Thủ tướng mong muốn ASEAN nâng cao tính tự cường
Phát biểu tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 28-29 tại Lào, để thực hiện hiệu quả tiến trình xây dựng Cộng đồng và Tầm nhìn ASEAN 2025, Thủ tướng nhấn mạnh ưu tiên nâng cao năng lực và tính tự cường của ASEAN, phát huy vai trò trung tâm của ASEAN.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh dự lễ khai mạc Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 28-29. Ảnh: VGP/Quang Hiếu |
Chiều ngày 6-9, tại Trung tâm Hội nghị quốc gia ở Thủ đô Vientiane, lễ khai mạc Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 28-29 đã chính thức diễn ra với sự tham dự của lãnh đạo 10 nước thành viên ASEAN, mở đầu cho 11 hội nghị cấp cao ASEAN và giữa ASEAN với các đối tác diễn ra từ ngày 6-8/9/2016.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc dẫn đầu đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tham dự các hội nghị quan trọng này.
Đề cao tuân thủ luật pháp quốc tế
Ngay sau lễ khai mạc, các nhà lãnh đạo ASEAN đã họp Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 28 với trọng tâm thảo luận là việc triển khai Tầm nhìn ASEAN 2025 và các định hướng tăng cường hợp tác ASEAN thời gian tới.
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao những kết quả tích cực trong năm đầu tiên của Cộng đồng ASEAN, cũng như những nỗ lực và vai trò quan trọng của Lào trên cương vị Chủ tịch ASEAN năm 2016.
Để thực hiện hiệu quả tiến trình xây dựng Cộng đồng và Tầm nhìn ASEAN 2025, Thủ tướng nhấn mạnh ưu tiên nâng cao năng lực và tính tự cường của ASEAN, phát huy vai trò trung tâm của ASEAN. Coi đây là những nhân tố quan trọng cho thành công của ASEAN, Thủ tướng cho rằng mỗi nước thành viên đều có lợi ích và trách nhiệm trong việc tăng cường đoàn kết và thống nhất ASEAN, kết hợp hài hòa lợi ích quốc gia với lợi ích của ASEAN - một cộng đồng cùng chung vận mệnh. Các thành viên ASEAN cần tăng cường tham vấn, có tiếng nói chung trước những vấn đề khu vực có ảnh hưởng trực tiếp đến an ninh và phát triển của ASEAN, cũng như trong định hướng quan hệ với các đối tác và định hình cấu trúc khu vực.
Về các lĩnh vực hợp tác, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị xác định rõ trọng tâm, ưu tiên trong quá trình thực hiện Tầm nhìn ASEAN 2025 và các kế hoạch triển khai trên từng trụ cột.
Cụ thể, về chính trị-an ninh, ASEAN cần đẩy mạnh các hoạt động xây dựng lòng tin, các biện pháp ngoại giao phòng ngừa, phát huy các quy tắc và chuẩn mực ứng xử của ASEAN, đề cao việc tuân thủ luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982, tôn trọng tiến trình ngoại giao và pháp lý, gìn giữ hòa bình, an ninh, ngăn ngừa nguy cơ xung đột ở khu vực, hợp tác ứng phó với những thách thức an ninh phi truyền thống, nhất là khủng bố và an ninh mạng.
Về kinh tế, ưu tiên hiện nay là thực hiện các biện pháp thuận lợi hóa thương mại, cải thiện môi trường đầu tư và kinh doanh, phát triển các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong các lĩnh vực có giá trị gia tăng và hàm lượng công nghệ cao, thúc đẩy hợp tác khu vực về giám sát kinh tế vĩ mô, bảo đảm ổn định tài chính-tiền tệ.
Về văn hóa-xã hội, đẩy mạnh trao đổi văn hóa và giao lưu nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội, phát triển nguồn nhân lực, nhất là lao động lành nghề, chú trọng bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu và quản lý thiên tai.
Về kết nối và thu hẹp khoảng cách phát triển, tập trung phát triển mạng lưới đường bộ và đường sắt, tăng cường năng lực đường biển và hàng không; nâng cao năng lực hội nhập khu vực của Campuchia, Lào, Myanmar, Việt Nam.
Hướng tới kỷ niệm 50 năm thành lập ASEAN, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị tăng cường các hoạt động tuyên truyền, quảng bá, khuyến khích sự tham gia tích cực của người dân, doanh nghiệp và các tầng lớp xã hội, tạo sự đồng thuận và ủng hộ đối với hợp tác ASEAN, đồng thời cam kết Việt Nam sẽ cùng các nước thành viên triển khai những hoạt động thiết thực, hiệu quả ghi dấu ấn sâu đậm cho ASEAN sau nửa thế kỷ hình thành và phát triển lớn mạnh.
Các nhà lãnh đạo các nước ASEAN tham dự lễ ra mắt logo Chiến dịch Visit ASEAN@50 hướng tới kỷ niệm 50 năm thành lập ASEAN vào năm 2017. Ảnh: VGP/Quang Hiếu |
Ưu tiên hội nhập 5 lĩnh vực
Tại hội nghị, các nhà lãnh đạo đánh giá cao những tiến triển trong thực hiện các kế hoạch đề ra, đặc biệt là 8 lĩnh vực ưu tiên trong năm Chủ tịch ASEAN 2016 của Lào gồm triển khai Tầm nhìn ASEAN 2025, thu hẹp khoảng cách phát triển, thuận lợi hóa thương mại, chuyển đổi kinh tế, phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ, du lịch, kết nối và hợp tác về di sản văn hóa. Hội nghị nhất trí tiếp tục triển khai hiệu quả và đúng lộ trình Tầm nhìn ASEAN 2025 và các kế hoạch tổng thể trên 3 trụ cột chính trị-an ninh, kinh tế và văn hóa-xã hội nhằm đưa liên kết ASEAN ngày càng đi vào chiều sâu, toàn diện và thực chất.
Với quyết tâm thúc đẩy kết nối và thu hẹp khoảng cách phát triển trong tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN, các nhà lãnh đạo ASEAN đã thông qua Kế hoạch tổng thể kết nối ASEAN 2025 và Chương trình công tác sáng kiến hội nhập ASEAN (IAI) giai đoạn 3.
Theo đó, Kế hoạch kết nối sẽ tập trung vào 5 lĩnh vực chiến lược gồm phát triển cơ sở hạ tầng bền vững, sáng tạo số, chuỗi cung ứng không gián đoạn, tối ưu hóa hoạch định và thực thi chính sách, giáo dục, đào tạo nghề và đi lại nội khối.
Chương trình công tác hội nhập hướng đến 5 lĩnh vực ưu tiên là thực phẩm và nông nghiệp, thuận lợi hóa thương mại, phát triển doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ, y tế và phúc lợi, đào tạo và lao động, nhằm tiếp tục hỗ trợ các nước Campuchia, Lào, Myanmar và Việt Nam hội nhập khu vực, thu hẹp khoảng cách phát triển, hướng tới một ASEAN phát triển đồng đều, bền vững.
Trước các thách thức hiện nay, các nhà lãnh đạo nêu đậm việc tăng cường đoàn kết, thống nhất, duy trì vai trò trung tâm của ASEAN trong quan hệ với các đối tác và xây dựng cấu trúc khu vực dựa trên luật lệ, thúc đẩy hòa bình, ổn định và an ninh ở khu vực, cũng như đề cao các nguyên tắc giải quyết hòa bình các tranh chấp.
Trong trao đổi, các nhà lãnh đạo nhấn mạnh, ASEAN đang ở vào thời điểm đặc biệt vì vừa thành lập Cộng đồng, sắp tới kỷ niệm 50 năm ASEAN ra đời, 10 năm ký Hiến chương (năm 2017), nhưng cũng lại đứng trước những thách thức phức tạp. Vì vậy, ASEAN cần duy trì sự thống nhất, nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ chế, đem lại lợi ích thiết thực cho người dân. Qua đó, ASEAN thể hiện vai trò trung tâm, duy trì hòa bình, an ninh, phát huy tiềm năng về phát triển kinh tế, xã hội và văn hóa. ASEAN đã tạo cảm hứng về khả năng phát triển thì ASEAN cũng cần tạo cảm hứng cho thế giới về khả năng gìn giữ hòa bình, ổn định.
Hội nghị cũng nhất trí đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức, hiểu biết và sự gắn kết giữa nhân dân các nước, hướng tới kỷ niệm 50 năm ASEAN ra đời và phát triển (1967-2017).
Sau hội nghị, các nhà lãnh đạo ASEAN đã có các phiên đối thoại với các đại diện Hội đồng liên Nghị viện ASEAN, Thanh niên ASEAN và Hội đồng Tư vấn kinh doanh ASEAN.
Tại các phiên đối thoại, sau khi nghe ý kiến của các đại diện Nghị viện, doanh nghiệp và thanh niên nhằm thực hiện hiệu quả các mục tiêu của Cộng đồng ASEAN, các nhà lãnh đạo đánh giá cao vai trò và khuyến khích sự tham gia, đóng góp tích cực của các giới nhằm thúc đẩy hợp tác, tăng trưởng và nâng cao năng lực cạnh tranh cho từng nước thành viên và nền kinh tế khu vực, tạo cầu nối giữa các tầng lớp nhân dân và Chính phủ, tạo sự đồng thuận và ủng hộ đối với hợp tác ASEAN, tăng cường hiểu biết và gắn bó giữa nhân dân các nước, hướng tới một Cộng đồng ASEAN dựa trên luật pháp, thực sự hướng tới người dân và lấy người dân làm trung tâm.
Cũng trong chiều nay, các nhà lãnh đạo đã tham dự lễ ký kết "Tuyên bố ASEAN về một ASEAN, một ứng phó: ASEAN cùng ứng phó các thảm họa trong và ngoài khu vực", lễ thông qua Kế hoạch tổng thể kết nối ASEAN 2025 và Chương trình công tác sáng kiến hội nhập ASEAN giai đoạn 3 và lễ ra mắt logo Chiến dịch Visit ASEAN@50 hướng tới kỷ niệm 50 năm thành lập ASEAN vào năm 2017.
Ngày mai (7/9), các lãnh đạo sẽ tiếp tục chương trình làm việc với việc tham dự Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 29, các Cấp cao ASEAN+1 với các đối tác Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và Liên Hợp Quốc, Cấp cao ASEAN+3 và Cấp cao Mekong-Nhật Bản.
(Theo chinhphu.vn)