Thứ Bảy, 28/01/2017, 00:08 (GMT+7)
.

Đảm bảo Năm APEC 2017 thành công với những dấu ấn Việt Nam

Sau gần 20 năm trở thành thành viên của Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC), đây là lần thứ hai Việt Nam đảm nhận vai trò chủ nhà tổ chức các hoạt động của Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (lần đầu tiên vào năm 2006).

Ủy ban Quốc gia APEC 2017 tiến hành Phiên họp thứ 6 dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ tịch Uỷ ban Phạm Bình Minh. Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN
Ủy ban Quốc gia APEC 2017 tiến hành Phiên họp thứ 6 dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ tịch Uỷ ban Phạm Bình Minh. Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN

Hơn bao giờ hết, quá trình chuẩn bị và tham gia rộng rãi, đóng góp, tích cực của các địa phương, doanh nghiệp, giới nghiên cứu, cơ quan truyền thông và người dân là không thể thiếu đảm bảo Năm APEC 2017 thành công với những dấu ấn Việt Nam.

Tích cực chuẩn bị Năm APEC 2017

Ủy ban Quốc gia APEC 2017 được thành lập ngày 16/5/2015 theo Quyết định số 1082/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, là cơ chế liên ngành có trách nhiệm chỉ đạo và chủ trì chuẩn bị, tổ chức các hoạt động của Năm APEC 2017.

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh là Chủ tịch Ủy ban Quốc gia. Hai Phó Chủ tịch là Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao và Thứ trưởng Bộ Công Thương. Ủy ban gồm có 23 Ủy viên là lãnh đạo các cơ quan trung ương và các địa phương.

Ủy ban Quốc gia gồm 5 tiểu ban: Tiểu ban Nội dung do Bộ Ngoại giao và Bộ Công Thương đồng chủ trì; Tiểu ban Vật chất và Hậu cần do Văn phòng Chính phủ chủ trì; Tiểu ban An ninh và Y tế do Bộ Công an chủ trì; Tiểu ban Tuyên truyền và Văn hóa và Tiểu ban Lễ tân do Bộ Ngoại giao chủ trì. Bộ phận thường trực giúp việc cho Ủy ban Quốc gia là Ban Thư ký Quốc gia APEC 2017.

Tại Hội nghị cấp cao APEC lần thứ 24 ở thủ đô Lima của Peru ngày 19-20/11/2016, Chủ tịch nước Trần Đại Quang chính thức thông báo chủ đề của Năm APEC 2017 là "Tạo động lực mới, cùng vun đắp tương lai chung.”

Đề xuất của Việt Nam nhận được sự ủng hộ của tất cả các nền kinh tế thành viên, cộng đồng doanh nghiệp và các chuyên gia hàng đầu khu vực.

Ý nghĩa của chủ đề thể hiện ở ba khía cạnh: phản ánh sự quan tâm chung của các nền kinh tế thành viên Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương về tìm kiếm “động lực mới” cho hội nhập, liên kết và tăng trưởng kinh tế của châu Á-Thái Bình Dương.

Chủ đề thể hiện mẫu số chung, mục tiêu dài hạn của Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương và châu Á-Thái Bình Dương về “vun đắp tương lai chung,” đó là hòa bình, ổn định, phát triển và thịnh vượng.

Chủ đề thể hiện kỳ vọng về những phát triển mới của Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương trong năm 2017, góp phần khẳng định vị thế của Diễn đàn trong cục diện mới.

Để cụ thể hóa chủ đề “Tạo động lực mới, cùng vun đắp tương lai chung,” Việt Nam đã đề xuất bốn hướng ưu tiên lớn như sau: Thúc đẩy tăng trưởng bền vững sáng tạo và bao trùm; đẩy mạnh liên kết kinh tế khu vực sâu rộng; nâng cao năng lực cạnh tranh, sáng tạo của các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa trong kỷ nguyên số; tăng cường an ninh lương thực và nông nghiệp bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Những trọng tâm trên nhằm đáp ứng nhu cầu chung về khôi phục để tăng trưởng và liên kết sâu rộng ở khu vực, góp phần hoàn tất các Mục tiêu Bogor và thực hiện Chương trình nghị sự của Liên hợp quốc về phát triển bền vững đến năm 2030.

Quảng bá hình ảnh Việt Nam đổi mới, tích cực hội nhập

Với chủ trương nâng tầm đối ngoại đa phương của Đại hội Đảng lần thứ XII, việc tổ chức thành công Năm APEC 2017 là một trọng tâm của đối ngoại Việt Nam trong giai đoạn hội nhập quốc tế sâu rộng.

Những kỳ vọng của Việt Nam về Năm APEC 2017, trước hết Việt Nam có thể đóng góp thiết thực vào sự phát triển của tiến trình Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương, làm cho hợp tác APEC thực chất và có hiệu quả hơn.

Trước những thách thức đan xen đối với phát triển, Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương cần tìm kiếm động lực mới thúc đẩy tăng trưởng bền vững và làm sâu rộng liên kết, kết nối khu vực. Trong đó, then chốt là việc hoàn tất các Mục tiêu Bogor về tự do hóa thương mại-đầu tư vào năm 2020.

Kết quả hoạt động của năm 2017 tiếp tục nâng cao vị thế Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương là diễn đàn hợp tác kinh tế hàng đầu, tiên phong khởi xướng và hình thành liên kết khu vực sâu rộng hơn cũng như thúc đẩy xu thế hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở châu Á-Thái Bình Dương và thế giới.

Điều này có ý nghĩa quan trọng để chuẩn bị cho Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương bước vào thập niên phát triển thứ tư.

Thông qua Năm APEC 2017 để tăng cường tình hữu nghị, làm sâu sắc quan hệ đối tác với các nền kinh tế thành viên hiện là những trung tâm kinh tế và công nghệ hàng đầu thế giới. Các doanh nghiệp Việt Nam có thêm điều kiện kết nối, thiết lập các mối quan hệ kinh doanh và các đối tác hàng đầu thế giới.

Qua đó, quảng bá rộng rãi hình ảnh về một đất nước Việt Nam đổi mới, năng động, giàu tiềm năng và tích cực hội nhập; mang lại những cơ hội phát triển, quảng bá, giao lưu cho các vùng miền, địa phương, cộng đồng doanh nghiệp và người dân.

Các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp Việt Nam có thêm điều kiện học hỏi kinh nghiệm, nâng cao nhận thức và hiểu biết về Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương.

(Theo http://www.vietnamplus.vn/dam-bao-nam-apec-2017-thanh-cong-voi-nhung-dau-an-viet-nam/427736.vnp)

.
.
.