Thứ Bảy, 13/10/2012, 05:54 (GMT+7)
.

Tuổi nhỏ sáng tạo: Từ đam mê, biến ý tưởng thành hiện thực

UBND tỉnh vừa tặng Bằng khen cho 15 thí sinh đoạt giải I, II, III của Cuộc thi “Sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng” năm 2012. Đây là kết quả đáng khích lệ. Những sáng kiến dưới đây cho thấy niềm đam mê sáng tạo của các em.

* Cậu học trò lớp 6 với phần mềm tự học Anh văn

Nguyễn Tấn Bảo học sinh lớp 6, Trường THCS Tân Mỹ Chánh, TP. Mỹ Tho (ảnh) vừa đoạt giải I của cuộc thi, với sản phẩm “Phần mềm tự học Anh văn lớp 5”.

Tiếp cận với môn Anh văn từ năm lớp 1, Tấn Bảo đã yêu thích môn này lúc nào không hay. Bảo cho biết: “Thấy trong lớp còn nhiều bạn tiếp thu chậm môn Anh văn, em nghĩ phải làm một phần mềm tự học Anh văn để giúp các bạn học tốt hơn!...”.

Bắt đầu học vi tính từ năm lớp 3, Tấn Bảo đã tự mài mò viết phần mềm tự học Anh văn. Sau gần 6 tháng kiên trì, sản phẩm của em đã hoàn thành, được thầy cô đánh giá cao, các bạn trong lớp thích thú.

Phần mềm tự học Anh văn của Bảo vừa giúp luyện nghe, nói, đọc, viết Tiếng Anh dễ dàng. Bảo còn kèm vào phần mềm của mình các trò chơi bằng Tiếng Anh đơn giản…

Tấn Bảo hiện là lớp trưởng gương mẫu, học giỏi tất cả các môn. Nhiều năm liền em được chọn tham gia Giải Nguyễn Hữu Huân, đạt thứ hạng cao. Bảo hiện đang viết phần mềm tự học Anh văn lớp 3 cho em của mình.

Bảo chia sẻ: “Em đang ấp ủ đề tài phần mềm tự học Toán lớp 6 cho cuộc thi năm sau. Em ước mơ sau này sẽ trở thành chuyên viên Tin học giỏi”.

* Cô gái nhỏ góp sức bảo vệ hành tinh xanh

Huỳnh Ngọc Vi Khang là học sinh lớp 9, Trường THCS Tân Hòa, huyện Gò Công Đông (ảnh) đoạt giải III của cuộc thi cấp tỉnh và giải khuyến khích cấp Quốc gia với mô hình “Màu xanh của sự sống”. Vì sao Vi Khang chọn đề tài này? - tôi hỏi, Vi Khang nhanh nhẩu trả lời: Em muốn góp phần bảo vệ hành tinh xanh của chúng ta.

Mô hình của Vi Khang là tập hợp các dạng phiến lá của nhóm cây ưa sáng và nhóm cây ưa bóng. Qua bài học “Sinh vật và môi trường”, Vi Khang đã cảm nhận được tầm quan trọng của các loài thực vật nhỏ bé cho sự sống. Ánh sáng đã làm thay đổi đặc điểm hình thái, đặc điểm sinh lý của thực vật, tạo ra các nhóm cây ưa sáng và ưa bóng khiến Vi Khang vừa tò mò vừa thích thú.

Hàng ngày Vi Khang dành thời gian đi nhặt, gom lại rồi phơi khô, sau đó phân loại ra các nhóm phiến lá khác nhau. Hiện bộ sưu tập của Vi Khang có trên 30 loại phiến lá khác nhau.

Vi Khang vui vẻ cho biết: “Bộ sưu tập này đã giúp em và các bạn hiểu bài sâu hơn, qua đó càng thêm yêu quý và  chung tay góp sức bảo vệ hành tinh xanh của chúng ta, trong đó có thảm thực vật từ những chiếc lá nhỏ nhắn, đa dạng đã và đang hàng ngày, hàng giờ đem lại sự sống cho loài người và góp phần làm đẹp cho đời”.

* “Máy xe cẩu” từ sự đoàn kết

Đó là ý tưởng của tập thể học sinh lớp 9, Trường THCS Long Chánh, TX. Gò Công. Ấp ủ đề tài từ năm lớp 8, khi Phan Hòa Hiếu nói ra ý tưởng của mình thì cả nhóm gồm: Nguyễn Xuân Trường, Lê Trung Hiếu, Nguyễn Quốc Thái và Lê Ngọc Sang (ảnh) cùng học chung lớp đều đồng lòng và quyết tâm thực hiện.

Hòa Hiếu tâm sự: “Sang năm lớp 9, em được các bạn ủng hộ, giúp đỡ và nhóm chúng em đã bắt tay thực hiện trong hơn một tháng. Qua nhiều lần thất bại, cuối cùng mô hình “Máy xe cẩu” cũng hoàn thành và đoạt giải I cuộc thi năm nay, nhóm chúng em phấn khởi lắm!”.

Mô hình “Máy xe cẩu” được thiết kế với bộ điều khiển từ xa. Nhờ có các động cơ điều khiển hệ thống bánh ray để máy tiến, lùi hoặc chuyển hướng; truyền chuyển động bánh răng để cánh tay nâng lên hoặc hạ xuống; dùng cơ chế ròng rọc để gấp, mở cánh tay, qua đó giúp việc gấp các đồ vật trở nên linh hoạt. 

Em Nguyễn Xuân Trường dí dỏm: “Máy xe cẩu ngoài gấp đồ vật còn có thể gấp rác nhanh nhẹn”. Cả nhóm cho biết, đang cải tiến máy xe cẩu thành máy đa năng, vừa có thể gấp rác và quét rác nhanh chóng, sạch sẽ.

* Cô bé lớp 5 và ý tưởng “Ngôi nhà sử dụng năng lượng gió và mặt trời”

Nguyễn Đoàn Ngọc Duyên (lớp 5, Trường Tiểu học Trung An, TP. Mỹ Tho, ảnh) đã đoạt giải III cấp Quốc gia với sản phẩm “Ngôi nhà sử dụng năng lượng gió và mặt trời”.

Được sự giúp đỡ của mẹ là giáo viên, Ngọc Duyên đã thực hiện ý tưởng sử dụng năng lượng gió và mặt trời để tạo ra điện. “Em xem tivi và nghe thầy cô giảng về thiên tai, ảnh hưởng nguồn điện phục vụ con người. Vì lẽ đó em có ý tưởng xây dựng ngôi nhà sử dụng gió và năng lượng mặt trời tạo ra điện để dùng cho sinh hoạt gia đình, vừa tiết kiệm chi phí vừa bảo vệ môi trường” - Ngọc Duyên tâm sự.

Sản phẩm “Ngôi nhà sử dụng năng lượng gió và mặt trời” của Duyên được gắn một cánh quạt và tấm kính trên mái nhà để hấp thụ sức gió và ánh nắng, chuyển thành dòng điện một chiều dùng cho sinh hoạt trong gia đình. Em ước muốn ý tưởng của em sẽ trở thành hiện thực.

Ngọc Duyên nhiều năm liền là học sinh giỏi, em ước mơ sau này sẽ nối nghiệp mẹ. 

P. MAI
 

.
.
.