Thứ Tư, 21/03/2012, 16:26 (GMT+7)
.
XÂY DỰNG TRƯỜNG CHUẨN QUỐC GIA:

Vướng mắc và giải pháp

Nghị quyết số 02/2011/NQ-HĐND của HĐND tỉnh về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011 - 2015 đưa ra mục tiêu số trường đạt chuẩn Quốc gia ở các bậc học đến năm 2015: Mầm non phải đạt 40%; tiểu học, THCS và THPT phải đạt 50%. Sau thời gian triển khai thực hiện cho thấy, việc xây dựng trường chuẩn Quốc gia còn gặp nhiều khó khăn, các mục tiêu hướng tới trên đứng trước nhiều thách thức.

Trường THCS Phú Thạnh (xã Phước Thạnh, TP. Mỹ Tho) phấn đấu đạt chuẩn Quốc gia trong năm nay.
Trường THCS Phú Thạnh (xã Phước Thạnh, TP. Mỹ Tho) phấn đấu đạt chuẩn Quốc gia trong năm nay.

NHỮNG VƯỚNG MẮC

Huyện Tân Phước hiện có 30 trường ở các bậc học từ mầm non đến THCS, trong đó có 9 trường mầm non, 16 trường tiểu học và 5 trường THCS. Tuy nhiên, hiện nay toàn huyện chỉ có 3 trường tiểu học đạt chuẩn Quốc gia, còn ở bậc học mầm non và THCS thì chưa có trường nào đạt chuẩn.

Ông Đặng Văn Tòng, Trưởng phòng Giáo dục huyện Tân Phước tâm tư: Đối với huyện, việc xây dựng trường chuẩn Quốc gia còn gặp nhiều khó khăn do trước đây chủ yếu lo đầu tư xây dựng để giải quyết tình trạng thiếu phòng học. Cho nên hiện nay, hầu hết các trường chưa có phòng chức năng. Chính vì vậy, một số trường phải tận dụng phòng học để làm phòng chức năng, từ đó dẫn đến tình trạng thiếu phòng học.

Bên cạnh đó, việc duy trì sĩ số ở bậc THCS cũng đang là vấn đề nan giải, chỉ đạt khoảng 98%. Ngoài ra, một số trường ở các xã vùng sâu như Thạnh Hòa, Thạnh Tân… có số lượng học sinh/lớp thấp, không đạt theo tiêu chí của trường chuẩn Quốc gia. Ông Huỳnh Văn Tâm, Hiệu trưởng trường Tiểu học Thạnh Hòa cho biết: Trường đã được đầu tư xây dựng khang trang, nhưng khó có thể đạt trường chuẩn Quốc gia, vì đặc thù sĩ số học sinh chỉ có từ 12 - 18 em/lớp.

Đối với TP. Mỹ Tho, cái khó trong vấn đề xây dựng trường chuẩn Quốc gia chính là diện tích đất của một số trường không đạt theo quy định, nhất là đối với các trường trong nội thành. Bên cạnh đó, một số trường vừa mới được đầu tư xây dựng như: THCS Phú Thạnh, Tiểu học và Mầm non Phước Thạnh… tuy có các phòng chức năng nhưng thiếu trang thiết bị phục vụ cho công tác giảng dạy.

Ngoài ra, trong những năm qua, tỷ lệ học sinh lưu ban và tỷ lệ duy trì sĩ số của một số trường cũng không đạt theo quy định của trường chuẩn Quốc gia. Đó là nguyên nhân mà đến nay TP. Mỹ Tho chỉ có 11/60  trường đạt chuẩn Quốc gia, trong đó có 9 trường tiểu học, 1 trường mầm non và 1 trường THCS.

Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Trần Văn Trí cho biết: Khó khăn lớn nhất hiện nay trong việc xây dựng trường chuẩn Quốc gia là thiếu kinh phí, nên một số trường dù mới được đầu tư xây dựng theo chuẩn Quốc gia, nhưng vẫn còn thiếu các công trình phụ hoặc thiếu trang thiết bị bên trong các phòng chức năng. Muốn đầu tư một trường ở bậc THCS và THPT đạt chuẩn quốc gia thì phải cần khoảng 10 tỷ đồng để xây dựng đồng bộ hệ thống phòng học, phòng chức năng, sân chơi, bãi tập và các công trình phụ.

Trong khi đó, hiện nay tỉnh ta còn nhiều phòng học đang xuống cấp nặng, cần phải ưu tiên xây dựng mới để đảm bảo an toàn cho học sinh. Mặt khác, quy định trường chuẩn Quốc gia có tỷ lệ học sinh bỏ học phải dưới 1%, trong khi đó tỷ lệ học sinh bỏ học ở bậc học THCS của tỉnh ta từ 5 - 6%, ở bậc học THPT từ 8 - 9%; tỷ lệ học sinh yếu kém phải dưới 5%, trong khi đó tỷ lệ học sinh yếu kém ở bậc học THCS và THPT của tỉnh khoảng 20%.

Ngoài ra, ở bậc học mầm non, hệ thống trường lớp phân bổ không đồng đều nên phụ huynh thường tập trung cho con em học ở những trường được đầu tư khang trang, từ đó dẫn đến sĩ số học sinh/lớp vượt quy định của trường chuẩn Quốc gia.

TÌM GIẢI PHÁP THÁO GỠ

Tiền Giang bắt đầu thực hiện chủ trương xây dựng trường chuẩn Quốc gia vào năm 1996. Đến nay, toàn tỉnh đã có 91/466 trường ở các bậc học đạt chuẩn, chiếm tỷ lệ 19,53%. Tuy nhiên, tỷ lệ trường đạt chuẩn ở các bậc học không đồng đều.

Ở bậc tiểu học được xây dựng chuẩn Quốc gia trước nên tỷ lệ trường đạt chuẩn Quốc gia khá cao, với 77/228 trường, chiếm tỷ lệ 33,77%. Trong khi đó, tỷ lệ trường đạt chuẩn Quốc gia ở các bậc học còn lại đạt rất thấp, cụ thể ở bậc học mầm non chỉ có 5/78 trường đạt chuẩn, ở bậc THCS chỉ có 7/125 trường và ở bậc THPT chỉ có 2/35 trường.

Trong khi đó, Nghị quyết số 02/2011/NQ-HĐND của HĐND tỉnh về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011 - 2015 đưa ra mục tiêu trường đạt chuẩn Quốc gia ở các bậc học đến năm 2015 như sau: Mầm non phải đạt 40%; tiểu học, THCS và THPT phải đạt 50%.

Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Trần Văn Trí bức xúc: Ở bậc tiểu học thì có thể thực hiện đạt chỉ tiêu, nhưng ở các bậc học khác thì khó có thể đạt được. Tuy nhiên, ngành Giáo dục sẽ nỗ lực, tập trung mọi nguồn lực để thực hiện việc xây dựng trường chuẩn Quốc gia. Ngoài nguồn kinh phí kiên cố hóa trường lớp của Chính phủ và kinh phí của tỉnh, ngành Giáo dục sẽ cố gắng vận động nguồn xã hội hóa để đầu tư xây dựng cơ sở vật chất trường lớp.

Đối với với các huyện (thành, thị), hàng năm phải có kế hoạch xây dựng khoảng 2 trường đạt chuẩn để tập trung nguồn lực cho các trường nằm trong kế hoạch xây dựng chuẩn Quốc gia. Các trường nằm trong kế hoạch xây dựng chuẩn Quốc gia phải xác định đơn vị mình còn mặt nào khó khăn, chưa đạt theo quy định để tập trung tháo gỡ.

Để ngăn chặn tình trạng học sinh bỏ học và lưu ban ở bậc học THCS và THPT, ông Trần Văn Trí đưa ra giải pháp: Ngành Giáo dục sẽ nỗ lực nâng cao chất lượng dạy và học bằng cách tập trung cho công tác xây dựng đội ngũ giáo viên vững tay nghề, đủ năng lực, trình độ chuyên môn và xây dựng “Trường học thân thiện, học sinh tích cực” để hạn chế học sinh bỏ học…

Ông Nguyễn Hữu Lộc, Hiệu trưởng trường THCS Phú Thạnh (xã Phước Thạnh, TP. Mỹ Tho) cho biết: Đối với học sinh có học lực yếu, nhà trường có kế hoạch dạy phụ đạo để giúp các em lấy lại căn bản. Còn đối với học sinh bỏ học, nhà trường kết hợp với Hội Cha mẹ học sinh, chính quyền và các đoàn thể xã vận động các em trở lại lớp. Nếu bỏ học vì hoàn cảnh khó khăn, sẽ vận động các nhà hảo tâm hỗ trợ tập vở, học bổng, cất tặng nhà đại đoàn kết… để giúp các em yên tâm trở lại lớp.

Việc xây dựng trường chuẩn Quốc gia tuy còn nhiều khó khăn, nhưng với những giải pháp đồng bộ và sự đồng tâm, hiệp lực của toàn ngành Giáo dục và toàn xã hội, chắc chắn rằng số lượng và chất lượng trường đạt chuẩn Quốc gia sẽ tăng nhanh trong thời gian tới.

NGUYÊN CHƯƠNG

.
.
.