Thứ Bảy, 27/10/2012, 06:54 (GMT+7)
.

Chính sách đặc thù tuyển sinh ĐH, CĐ cho 32 địa phương

Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) vừa quyết định thực hiện một số chính sách đặc thù trong tuyển sinh đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ) hệ chính quy từ năm 2012 cho 32 tỉnh, thành phố thuộc khu vực Tây Bắc, Tây Nguyên và Tây Nam bộ.

32 tỉnh, thành phố được áp dụng chính sách đặc thù trong tuyển sinh gồm: 14 tỉnh ở khu vực Tây Bắc, 5 tỉnh ở khu vực Tây Nguyên, 13 tỉnh, thành ở khu vực Tây Nam bộ (An Giang, Bến Tre, Bạc Liêu, Cà Mau, TP. Cần Thơ, Đồng Tháp, Hậu Giang, Kiên Giang, Long An, Sóc Trăng, Tiền Giang, Trà Vinh, Vĩnh Long).

ĐH Tiền Giang
Tiền Giang được áp dụng chính sách đặc thù trong tuyển sinh ĐH, CĐ. Ảnh Như Lam

Xét tuyển bổ sung thí sinh hộ khẩu thường trú từ trên 3 năm và điểm thi dưới điểm sàn 1 điểm

Theo chính sách đặc thù này, Bộ GD-ĐT cho phép các trường ĐH, CĐ có trụ sở chính đặt tại 32 tỉnh/thành phố trên được xét tuyển bổ sung đối với các thí sinh có hộ khẩu thường trú từ 3 năm trở lên tại các tỉnh/thành phố thuộc khu vực và có kết quả điểm thi đại học (hoặc cao đẳng) hệ chính quy năm 2012 (đã cộng điểm ưu tiên đối tượng và khu vực) dưới điểm sàn đại học (hoặc cao đẳng) không quá 1 điểm.

Các thí sinh được xét tuyển thuộc diện này phải học bổ sung kiến thức 1 học kỳ. Chương trình, nội dung và cách thức tổ chức học bổ sung kiến thức cho sinh viên thuộc diện này do Hiệu trưởng trường ĐH, CĐ quyết định.

Theo Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga, cơ chế đặc thù này không chỉ giúp cho các trường tuyển đủ chỉ tiêu mà nó còn giúp cho các địa phương vùng kinh tế khó khăn có thể tuyển được người đi đào tạo để nâng cao trình độ lao động ở đây.  Đồng thời chính sách đặc thù này cũng tạo cơ chế phù hợp cho các em ở vùng khó khăn vào học.

Ưu tiên trong tuyển sinh với 20 huyện đặc biệt khó khăn

Bên cạnh đó, Bộ GD-ĐT cũng quyết định áp dụng ưu tiên trong tuyển sinh quy định tại Điểm b, Khoản 1, Điều 33 Quy chế tuyển sinh đại học cao đẳng hệ chính quy ban hành kèm theo Thông tư số 09/2012/TT-BGDĐT của Bộ GD-ĐT cho thí sinh thuộc 20 huyện (thị xã) thuộc diện đặc biệt khó khăn, huyện biên giới và hải đảo của khu vực Tây Nam bộ có nguyện vọng xét tuyển vào học các trường đại học, cao đẳng trong khu vực Tây Nam Bộ.

Cụ thể, 20 huyện, thị xã này gồm: Tân Hưng, Vĩnh Hưng, Mộc Hóa, Đức Huệ, Thạnh Hóa, Tân Thạnh (tỉnh Long An); huyện Hồng Ngự, Tân Hồng, Thị xã Hồng Ngự (tỉnh Đồng Tháp); Thị xã Tân Châu, An Phú, Thị xã Châu Đốc, Tịnh Biên, Tri Tôn (tỉnh An Giang); Giang Thành, Thị xã Hà Tiên, Kiên Hải, Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang); Long Mỹ (tỉnh Hậu Giang) và Phước Long (tỉnh Bạc Liêu).

Đối với các khu vực Tây Bắc và Tây Nguyên, chính sách ưu tiên này được áp dụng cho thí sinh thuộc các huyện nghèo theo Quy định tại Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP  ngày 27-12-2008 của Chính phủ.

(Theo chinhphu)

.
.
.