Thứ Tư, 05/09/2012, 13:29 (GMT+7)
.

Lời Bác dạy soi sáng sự nghiệp “trồng người”

Ngày 3-9-1945, một ngày sau khi đọc bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ, Bác đã nêu nhiều nhiệm vụ cấp bách cần giải quyết, trong đó có nhiệm vụ mở chiến dịch chống nạn mù chữ, chống giặc dốt.

Bác cho rằng: Nạn dốt là một trong những phương pháp độc ác mà bọn thực dân dùng để cai trị chúng ta. Dốt nát cũng là kẻ địch và một dân tộc dốt là một dân tộc yếu.

Sau này, khi đứng trên cương vị là lãnh tụ của Đảng, của cách mạng, Bác luôn dành cho sự nghiệp giáo dục sự quan tâm đặc biệt và sâu sắc. Bác cho rằng, giáo dục và đào tạo có nhiệm vụ vô cùng trọng đại, đó là trực tiếp bồi dưỡng thế hệ kế tục sự nghiệp cách mạng cho đời sau.

Theo Bác, giáo dục phải chú trọng cả “đức” lẫn “tài”. Người đặt chữ “đức” lên trước, coi đó là cái gốc của con người, của cách mạng, của công việc. Chữ “tài”, Bác gọi là “chuyên” trong cụm từ “vừa hồng vừa chuyên”. Tài và đức thống nhất biện chứng trong con người và được hình thành trong quá trình thực hiện nội dung giáo dục toàn diện: đức, trí, thể, mỹ và lao động.

Thăm lớp học chính trị của giáo viên cấp II, cấp III toàn miền Bắc, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn:
Thăm lớp học chính trị của giáo viên cấp II, cấp III toàn miền Bắc, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: "Vì lợi ích mười năm trồng cây, vì lợi ích trăm năm trồng người" (ngày 13-9-1958).

Bác nhận xét: Nghề giáo rất quan trọng và vẻ vang. Thầy giáo giữ vai trò quyết định trong nghề giáo, vì vậy phải xây dựng đội ngũ những người thầy giáo tốt. Bác dạy: Thầy giáo phải thật thà yêu nghề của mình, phải có đạo đức cách mạng, phải có chí khí cao thượng, phải sống sao cho xứng đáng với phẩm giá cao quý của một người thầy giáo; phải chú tâm công tác dù có khó khăn; phải thật thà, đoàn kết, thương yêu học sinh như con em ruột thịt của mình; đồng thời phải ra sức thi đua trong công tác và học tập để cùng nhau tiến bộ.

Bác chỉ rõ mối quan hệ giữa gia đình, nhà trường và xã hội trong việc giáo dục thế hệ trẻ. Bởi vì, sự nghiệp giáo dục là sự nghiệp của toàn Đảng, toàn dân, của mỗi gia đình, của các lực lượng xã hội. Chỉ có sự kết hợp chặt chẽ giữa các yếu tố này mới tạo thành sức mạnh tổng hợp cho sự nghiệp “trồng người” thắng lợi.

Bác nêu phương châm giáo dục hết sức khoa học: Giáo dục phải phục vụ đường lối của Đảng và Chính phủ, gắn liền với sản xuất và đời sống của nhân dân. Học phải đi đôi với hành, lý luận phải liên hệ với thực tế. Phương châm đúng đắn này đòi hỏi phương pháp dạy và học phải mang tính chủ động, sáng tạo, tránh việc truyền thụ một chiều và học theo kiểu học tủ, học vẹt, lý luận suông.

Trước lúc ra đi, Bác Hồ kính yêu đã để lại cho toàn Đảng, toàn quân và toàn thể nhân dân ta bản Di chúc thiêng liêng với những lời dạy, lời nhắn nhủ vô cùng quý giá. Bác dặn: Đầu tiên là công việc đối với con người “... Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết”.

Theo Người, thế hệ kế tục sự nghiệp cách mạng của các bậc cha, anh đi trước sẽ là thế hệ trẻ hôm nay và tương lai sẽ là thế hệ quyết định sự thành công của cách mạng xã hội chủ nghĩa trên đất nước ta.
Vì lợi ích mười năm trồng cây/ Vì lợi ích trăm năm trồng người”, trong sự nghiệp “trồng người”, giáo dục giữ một vai trò trọng yếu.

Bác cũng đã coi giáo dục là khâu cơ bản để hình thành nhân cách con người: “Hiền dữ phải đâu là tính sẵn/  Phần nhiều do giáo dục mà nên”. Theo Bác: Xây dựng kinh tế, không có cán bộ không làm được. Không có giáo dục, không có cán bộ thì cũng không nói gì đến kinh tế, văn hóa.

Những lời dạy của Bác soi sáng sự nghiệp “trồng người” của Đảng, của nhân dân ta cho đến hôm nay và mai sau. Thành quả của sự nghiệp giáo dục trong công cuộc đổi mới là không thể phủ nhận. Nhà trường, gia đình và xã hội đã có sự gắn bó hơn, thế hệ trẻ thông minh hơn, năng động hơn, tài trí hơn.

Sự nghiệp giáo dục và khoa học được Đảng ta thật sự coi là quốc sách hàng đầu để đáp ứng với đòi hỏi của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và quá trình hội nhập kinh tế quốc tế. Đảng ta xác định: Giáo dục và đào tạo cùng với khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu, là nền tảng và động lực thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

NGUYỄN VĂN THANH

.
.
.