Thứ Bảy, 08/09/2012, 16:10 (GMT+7)
.

Phân luồng học sinh sau THCS: Khó tìm học viên học nghề

Trong những năm qua, mặc dù được sự quan tâm của các ngành, các cấp, nhưng luồng giáo dục nghề nghiệp sau THCS vẫn còn bộc lộ nhiều bất cập. Ngày khai giảng đã cận kề, nhưng các trường trung cấp chuyên nghiệp (TCCN) và trung cấp nghề (TCN) vẫn đang loay hoay với “bài toán” thiếu chỉ tiêu.

TƯ VẤN TUYỂN SINH TẬN NƠI

Trường TCCN trực thuộc Sở GD-ĐT và trường TCN trực thuộc Sở LĐ-TB&XH là 2 hệ thống trường thực hiện chủ trương phân luồng học sinh sau THCS và nâng cao tỷ lệ lao động qua đào tạo của địa phương.

Tuy nhiên, hiện nay hệ thống trường giáo dục nghề nghiệp đang gặp rất nhiều khó khăn, nhất là vấn đề tuyển đạt chỉ tiêu đầu vào. Chính vì vậy, các trường TCCN và TCN đã tăng cường công tác tư vấn tuyển sinh đến tận cơ sở để tìm học viên theo chỉ tiêu được giao. 

Học viên Trường Trung cấp Kỹ thuật - Nghiệp vụ Cái Bè thực hành thú y.
Học viên Trường Trung cấp Kỹ thuật - Nghiệp vụ Cái Bè thực hành thú y.

Hiệu trưởng Trường TCN khu vực Cai Lậy Châu Văn Vương cho biết: Hàng năm, đầu tháng 5 là nhà trường tổ chức bộ phận tư vấn tuyển sinh, đến từng trường THCS ở các huyện Cái Bè, Cai Lậy và Tân Phước (khu vực tuyển sinh của trường) để làm công tác tư vấn tuyển sinh, với các hình thức tư vấn trực tiếp, phát tờ rơi, gởi thông báo chiêu sinh…

Nhà trường còn phối hợp với các đài truyền thanh cấp huyện và cấp xã phát thông báo chiêu sinh, treo băng rôn ở các nơi công cộng trên địa bàn 3 huyện tuyển sinh. Bên cạnh đó, trường còn mời hiệu trưởng các trường THCS về họp tư vấn tuyển sinh; đồng thời giới thiệu về trường để họ giúp trường tư vấn tuyển sinh trong các buổi sinh hoạt đầu tuần.

Ngoài ra, để thu hút học viên, sau khi tốt nghiệp, học viên được nhà trường tổ chức giới thiệu việc làm. Chính vì vậy, khóa I của trường sau khi tốt nghiệp đã có hơn 90% học viên tìm được việc làm.

Học viên sau khi tốt nghiệp THCS vào học các chương trình TCCN hoặc TCN thời gian là 3 năm, với khối lượng kiến thức, kỹ năng đào tạo tối thiểu từ 160 đến 190 đơn vị học trình; trong đó tỷ lệ thời lượng dành cho thực hành, thực tập chiếm từ 50% đến 75%.

Tùy theo ngành, học viên sẽ được học từ 4 đến 6 môn văn hóa phù hợp như: Toán, Vật lý, Hóa học, Sinh vật, Văn - Tiếng Việt, Lịch sử và Địa lý. Học viên sau khi tốt nghiệp TCCN hoặc TCN được học liên thông lên các bậc học cao hơn.

Trường Trung cấp Kỹ thuật - Nghiệp vụ Cái Bè được thành lập năm 2009, đào tạo 5 ngành: Công nghệ thông tin, Điện công nghiệp dân dụng, Kế toán, Thú y và Nuôi trồng thủy sản.

Do hàng năm đều không tuyển đủ chỉ tiêu nên trường đã tăng cường công tác tư vấn tuyển sinh đến tận cơ sở. Gần cuối năm học, nhà trường thành lập bộ phận tư vấn tuyển sinh đi đến các trường THCS của huyện để triển khai kế hoạch công tác tuyển sinh, chiêu sinh của trường.

Riêng Trường Trung cấp Kỹ thuật - Công nghệ Cai Lậy thì thành lập hẳn Ban Tư vấn tuyển sinh, với những giáo viên có nhiều kinh nghiệm trong công tác tư vấn. Các thành viên trong Ban Tư vấn tuyển sinh của trường xuống tận các trường THCS tiếp cận trực tiếp với học sinh để tư vấn.     

KHÓ TÌM HỌC VIÊN

Dù các trường thực hiện nhiều giải pháp nhằm tìm kiếm học viên, nhưng vẫn chưa có kết quả khả quan. Cụ thể, mỗi năm Trường Trung cấp Kỹ thuật - Nghiệp vụ Cái Bè được ngành GD-ĐT giao tuyển 300 chỉ tiêu. Thế nhưng, từ năm học 2009 - 2010 đến nay, trường luôn tuyển không đủ chỉ tiêu.

Thầy Trần Hồng Liệp, Phó Hiệu trưởng Trường Trung cấp Kỹ thuật - Nghiệp vụ Cái Bè tâm tư: Năm học 2009 - 2010 trường chỉ tuyển được 120 học viên, năm học 2010 - 2011 tuyển được 230 học viên, năm học 2011 - 2012 tuyển được 181 học viên. Riêng năm học 2012 - 2013, đến gần cuối tháng 8 mà chỉ mới nhận được 116 hồ sơ đăng ký xét tuyển, trong đó chỉ có 1 hồ sơ đăng ký học ngành Nuôi trồng thủy sản (ngành này 2 năm liên tiếp chưa đào tạo được vì số lượng học viên đăng ký không đủ để mở lớp).

Còn Trường Trung cấp Kỹ thuật - Công nghệ Cai Lậy được ngành GD-ĐT giao chỉ tiêu hàng năm là 200, thế nhưng khóa đầu tiên của trường (năm 2010) chỉ tuyển được 26 chỉ tiêu, năm 2011 tuyển được 29 chỉ tiêu. Riêng năm học 2012 - 2013, đến gần cuối tháng 8 nhưng trường chỉ mới nhận được 26 hồ sơ đăng ký xét tuyển.

Trường Trung cấp Nghề khu vực Cai Lậy dù được đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại, nhưng nhiều năm qua vẫn không thu hút được học sinh. Ngoài năm đầu tiên (năm 2008) trường tuyển vượt chỉ tiêu (256/240), các năm còn lại đều không tuyển đủ.

Cụ thể, năm 2009 chỉ tuyển được 187/270 chỉ tiêu; năm 2010 tuyển 150/280 chỉ tiêu; năm 2011 chỉ tuyển được 108/310 chỉ tiêu. Còn năm học 2012 -2013, chỉ tiêu của trường là 340, nhưng đến gần cuối tháng 8 mới nhận được 115 hồ sơ đăng ký dự tuyển.

Hiện nay, toàn tỉnh có 4 trường TCCN và 2 trường TCN. Hàng năm, hầu hết các trường đều không tuyển đủ chỉ tiêu. Ông Nguyễn Minh Vỹ, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tâm tư: Hàng năm 2 trường TCN trực thuộc Sở LĐ-TB&XH quản lý tuyển sinh chỉ đạt khoảng 60% chỉ tiêu.

Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Phạm Văn Khanh cũng trăn trở: Hàng năm có khoảng 22 ngàn học sinh tốt nghiệp THCS, trong đó có 67 - 68% (chỉ tiêu là 70%) học sinh trúng tuyển vào các trường THPT. Hơn 30% còn lại sẽ phân luồng vào các trường TCCN, TCN và hệ Giáo dục thường xuyên. Tuy nhiên, trong những năm qua, các trường TCCN khó tuyển đủ chỉ tiêu. Cụ thể, năm học 2011 - 2012 các trường TCCN chỉ tuyển sinh đạt tỷ lệ 76,8% so với chỉ tiêu được giao.

CẦN THỰC HIỆN NHIỀU GIẢI PHÁP ĐỒNG BỘ

Hiệu trưởng Trường Trung cấp Kỹ thuật - Công nghệ Cai Lậy Nguyễn Văn Khởi lý giải về tình trạng các trường trong hệ thống đào tạo nghề tuyển sinh đìu hiu là do tâm lý khoa bảng còn nặng nề và do tâm lý lứa tuổi nên các em chưa định hướng nghề nghiệp rõ ràng trong khi công tác hướng nghiệp ở bậc THCS chưa tốt.

Một số em cho rằng học nghề đường tiến thân sẽ hẹp. Hệ thống trường TCCN mới thành lập nên cơ sở vật chất còn yếu kém, học phí lại cao. Mặt khác, công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, sự hiểu biết về phân luồng trong học sinh, phụ huynh chưa được chú trọng...

Từ những nguyên nhân trên, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Phạm Văn Khanh nêu các giải pháp: Cần tích cực điều tiết tỷ lệ phân luồng hợp lý, xác lập tỷ lệ tuyển chọn học sinh vào lớp 10 hệ THPT phù hợp. Cụ thể là, 70% học sinh sau THCS vào THPT, 20% vào giáo dục nghề nghiệp, 8% vào giáo dục thường xuyên và 2% tham gia lao động sản xuất (có thể hướng đến 0% tỷ lệ này, vì thực chất đây là lao động giản đơn không qua đào tạo).

Cần tập trung đầu tư cho hệ thống giáo dục nghề nghiệp về cơ sở vật chất, trang thiết bị, đội ngũ nhà giáo dạy nghề, cán bộ quản lý… để có sự cải thiện mạnh mẽ về năng lực đào tạo của các trường trong hệ thống giáo dục nghề.

Mặt khác, cần nâng cao nhận thức của xã hội về hướng nghiệp và phân luồng. Việc nâng cao nhận thức trước hết phải quán triệt sâu rộng trong ngành Giáo dục. Có biện pháp tổ chức và kiểm soát việc thực hiện hướng nghiệp trong nhà trường. Cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền về hướng nghiệp, phân luồng đến phụ huynh và học sinh nhằm thay đổi nhận thức về giáo dục nghề nghiệp.

Cần cấu trúc lại chức năng trường TCCN, cụ thể là: Các trường TCCN cần có thêm chức năng đào tạo học viên năng khiếu về kỹ thuật như một trường THPT Chuyên. Những học viên này sẽ được một số ưu tiên khi tuyển sinh vào các trường Đại học Kỹ thuật, Bách khoa, Sư phạm Kỹ thuật… sau khi tốt nghiệp TCCN. 

NGUYÊN CHƯƠNG
 

.
.
.