Thứ Ba, 31/01/2017, 21:00 (GMT+7)
.

Cần làm gì để vận động kiều bào về nước đầu tư ?

Nhân dịp Xuân mới Đinh Dậu 2017, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Vũ Hồng Nam, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, đã chia sẻ về những đóng góp của kiều bào trong năm 2016, việc triển khai hiệu quả những chính sách, chương trình hành động của Đảng, Nhà nước và Chính phủ trong công tác kiều bào và giải pháp nhằm phát huy hơn nữa những nguồn lực từ kiều bào.

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Vũ Hồng Nam. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Vũ Hồng Nam. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

* Phóng viên (PV): Thứ trưởng có thể đánh giá chung về kết quả công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài trong năm 2016, một năm được coi là ghi nhiều dấu ấn quan trọng?

* Thứ trưởng Vũ Hồng Nam: Năm 2016 là một năm rất đặc biệt. Đây là năm diễn ra thành công Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, mở ra những hướng chiến lược phát triển kinh tế đất nước trong thời gian tới.

Đặc biệt, cương lĩnh của Đại hội đã dành một phần rất quan trọng đề ra nhiệm vụ cho các hệ thống chính trị, các cơ quan trong nước thực hiện nhiệm vụ xây dựng, hỗ trợ cộng đồng người Việt ở nước ngoài để phát triển khối đại đoàn kết toàn dân tộc Việt Nam.

Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chương trình hành động của Chính phủ tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa IX về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài giai đoạn 2016-2020.

Trên cơ sở Chương trình hành động này, các bộ, ngành, đặc biệt là Bộ Ngoại giao, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài đã xây dựng những chương trình hành động riêng.

Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài đã tổ chức Hội nghị người Việt Nam ở nước ngoài năm 2016, nhận được sự tham gia, đóng góp rất to lớn của kiều bào Việt Nam trên thế giới.

Liên hiệp hội người Việt Nam tại châu Âu là một thành công đáng kể vì chưa bao giờ chúng ta có một liên hiệp lớn như vậy ở nước ngoài. Cùng đó, chúng ta đã thành lập được hội, đoàn ở một số nơi khác như ở Canada , Hội những người Việt Nam sinh sống tại Macao, Đài Loan...

Để làm được điều đó, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài đã triển khai hoạt động trên tất cả các mặt, đặc biệt là việc tuyên truyền, gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc đối với kiều bào Việt Nam.

Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài đã thường xuyên tổ chức các hoạt động hàng năm như Chương trình “Xuân quê hương,” đưa kiều bào đi thăm Trường Sa, tổ chức hội thảo, các lớp tập huấn tiếng Việt, hỗ trợ cho kiều bào mở các trường học…

Như vậy, năm 2016 chúng ta đã tạo được dấu ấn trên mọi lĩnh vực văn hóa trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài.

Đặc biệt, chúng ta đã tổ chức rất thành công Hội nghị người Việt Nam ở nước ngoài năm 2016. Đây là Hội nghị Việt kiều toàn thế giới lớn nhất từ trước đến giờ với sự tham gia của hơn 500 đại biểu kiều bào. Số thành viên này hầu hết là các chuyên gia, nhà khoa học, trí thức, các nhà kinh tế nổi tiếng người Việt trên toàn thế giới.

* PV: Nhiều năm qua, sự đóng góp của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài với công cuộc phát triển đất nước là rất đáng ghi nhận. Tuy nhiên, trên thực tế, tiềm lực của cộng đồng kiều bào còn rất lớn. Chúng ta cần làm gì để họ đóng góp xây dựng quê hương nhiều hơn nữa, thưa ông?

* Thứ trưởng Vũ Hồng Nam: Với 4,5 triệu kiều bào Việt Nam sống trải dài ở 109 quốc gia và vùng lãnh thổ thì nhiệm vụ làm sao kêu gọi kiều bào đóng góp cho đất nước là rất quan trọng.

Tuy nhiên, mỗi quốc gia lại mang những đặc thù riêng, vì thế chúng ta không thể có khuôn mẫu cụ thể để áp dụng cho tất cả các cộng đồng. Chúng ta phải nghiên cứu đặc tính của từng vùng, từng cộng đồng, từ đó hiểu được nhu cầu của họ về văn hóa, về việc phát triển tiếng Việt cho con em.

Trên cơ sở đó, chúng ta tạo điều kiện để ý nguyện hướng về đất nước của các kiều bào trở thành hiện thực.

Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài phải thực hiện nhiệm vụ này.

Đầu tiên là thu hút vận động kiều bào về đầu tư trong nước. Khi kiều bào về rồi thì phải hướng dẫn họ hiểu về luật pháp trong nước. Khi kiều bào gặp khó khăn thì phải giúp, mang những tâm tư vướng mắc của kiều bào trao đổi với các cấp chính quyền. Điều gì kiều bào đúng mà chính quyền chưa làm tốt thì chúng ta kiến nghị các cấp chính quyền phải làm theo pháp luật. Nếu kiều bào còn hiểu biết sai về pháp luật thì chúng ta giải thích phải làm cho đúng.

Một nguồn lực lớn nữa cần thu hút là các tri thức Việt kiều, đặc biệt là các nhà khoa học có tâm huyết, mong muốn đóng góp nhiều ý tưởng cho đất nước.

Tại Hội nghị người Việt Nam ở nước ngoài năm 2016, chúng ta đã xây dựng được những ngân hàng ý tưởng có tính khả thi cao. Hơn một tháng sau Hội nghị, đã có những ý tưởng bắt đầu được triển khai.

Ví dụ, việc lắp hệ thống đồng hồ thông minh để quản lý hệ thống nước sạch ở Thành phố Hồ Chí Minh nhằm chống thất thoát đã bắt đầu được lắp đặt; những ý tưởng biến Thành phố Hồ Chí Minh thành một trung tâm tài chính đã bắt đầu được nghiên cứu tính khả thi. Rõ ràng, những diễn đàn kết nối ý tưởng chính là mảnh đất ươm mầm để cho những hành động cụ thể.

* PV: Trên thực tế, công tác người Việt Nam ở nước ngoài vẫn tồn tại một số khó khăn. Theo ông, chúng ta cần phải làm gì để khắc phục?

* Thứ trưởng Vũ Hồng Nam: Tồn tại có sức ỳ và là cản trở lớn nhất chính là nhận thức của chúng ta. Mặc dù chúng ta đã triển khai quán triệt nhận thức các chính sách của Đảng, Chương trình hành động của Chính phủ đối với cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài… rất tốt nhưng vẫn còn một bộ phận địa phương, vùng sâu xa, một số bộ, ban, ngành chưa nhận thức đầy đủ. Đâu đó vẫn xuất hiện tình trạng cản trở và gây khó khăn; vẫn có những vướng mắc của kiều bào chưa được sự quan tâm của các cơ quan hữu quan. Tôi cho rằng đó là do nhận thức và phải dần dần khắc phục.

Cùng với đó là công tác vận động Việt kiều. Trên thực tế, nhiều Việt kiều chưa hiểu hết tình hình đất nước. Vì thế, phải làm sao những thông tin hiện tại của Việt Nam tới được với kiều bào. Muốn và để làm được điều này, công tác thông tin tuyên truyền cần được thực hiện tốt hơn nữa, cần phải phủ sóng thông tin đối ngoại tốt hơn nữa. Công việc này phải được xã hội hóa, tận dụng được nguồn lực chung của xã hội.

Cuối cùng, việc phải làm xuyên suốt, đó là duy trì được hoạt động dạy tiếng Việt cho thế hệ trẻ. Nếu thế hệ trẻ nói được tiếng Việt, dù ít dù nhiều, thì từ trong trái tim, họ vẫn thấy rằng, họ là người Việt.

* PV: Xin trân trọng cảm ơn Thứ trưởng.

(Theo http://www.vietnamplus.vn/can-lam-gi-de-van-dong-kieu-bao-ve-dau-tu-trong-nuoc/427954.vnp)

.
.
.