Đào tạo nghề: Nhiều mảng màu đa dạng!
Các năm gần đây, mạng lưới cơ sở đào tạo nghề phát triển nhanh về số lượng, trải rộng đều khắp trong tỉnh và được đầu tư với quy mô khá lớn - nhất là các trường trung cấp nghề và trung cấp chuyên nghiệp.
Tuy nhiên, có một thực tế là ngành học thường trùng nhau, thiếu giáo viên giỏi, tỷ lệ đầu vào cao nhưng hiệu suất đầu ra thấp, chương trình học chưa thật sát với nhu cầu doanh nghiệp… đó là những vấn đề đặt ra cho lĩnh vực này…
Cơ sở dạy nghề “đều trời”!
Toàn tỉnh hiện có 32 cơ sở dạy nghề, trong đó có 7 cơ sở đào tạo cao đẳng, trung cấp, đặc biệt mỗi huyện, thành, thị đều có ít nhất một trường hoặc trung tâm nghề (riêng TP. Mỹ Tho có tới 11 cơ sở dạy nghề); tổng quy mô đào tạo toàn mạng lưới dạy nghề của tỉnh trên 11.600 học viên/năm, trong đó 40% là đào tạo trình độ trung cấp, cao đẳng, còn lại là sơ cấp.
Đảm nhiệm cho 32 cơ sở dạy nghề là 343 giáo viên cơ hữu, trong đó phần lớn đều đạt chuẩn và là giáo viên của các trường Trung ương trên địa bàn như: trường Cao đẳng Nam bộ, trường Trung cấp Viễn thông & Công nghệ thông tin và giáo viên thuộc biên chế do ngành LĐ-TB&XH quản lý (không tính số “giáo viên” thuộc các cơ sở dạy nghề “xã hội hóa”).
Theo báo cáo giám sát mới đây của Ban Văn hóa - Xã hội trình tại Kỳ họp lần thứ 4, HĐND tỉnh thì qua khảo sát tại 14 đơn vị (gồm 2 sở, 5 trường, 2 trung tâm dạy nghề, UBND 5 huyện, thị) và khảo sát thực tế tại 3 xã, cho thấy từ năm 2009-2011, mỗi năm hệ thống dạy nghề cho ra “lò” từ 13.000-15.000 lao động; trong đó 10%-12% là trình độ từ trung cấp trở lên, 80% học viên tìm được việc làm.
Nhiều chủ doanh nghiệp “khen” công nhân nắm bắt và tiếp cận khá nhanh công việc (cũng cần nói thêm, dạng này là đối với doanh nghiệp có liên kết với cơ sở đào tạo, học viên được thực tập ngay tại doanh nghiệp, qua đó chủ doanh nghiệp sẽ “xem giò, xem cẳng” trước khi nhận vào làm).
Đoàn giám sát của HĐND tỉnh cũng đánh giá phần lớn các trường được thành lập và hoạt động trước năm 2009 đã ổn định hơn so với các trường, trung tâm thành lập sau năm 2009, điều này có vẻ nghịch lý bởi lẽ ra đầu tư “sau” (cái mới) thì phải “ngon” hơn đầu tư trước (cái cũ) - ví dụ như trang thiết bị hiện đại hơn… nhưng thực tế cho thấy nhận định này là có cơ sở bởi hoạt động dạy nghề tốt hay chưa tốt còn phụ thuộc một số nguyên nhân khác như: đội ngũ giảng viên, “thương hiệu” trường, rồi thì “chất lượng đầu vào” (học viên)…
Học sinh trường Cao đẳng nghề Tiền Giang trong giờ thực hành. Ảnh: Nguyễn Hữu |
Dạy nghề nông thôn đã “gãi đúng chỗ ngứa”
Trong lĩnh vực đào tạo nghề, một điểm sáng cần ghi nhận đó là lợi ích mang lại trong triển khai Đề án “1956” của Chính phủ cho các đối tượng lao động nông thôn thuộc diện chính sách, người có công, hộ nghèo, cận nghèo, bộ đội xuất ngũ, người tàn tật, người bị thu hồi đất với 25/32 cơ sở trong toàn tỉnh tham gia đề án này; đặc biệt cư dân nông thôn rất hào hứng tham gia đề án, số học viên đăng ký học năm 2010 gấp 1,6 lần năm 2008.
Ông Nguyễn Minh Vỹ, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH cho biết, trong 2 năm 2010-2011, toàn tỉnh đã hỗ trợ dạy nghề cho 21.600 lao động nông thôn (trong đó có 7.550 lao động nghèo và 176 người tàn tật), trong số này 2/3 là học nghề lĩnh vực nông nghiệp, số còn lại học nghề phi nông nghiệp. Ngoài ra, còn có nhiều doanh nghiệp tự dạy nghề để sử dụng, ước tính hơn 4.000 lao động/năm.
Qua báo cáo của các địa phương, sau khi học nghề lĩnh vực nông nghiệp, có từ 75-80% lao động áp dụng được vào sản xuất, trong đó có mô hình trồng thanh long ở xã Đồng Sơn, trồng ớt ở xã Vĩnh Hựu (Gò Công Tây) đã cho nông dân thu nhập tăng gấp 10 lần so với cách làm cũ.
Đối với ngành nghề phi nông nghiệp, cũng giúp cho người lao động chuyển đổi nghề khá tốt, cụ thể như các mô hình may công nghiệp ở xã Mỹ Thành Bắc và đan lát ở xã Mỹ Hạnh Trung (Cai Lậy). Tính chung lĩnh vực học nghề nông nghiệp và phi nông nghiệp thì sau khi “tốt nghiệp”, có 70% lao động có việc làm (10% là việc làm mới, 60% là tự tạo việc làm).
Đánh giá này cũng khá phù hợp với khảo sát gần đây của Sở LĐ-TB&XH trên 1.900 lao động đã được hỗ trợ học nghề (mỗi xã khảo sát 15 lao động), thậm chí khảo sát thực tế cho thấy tình hình còn “sáng” hơn, cụ thể: 8% lao động có việc làm mới, 31% đã thay đổi việc làm theo nghề mới học, 74% ứng dụng kiến thức đã học vào sản xuất và 73% đã tăng thêm thu nhập 240.000 đồng/tháng/hộ.
Rõ ràng việc dạy nghề nông thôn đã “gãi đúng chỗ ngứa” của cư dân nông thôn vốn đang loay hoay tìm hướng làm ăn mới để thoát ra cảnh “đất chật người đông”.
Còn lắm khó khăn!
Trước hết là do một số địa phương còn tồn tại song song cơ sở dạy nghề trực thuộc 2 ngành Lao động và ngành Giáo dục khiến ngành nghề đào tạo thường trùng lắp nhau, đối tượng học bị phân tán, khó cho việc “phân chia thị phần” tuyển sinh, thậm chí gây lãng phí cơ sở vật chất.
Cụ thể các năm qua, ngoại trừ 2 “trường tỉnh” là Cao đẳng nghề và Trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật hàng năm tuyển sinh đạt trên 85% chỉ tiêu, còn lại các trường huyện may mắn lắm chỉ “lấp đầy” phân nửa chỉ tiêu tuyển sinh, thậm chí đã từng có một số ngành tưởng chừng như “thời thượng” nhưng có năm không có ai chịu vào học như: Cơ khí, hàn, công nghệ may và thời trang hoặc chỉ tuyển được rất ít học viên.
Bên cạnh đó, một số trường, trung tâm dạy nghề cấp huyện hoặc của đoàn thể do mới thành lập nên cơ sở vật chất chưa đầy đủ, nghề đào tạo chủ yếu là dạy kỹ thuật nông nghiệp, chưa đáp ứng nhu cầu đa dạng của thị trường lao động trong và ngoài tỉnh.
Một khó khăn khác là nhiều cơ sở, nhất là các trung tâm dạy nghề huyện còn rất thiếu giáo viên cơ hữu, nhất là giáo viên dạy nghề phi nông nghiệp nhưng thu vào rất khó khăn - bởi như tâm tư của một lãnh đạo trường nghề huyện “do chế độ, chính sách ưu đãi gần như không có, nên giáo viên giỏi chẳng có anh nào chịu về trường công tác!”.
Điều này dẫn đến hệ quả một số lớp đào tạo nghề thuộc lĩnh vực nông nghiệp do phụ thuộc vào việc bố trí “giáo viên thỉnh giảng” nên có khi cũng chưa sát với nhu cầu về thực tế sản xuất của học viên; mặt khác do thiếu giáo viên nên không thể “mở mã ngành” phi nông nghiệp, đồng nghĩa với không tuyển sinh được (!).
Ngoài các yếu tố trên, một số khó khăn khách quan cũng làm cho công tác đào tạo nghề cứ “xìu xìu, ển ển”, như nhiều doanh nghiệp đến tỉnh trương bảng chỉ tuyển lao động phổ thông, chẳng thấy mấy băng-rôn ghi tuyển lao động “trình độ trung cấp, cao đẳng” hoặc có tuyển thì cũng chỉ số lượng có hạn (không cần tay nghề chuyên môn thì ai học làm gì cho… phí!).
Trong khi đó, nhiều lao động nông thôn học được nghề tốt, có khả năng tiếp nhận kiến thức mới nhưng lại “bó tay”, không thể áp dụng được chỉ với một nguyên nhân duy nhất là thiếu vốn - ví dụ như áp dụng chăn nuôi theo mô hình trang trại, trồng và chăm sóc cây kiểng, may công nghiệp…
Còn đối với các em học sinh mới lớn, phần lớn tâm lý mấy vị phụ huynh bây giờ cũng không mặn cho con em vào trường nghề vì “sợ nó cực (!)” hoặc nếu có ép lòng do các em không vào được đại học, cao đẳng thì cũng phải ráng kiếm trường đại học, cao đẳng “có uy tín ở Sài Gòn” để cho con em học nghề, sau này hy vọng được học liên thông lên hệ “trên”, chứ học ở trường nghề tỉnh thì cứ mãi phải làm anh “trung cấp nghề” - vì biết học liên thông ở đâu trong khi các trường đại học, cao đẳng ở TP. Hồ Chí Minh tới giờ này vẫn chưa tiếp nhận đào tạo liên thông với trường tỉnh (?!).
Đây là một trong những nguyên nhân khiến hàng năm chỉ có khoảng 8% học sinh phân luồng sau THCS vào học các trường nghề với tâm thế “chẳng đặng đừng”, hiệu suất đào tạo của một số trường nghề của tỉnh đạt khá thấp, ví dụ như trường Trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật tỉnh nhiều năm liền đầu ra chỉ đạt 28-30% (tất nhiên còn do yếu tố học lực các em yếu, tiếp thu hạn chế, kỷ luật kém...).
Để khắc phục căn cơ các vướng mắc trên, theo ông Nguyễn Mạnh Cường, Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh, thì việc cần làm trước hết là quy hoạch lại mạng lưới các trường trung cấp nghề và trung cấp chuyên nghiệp theo hướng đầu tư có trọng tâm, trọng điểm về cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại, đủ giảng viên đạt chuẩn và đào tạo tập trung; tiếp đến là rà soát, phân bổ lại chỉ tiêu tuyển sinh hợp lý, phù hợp thế mạnh của từng đơn vị, tránh dàn trải, trùng lắp ngành nghề.
Đồng thời làm tốt khâu tuyên truyền, vận động phân luồng sau THCS; tăng mức chi ngân sách cho các trường mua nguyên liệu, dụng cụ dạy thực hành, thực hiện giờ chuẩn cho giáo viên theo quy định, có chế độ ưu đãi thu hút giảng viên giỏi về các trường nghề; có cơ chế kiểm tra, đánh giá, quản lý chặt chẽ để đảm bảo chất lượng các lớp dạy nghề - chú ý kiểm tra việc dạy nghề cho lao động nông thôn và dạy nghề cho lao động yếu thế, lao động hộ nghèo và cận nghèo.
Đối với các địa phương cần tổ chức điều tra, khảo sát thật kỹ nhu cầu học nghề của cư dân nông thôn để mở lớp đào tạo nghề phù hợp thế mạnh địa phương, đảm bảo hiệu quả, tránh lãng phí; triển khai quy hoạch phát triển nguồn nhân lực của tỉnh gắn với Chiến lược phát triển dạy nghề thời kỳ 2011-2020 của Chính phủ với lộ trình, chỉ tiêu cụ thể cho từng năm…
PHÙNG QUỐC ANH