Trường Tiểu học Hồ Văn Nhánh đạt chuẩn Quốc gia
Trường Tiểu học Hồ Văn Nhánh ra đời năm 1989, chủ yếu thu nhận học sinh của các khu phố 1, 2, 3 tại phường 2 (TP. Mỹ Tho).
Buổi đầu thành lập, trường chỉ có vài dãy nhà cấp 4 trên một khu đất thấp. Với nỗ lực của đội ngũ cán bộ, giáo viên, chất lượng dạy và học của trường ngày một nâng lên, số học sinh đến trường ngày một đông. Năm 2001, trường đạt chuẩn Quốc gia về phong trào chống mù chữ - phổ cập giáo dục tiểu học.
Trước yêu cầu phát triển, năm học 2006 - 2007, trường được đầu tư xây mới 1 dãy 8 phòng học, 1 trệt 1 lầu. Năm học 2008 - 2009, trường tiếp tục được đầu tư xây dựng 1 dãy phòng tương tự. Hiện tại, trường có 14 phòng học, 346 bộ bàn ghế đạt chuẩn, 8 phòng chức năng cùng trang thiết bị đồ dùng dạy học hiện đại. Mỗi lớp học còn được trang bị hệ thống quạt, hệ thống chiếu sáng…
Khuôn viên trường rộng gần 4.000m2, được bố trí hợp lý gồm các dãy phòng học, nhà vệ sinh, sân chơi, bãi tập. Sân trường thoáng mát, rộng rãi được tráng xi-măng khang trang với những hàng cây xanh đẹp mắt. Trường còn có thư viện với hơn 5.600 bản sách các loại.
Hiện trường mở 14 lớp, đều học 2 buổi/ngày, với 441 em học sinh ở 5 khối lớp, chất lượng giáo dục được nâng lên theo từng năm. Cụ thể, năm học 2008 - 2009 có 30,3% học sinh giỏi, năm 2009 - 2010 có 44,7% học sinh giỏi và năm học 2010 - 2011 có 48,65% học sinh giỏi.
Một góc trường Tiểu học Hồ Văn Nhánh. |
Trường hiện có 25 giáo viên đạt chuẩn chuyên môn (trong đó có 19 giáo viên trên chuẩn) và có đủ giáo viên dạy các môn năng khiếu: Tiếng Anh, Mỹ thuật, Âm nhạc và Thể dục. Các tổ chuyên môn được sinh hoạt 2 lần/tháng để thống nhất kế hoạch giảng dạy, chia sẻ kinh nghiệm. 100% giáo viên soạn và giảng dạy bằng giáo án điện tử.
Để phát huy sự năng động của các em, trường thành lập Liên đội TNTP Hồ Chí Minh (8 chi đội với 246 đội viên và 125 sao nhi đồng) góp phần rèn luyện đạo đức, nhân cách, lối sống lành mạnh cho học sinh.
Ngoài ra, trường còn tổ chức nhiều hoạt động lồng ghép như: chăm sóc răng miệng, tìm hiểu về an toàn giao thông, quyền và bổn phận trẻ em... với nhiều hình thức như sinh hoạt chủ đề, chủ điểm, tham quan, du khảo về nguồn... và tham gia đầy đủ các cuộc thi: Viết đúng - viết đẹp, tiếng hát học sinh tiểu học, tin học trẻ không chuyên, vẽ tranh, hát sử ca... do Phòng và Sở GD-ĐT tổ chức.
Cô Nguyễn Thị Ba, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Phần đông học sinh của trường thuộc diện hộ nghèo, phụ huynh khoán trắng việc học của con em mình cho nhà trường. Tuy nhiên, tập thể cán bộ, giáo viên nhà trường đã luôn cố gắng để không phụ lòng tin của lãnh đạo ngành và phụ huynh học sinh.
MINH CHÂU