Thứ Sáu, 12/10/2012, 09:47 (GMT+7)
.

Phổ cập giáo dục Mầm non trong nỗ lực đạt chuẩn

Từ đầu năm học 2010 - 2011, Tiền Giang triển khai thực hiện Chương trình Phổ cập giáo dục mầm non (GDMN) cho trẻ em 5 tuổi giai đoạn 2010 - 2015. Sau 2 năm thực hiện, toàn tỉnh có 9 xã thuộc các huyện: Châu Thành (3 xã), Gò Công Đông (3 xã) và TP. Mỹ Tho (3 xã, phường) đã hoàn thành chương trình này.  Đây là tín hiệu vui, tuy nhiên thực tế phía trước vẫn còn nhiều khó khăn…

Nhìn chung, việc tổ chức thực hiện Chương trình GDMN của tỉnh được triển khai khá thuận lợi, từng bước đáp ứng được yêu cầu của ngành. Kết quả bước đầu là động lực để ngành Giáo dục vượt qua những khó khăn phía trước. Trong đó, khó khăn lớn nhất là thiếu cơ sở vật chất (CSVC).

Đến cuối năm học 2011 - 2012, toàn tỉnh có 842 lớp mẫu giáo 5 tuổi, trong đó có 366 phòng học kiên cố, còn lại là bán kiên cố. Nhiều phòng học tuy được xây kiên cố, bán kiên cố nhưng diện tích chưa đạt yêu cầu (chỉ có 334 phòng học đạt yêu cầu về diện tích sử dụng từ 64,3m2/phòng trở lên); thậm chí có phòng học chỉ rộng 30m2.

Mặt khác, nhiều trường thu nhận trẻ/lớp vượt cao so với quy định của điều lệ trường mầm non. Nếu so với nhu cầu hiện tại, số phòng học dành cho trẻ 5 tuổi còn thiếu 214 phòng; 173 phòng học mượn và 41 phòng học chung.

Bên cạnh đó, một số trường tuy đã thành lập nhưng chưa được xây dựng hoàn chỉnh về cơ sở vật chất nên trẻ vẫn phải tiếp tục học nhờ trong các trường phổ thông, cụ thể là các xã: Thạnh Lộc, Thanh Hòa, Hiệp Đức, Phú Quý, Tam Bình, Mỹ Long (Cai Lậy); Điềm Hy, Long Định, Đông Hòa, Bàn Long (Châu Thành); Song Bình (Chợ Gạo); Phước Lập (Tân Phước)…

Ngoài ra, hầu như huyện nào cũng có những điểm trường còn khó khăn về cơ sở vật chất như: Mẫu giáo Tân Phú (điểm Tân Xuân, thuộc huyện Tân Phú Đông), Mầm non Vĩnh Bình (Gò Công Tây), Mẫu giáo Hòa Định (Chợ Gạo)…

Theo thống kê của ngành, hiện 49 trường trong toàn tỉnh thiếu phòng làm việc, 266 trường không có sân chơi và 88 sân trường không có đồ chơi ngoài trời. Ngay tại TP. Mỹ Tho một số trường cũng đang gặp khó, đơn cử như: Trường Mẫu giáo Tuổi xanh (phường 4) đang mượn cơ sở của dân, hiện chủ đang đòi lại, chưa có đất để xây dựng và cả 2 cơ sở của trường cũng thiếu sân chơi ngoài trời do không có quỹ đất.

Về đội ngũ giáo viên Mầm non cũng chưa đáp ứng kịp thời với số trẻ ra lớp và nhu cầu thực hiện Chương trình GDMN mới. Theo thống kê, cuối năm học vừa qua toàn tỉnh thiếu đến 96 giáo viên dạy các lớp 5 tuổi và 14 giáo viên phải dạy 2 lớp.

Sở dĩ có tình trạng này do nhiều nguyên nhân: Số trẻ đi học tăng nhanh; chế độ, chính sách đối với giáo viên Mầm non còn nhiều bất cập nên chưa tạo được động lực cho giáo viên gắn bó với nghề; áp lực về cường độ lao động cao, thời gian làm việc kéo dài (có khi từ 10 - 12 giờ/ngày) nên nhiều giáo viên đã bỏ việc ngay trong thời gian thử việc...

Mặt khác, nhiều trường không khả năng tổ chức ăn bán trú cho trẻ và tổ chức học 2 buổi/ngày do thiếu cơ sở vật chất và thiếu người cấp dưỡng, nhân viên nấu ăn do không thuộc định biên hưởng lương ngân sách trong khi khả năng đóng góp của phụ huynh có hạn.

Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến chỉ tiêu trẻ học lớp 2 buổi/ngày tuy đạt, song ở một số huyện thì tỷ lệ này còn khá thấp: Châu Thành 75,4%, Gò Công Đông 71,9%, Cái Bè 70,6%, Tân Phú Đông 69,5%…

Kết quả thực hiện theo lộ trình từ năm 2010 - 2012 có một số chỉ tiêu chưa đạt yêu cầu như: Số lớp mẫu giáo 5 tuổi được trang bị đủ thiết bị, đồ dùng, đồ chơi đạt thấp (114/842 lớp, tỷ lệ 13,5%). Trong đó, một số huyện hầu như chưa có lớp nào được trang bị đủ như: Cai Lậy, Tân Phước, Gò Công Đông và Tân Phú Đông. Các huyện còn lại tuy có nhưng tỷ lệ cũng rất thấp: Cái Bè 2,77%, TX. Gò Công 10,1%, Châu Thành 17,4%…

Để công tác phổ cập GDMN cho trẻ em 5 tuổi thực sự hiệu quả, cần thiết phải có một cơ chế đãi ngộ xứng đáng hơn cho những người làm công tác này, kể cả đối với nhân viên cấp dưỡng.

Về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Chọn, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Tân Phú Đông cho biết, giải pháp tạm thời để khắc phục tình trạng thiếu giáo viên trước mắt là không mở nhà trẻ và giảm một số lớp dành cho trẻ 3, 4 tuổi để dốc toàn lực cho lớp mẫu giáo 5 tuổi.

Ông Cao Tấn Hưởng, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Chợ Gạo cho rằng đây cũng là giải pháp tạm thời của huyện. Song song đó, cần khắc phục được tình trạng thiếu cơ sở vật chất để các em có được một chỗ học đúng chuẩn quy định.

Đây không là trách nhiệm của riêng ngành Giáo dục mà cần sự góp sức của phụ huynh học sinh. “Phụ huynh có thể tự trang bị đồ dùng cá nhân cho trẻ hoặc cùng nhà trường thực hiện công tác phòng, chống suy dinh dưỡng trẻ em… cũng là cách ủng hộ Chương trình GDMN…” -  bà Trương Thị Bạch Phi Vân, Trưởng phòng Giáo dục Mầm non của Sở GD& ĐT cho biết.

Đề án Phổ cập giáo dục mầm non (GDMN) cho trẻ 5 tuổi giai đoạn 2010 - 2015 gồm 4 dự án: Xây dựng phòng học, phòng chức năng theo quy định của Điều lệ trường mầm non (MN); mua sắm trang thiết bị, đồ chơi; đào tạo, bồi dưỡng giáo viên và hỗ trợ trẻ em nghèo; xây dựng trường MN đạt chuẩn quốc gia cho các huyện khó khăn. Đề án được chia thành 2 giai đoạn: 2010 - 2012 và 2013 - 2015, với tổng kinh phí thực hiện 14.660 tỷ đồng.

Tại Tiền Giang, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch 167/KH-UBND về phổ cập GDMN cho trẻ em 5 tuổi giai đoạn 2010 - 2015, với tổng kinh phí thực hiện 797,845 tỷ đồng. Trong đó, kinh phí của 4 dự án là 393,3 tỷ đồng và 404,745 tỷ đồng chi thường xuyên.

Lộ trình thực hiện cũng sẽ chia làm 2 giai đoạn. Giai đoạn I (từ năm 2010 đến 2012): Tập trung công tác tuyên truyền, khảo sát, đánh giá thực trạng trẻ em; cơ sở vật chất, trang thiết bị và có kế hoạch trang bị (dự kiến 50% số xã được kiểm tra và công nhận).

Giai đoạn II (từ năm 2013 đến 2015): Tập trung đầu tư, hoàn thiện các chỉ tiêu phổ cập, tiến hành kiểm tra công nhận các đơn vị hoàn thành; dự kiến đến năm 2015 Tiền Giang sẽ đề nghị Bộ GD&ĐT kiểm tra công nhận đạt chuẩn phổ cập GDMN cho trẻ 5 tuổi.

MINH CHÂU

 

.
.
.