Chủ Nhật, 14/02/2016, 07:04 (GMT+7)
.

Phát triển tình đoàn kết và hợp tác quốc tế trong giai đoạn mới

Tình đoàn kết, hữu nghị, hợp tác giữa nhân dân Việt Nam với nhân dân các nước trên thế giới luôn là yếu tố tạo nên thành công, góp phần quan trọng vào những thành tựu của ​Việt Nam trong suốt thời gian qua.

Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức Hữu nghị Việt Nam Vũ Xuân Hồng. Ảnh: An Đăng/TTXVN
Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức Hữu nghị Việt Nam Vũ Xuân Hồng. Ảnh: An Đăng/TTXVN

Nhân dịp Xuân mới Bính Thân 2016, Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam Vũ Xuân Hồng đã chia sẻ với phóng viên Thông tấn xã Việt Nam về công tác đối ngoại nhân dân hiện nay.

* Phóng viên (PV): Ông có thể chia sẻ câu chuyện hội nhập quốc tế và sự liên hệ với người dân trong giai đoạn hiện nay?

Ông Vũ Xuân Hồng: Việt Nam hiện có quan hệ ngoại giao với hơn 180 nước. Hơn 200 nước, vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam. Hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) ngày càng được sử dụng một cách hiệu quả. Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đã trở thành một yếu tố quan trọng cho nền kinh tế trong quá trình hội nhập.

Hợp tác quốc tế trong lĩnh vực khoa học, giáo dục, chuyển giao công nghệ cũng được đẩy mạnh. Có thể nói, trên nền tảng của những thành tựu trong công cuộc đổi mới 30 năm qua, Việt Nam đang chủ động, tích cực hội nhập quốc tế với tinh thần hợp tác cùng có lợi.

Đất nước đang bước vào thời kỳ phát triển mới. Câu chuyện hội nhập quốc tế và quan hệ đối ngoại hôm nay không phải chỉ của các nhà ngoại giao chuyên nghiệp, các nhà lãnh đạo, các doanh nhân, mà bây giờ đã gõ cửa tới từng nhà dân.

Với hàng loạt các hiệp định thế hệ mới, hàng loạt cơ chế hợp tác đa phương, song phương mà Việt Nam tham gia, theo đó quan hệ kinh tế của Việt Nam với tất cả các nước trong thời gian tới sẽ phát triển một cách mạnh mẽ.

Trên nền tảng đó chúng ta phải nỗ lực, vừa tích cực, vừa chủ động tham gia “cuộc chơi” một cách chất lượng nhất. Điều này cũng rất phù hợp với vai trò, vị trí của đối ngoại nhân dân, tức là phải có người dân tham gia vào. Càng có nhiều người dân được chuẩn bị tốt và được tham gia vào những hoạt động này thì đất nước sẽ hội nhập một cách chủ động, tích cực và hiệu quả hơn.

Để thực hiện tốt, trước hết là trong cấp ủy, trong đảng, chính quyền địa phương phải có một nhận thức thông suốt, thống nhất về vai trò, vị trí của đối ngoại nhân dân trong tình hình mới.

* PV: Vậy công tác tăng cường tình đoàn kết quốc tế trong giai đoạn hiện nay sẽ được triển khai như thế nào?

Ông Vũ Xuân Hồng: Chúng ta phải luôn nhớ câu nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh là đối với cách mạng Việt Nam, trong bất cứ hoàn cảnh nào, điều kiện nào thì tình đoàn kết quốc tế và sự ủng hộ của bạn bè quốc tế là hết sức quan trọng. Ngay như vấn đề bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, vấn đề biển đảo, chủ quyền, chúng ta rất cần tình đoàn kết quốc tế.

Chúng tôi nghĩ rằng Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam, các tổ chức hữu nghị, các tổ chức quần chúng nhân dân Việt Nam, bằng nỗ lực của chính mình đã và đang tiếp tục tạo sự tin cậy của bạn bè quốc tế. Chúng ta phải có các đối tác nòng cốt của mình ở các nước, khu vực, trên cơ sở đó có thể liên kết lại trở thành mạng lưới bạn bè và đối tác của Việt Nam ở nước ngoài sẵn sàng chia sẻ, hợp tác hiệu quả đối với chúng ta trong tất cả các lĩnh vực.

Nhà nước quan hệ với nhà nước, doanh nghiệp đi theo kênh của doanh nghiệp, nhưng quan hệ của dân với dân làm thế nào để cho thật uyển chuyển, cho hiệu quả? Phương thức của chúng ta là chủ động, linh hoạt, sáng tạo nhưng cuối cùng là phải có hiệu quả.

Chúng ta phải cân, đo, đong, đếm bằng các dự án có thể tổ chức thực hiện được; phải cân, đo, đong, đếm bằng những hiệu quả mang lại trong các lĩnh vực hợp tác về khoa học, giáo dục, văn hóa, về giao lưu con người với con người và đặc biệt là làm thế nào để nhân dân thế giới vốn đã có cảm tình với Việt Nam, hiểu được chúng ta và những lúc cần thiết bày tỏ tiếng nói ủng hộ, đoàn kết với chúng ta.

Đấy chính là sức mạnh mềm trên cơ sở chính nghĩa, trên cơ sở lợi ích cốt lõi, phù hợp với luật pháp quốc tế cũng như nguyện vọng chính đáng của nhân dân thế giới.

Hiện nay, trong quan hệ đa phương có rất nhiều loại hình hoạt động. Chúng ta tùy theo sức, nguồn lực của mình, phải tích cực và chủ động tham gia các cơ chế đa phương đó.

Đó là cơ chế của Liên hợp quốc, cơ chế của các tổ chức phi chính phủ, cơ chế của các diễn đàn xã hội thế giới như Diễn đàn nhân dân Á-Âu, Diễn đàn nhân dân ASEAN, rồi hàng trăm, hàng nghìn loại hình hoạt động khác nữa...

Chúng ta phải có sự lựa chọn để làm thế nào nói lên tiếng nói của mình trong những vấn đề về thời cuộc, hòa bình, xung đột và giải pháp.

Từ đó, chúng ta có những đóng góp tích cực vào các phong trào của nhân dân thế giới vì mục tiêu cao cả của thời đại. Qua đó, nhân dân thế giới thấy rõ được vai trò, vị trí cũng như trách nhiệm của Việt Nam.

Bằng thực tế của Việt Nam qua 30 năm đổi mới, đối ngoại nhân dân cũng sẻ chia kinh nghiệm và những bài học thành công mà Việt Nam đã đạt được trong vấn đề về xóa đói giảm nghèo, khí hậu, môi trường, về bình đẳng giới, quyền trẻ em...

Chúng ta có những kinh nghiệm đáng quý và sẵn sàng chia sẻ với bạn bè quốc tế. Đấy cũng là một cách tiếp cận với thế giới hiện nay để quốc tế hiểu Việt Nam nhiều hơn và ngược lại cũng là dịp để cùng hợp tác tốt hơn.

(Theo http://www.vietnamplus.vn/phat-trien-tinh-doan-ket-va-hop-tac-quoc-te-trong-giai-doan-moi/370616.vnp)

.
.
.