Thứ Tư, 25/04/2012, 15:32 (GMT+7)
.

Được bổ nhiệm mà không vui

Các nhà giáo vừa hồng, vừa chuyên khi làm cán bộ quản lý, đồng nghĩa với áp lực công việc nhiều hơn so với đứng lớp giảng dạy, nhưng lại phải mất các khoản phụ cấp của ngành. Đó là bất cập làm cho họ không vui khi được bổ nhiệm.

Giáo viên có năng lực song không vui làm công tác quản lý vì chịu nhiều thiệt thòi  do bị cắt các khoản phụ cấp của ngành (ảnh chỉ mang tính minh họa).
Giáo viên có năng lực song không vui khi làm công tác quản lý vì chịu nhiều thiệt thòi do bị cắt các khoản phụ cấp của ngành (ảnh chỉ mang tính minh họa).

Nhiều năm liền là giáo viên dạy giỏi các cấp, cô Phan Thanh Xuân được đề bạt giữ chức vụ Phó Hiệu trưởng, rồi Hiệu trưởng trường THCS Phú Mỹ (Phú Mỹ, Tân Phước), sau đó được điều về Phòng GD-ĐT
huyện Tân Phước, giữ chức Phó Trưởng phòng.

Khi còn giữ chức vụ Hiệu trưởng, cô Xuân được hưởng chế độ phụ cấp chức vụ với hệ số là 0,35 (35% mức lương cơ bản) và vẫn được bố trí đứng lớp 4 tiết/tuần (quy định chỉ 2 tiết/tuần). Do đó cô vẫn được hưởng phụ cấp ưu đãi của ngành là 30% lương/tháng.

Từ khi về nhận công tác ở Phòng GD-ĐT huyện Tân Phước, cô Xuân chỉ được hưởng chế độ phụ cấp chức vụ với hệ số là 0,2 (20% mức lương cơ bản), không còn hưởng phụ cấp ưu đãi của ngành và không được hưởng phụ cấp thâm niên theo Nghị định 54/2011/NĐ-CP của Chính phủ.

Cô Xuân tâm tư: Hồi làm giáo viên đứng lớp, cô còn có thời gian kinh doanh sạp vải ở chợ Phú Mỹ. Bây giờ làm cán bộ quản lý ở Phòng GD-ĐT, cô phải bỏ việc buôn bán vì áp lực công việc, giao tiếp xã hội nhiều hơn, nhưng thu nhập lại giảm hơn 1 triệu đồng/tháng do bị cắt các khoản phụ cấp. Ngoài ra, hồi còn công tác ở trường, do nhà gần trường nên cô chỉ đi bộ, còn bây giờ đi - về mỗi ngày tốn thêm 1 lít xăng, tính ra mỗi tháng phải mất thêm khoảng 500 ngàn đồng tiền xăng.

Các chế độ phụ cấp tăng theo lương, vì vậy giáo viên có thâm niên càng lâu năm, khi được bố trí làm công tác quản lý thì khoản thu nhập mất đi hàng tháng càng cao. Thực tế, có giáo viên khi điều về Sở GD-ĐT công tác thì mất các khoản phụ cấp khoảng 2 triệu đồng/tháng.

Một thực tế khác, hệ số phụ cấp chức vụ lãnh đạo, quản lý giữa đơn vị hành chính và đơn vị sự nghiệp còn chênh lệch cao. Cụ thể, Hiệu trưởng trường THPT hạng 1 được hưởng phụ cấp chức vụ là 0,7, Phó Hiệu trưởng là 0,55. Khi điều động về làm Trưởng hoặc Phó Trưởng phòng, ban của Sở GD-ĐT thì phụ cấp chức vụ Trưởng phòng là 0,5, Phó Trưởng phòng là 0,3; Trưởng phòng GD-ĐT là 0,5, Phó Trưởng phòng GD-ĐT là 0,35.

Mặt khác, một số giáo viên biên chế sự nghiệp công tác tại các Phòng GD-ĐT không được hưởng phụ cấp ưu đãi, phụ cấp thâm niên và phụ cấp công vụ. Chính vì vậy, các Phòng GD-ĐT gặp rất nhiều khó khăn trong việc điều động giáo viên có năng lực về Phòng công tác.

Đối với giảng viên trường Đại học Tiền Giang được nhận phụ cấp ưu đãi từ 35% - 45% lương/tháng (tùy khoa).

Tuy nhiên, đối với giảng viên được bố trí làm công tác quản lý trưởng, phó phòng, ban, trung tâm của trường, không tham gia giảng dạy thì không được hưởng các chế độ phụ cấp của ngành. Trong khi đó, những giảng viên được bố trí làm công tác quản lý lại là những người có năng lực vượt trội hơn.

Chính vì vậy, trường đã linh động lấy khoản tiết kiệm của trường để chi phụ cấp 25% lương/tháng cho các giảng viên làm công tác quản lý để giảm khoảng cách chênh lệch trong thu nhập của giảng viên.

Ông Đặng Văn Tòng, Trưởng phòng GD-ĐT huyện Tân Phước tâm tư: Trưởng phòng GD-ĐT được hưởng phụ cấp chức vụ, bằng với tổ trưởng chuyên môn ở trường THCS; phụ cấp chức vụ Phó Trưởng phòng GD-ĐT chỉ bằng với phụ cấp của tổ phó chuyên môn ở trường THCS. Như vậy là quá bất cập!  

Chính vì những bất cập này mà huyện Tân Phước gặp rất nhiều khó khăn trong việc điều động, bổ nhiệm giáo viên làm công tác quản lý. Từ tháng 1-2011 đến nay, Phòng GD-ĐT huyện thiếu 1 Phó Trưởng phòng, huyện chọn được 2 giáo viên có năng lực để giới thiệu, nhưng cả 2 đều từ chối nhận nhiệm vụ mới.

Lãnh đạo huyện nhiều lần đến vận động họ nhận nhiệm vụ mới, nhưng đều bất thành, vì họ đưa ra lý do: Nếu hy sinh về tinh thần, công việc vất vả hơn thì còn chấp nhận được. Đằng này, cuộc sống của giáo viên vốn đã khó khăn, về Phòng GD&ĐT bị mất các khoản phụ cấp ưu đãi, phụ cấp thâm niên thì khó mà đảm bảo cho cuộc sống gia đình.

Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Nguyễn Hồng Oanh cho biết: Hiện nay, ở các Phòng GD-ĐT có 2 loại biên chế: Hành chính và sự nghiệp. Biên chế hành chính ở các phòng GD-ĐT cao nhất là 12, thấp nhất là 4; biên chế sự nghiệp cao nhất là 6, thấp nhất là 4.

Thông thường biên chế sự nghiệp, các Phòng GD-ĐT phải trưng dụng giáo viên ở các trường để làm nhiệm vụ chỉ đạo công tác chuyên môn, vì khó điều động giáo viên về phòng. Còn đối với Sở GD-ĐT, biên chế hành chính được giao là 60 người. Tuy nhiên, do gặp khó khăn trong việc điều động giáo viên về Sở làm công tác quản lý, nên biên chế hiện nay của Sở còn thiếu 8 người. Để khắc phục khó khăn, Sở GD-ĐT phải trưng dụng giáo viên của trường THPT Chuyên Tiền Giang làm nhiệm chuyên môn của ngành.

Những bất cập về chế độ phụ cấp cho nhà giáo làm công tác quản lý ngoài khả năng giải quyết của ngành, hay địa phương. Chính vì vậy, Sở GD-ĐT đã có văn bản đề nghị Bộ GD-ĐT kiến nghị  Chính phủ nghiên cứu điều chỉnh hệ số phụ cấp chức vụ đối với cán bộ quản lý cho phù hợp giữa đơn vị hành chính và đơn vị sự nghiệp; đồng thời giải quyết chế độ phụ cấp ưu đãi, phụ cấp thâm niên cho các nhà giáo khi được điều động về công tác tại Sở và Phòng GD-ĐT.

Bởi vì các đối tượng này là cán bộ, giáo viên có năng lực lãnh đạo, quản lý, vững vàng về chuyên môn, tác phong, đạo đức tốt, nhưng không được hưởng các chế độ phụ cấp thì rất thiệt thòi. 

NGUYÊN CHƯƠNG

.
.
.