môi trường hòa bình và điều kiện thuận lợi để phát triển đất nước.
Tiếp tục đảm bảo sự tham gia tích cực, chủ động và có trách nhiệm tại các diễn đàn nghị viện đa phương, nhất là Liên minh Nghị viện thế giới (IPU) và Hội đồng Nghị viện các nước ASEAN (AIPA); mở rộng kênh tham vấn nghị viện nhằm nâng cao hiểu biết và tin tưởng lẫn nhau, góp phần phối hợp giải quyết vấn đề chung trong ASEAN.
Phối hợp chặt chẽ giữa các Ủy ban của Quốc hội, các cơ quan hữu quan, chú trọng ngoại giao nghị viện trong việc thúc đẩy phê chuẩn Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA), thúc đẩy phê chuẩn hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh kinh tế Á – Âu; tăng cường giám sát đối với quá trình hội nhập của Việt Nam trong khuôn khổ ASEAN sau khi Cộng đồng ASEAN chính thức được hình thành.
Tiếp tục đẩy mạnh công tác lập pháp, giám sát phục vụ hội nhập quốc tế theo tinh thần Hiến pháp 2013, nhất là trong hoạt động xây dựng, thẩm tra các dự án luật, pháp lệnh có liên quan đến yếu tố nước ngoài; tham gia giám sát việc đàm phán, ký kết và triển khai các hiệp định, hiệp ước quốc tế.
Tiếp tục đẩy mạnh công tác vận động, đấu tranh trên các vấn đề dân chủ, nhân quyền, tôn giáo, bảo hộ công dân, hỗ trợ nạn nhân chất độc da cam/dioxin, người tàn tật và các hoạt động nhân đạo.
Đẩy mạnh hoạt động của Nhóm Nghị sĩ hữu nghị. Tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan của Quốc hội, Đoàn ĐBQH, ĐBQH trong việc triển khai các hoạt động đối ngoại Quốc hội.
PV: Xin cảm ơn đồng chí!
(Theo dangcongsan.vn)