Bước đầu với mô hình trường Tiểu học mới tại trường Thái Sanh Hạnh
Năm học 2012-2013, Bộ GD-ĐT chỉ đạo triển khai thí điểm mô hình trường Tiểu học mới Việt Nam (VNEN) tại 1.447 trường tiểu học của 63 tỉnh, thành trên cả nước từ tháng 6-2012 đến tháng 6-2015. Mô hình VNEN thuộc Dự án GPE-VNEN, được thực hiện bằng nguồn kinh phí viện trợ không hoàn lại của Quỹ Giáo dục toàn cầu.
Tại Tiền Giang, mô hình được triển khai tại trường Tiểu học Thái Sanh Hạnh (TP. Mỹ Tho). Đây cũng là trường học đầu tiên được chọn để triển khai thí điểm mô hình trường Tiểu học mới của tỉnh.
Với 20 lớp gồm 748 học sinh, trường Tiểu học Thái Sanh Hạnh là một trong những trường có quy mô vừa. Đây cũng là một trong những tiêu chí quan trọng hàng đầu trong việc triển khai mô hình trường Tiểu học mới. Bởi, theo yêu cầu của mô hình, để có thể triển khai dự án tốt trường phải có số lượng lớp và số lượng học sinh vừa phải.
Một lớp học được bố trí theo mô hình VNEN tại trường Thái Sanh Hạnh. |
Ông Nguyễn Hoàng Tuấn, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Chương trình được triển khai ở khối 2, 3. Theo đó, các lớp thuộc 2 khối này sẽ học theo mô hình mới gồm: Cách tổ chức lớp học, tài liệu học mới, cách giảng dạy của giáo viên cũng như cách học của học sinh. Trong đó, “tài liệu dạy học mới” được xây dựng với hình thức tài liệu “hướng dẫn học tập” các môn: Tiếng Việt, Toán và Tự nhiên xã hội (các môn khác sẽ học bình thường).
Tài liệu này được xây dựng trên cơ sở giữ nguyên chương trình, nội dung sách giáo khoa hiện hành cũng như chuẩn kiến thức, kỹ năng. Tài liệu được biên soạn lại, mỗi bài có 3 hoạt động: Hoạt động cơ bản, hoạt động thực hành và hoạt động ứng dụng.
Trong các bài học, từng hoạt động sẽ được thiết kế theo nhiều kiểu riêng biệt, tùy theo từng bộ môn, từng bài học như: hoạt động cá nhân, đôi, nhóm (từ 3 người trở lên), cả lớp…
Cái hay nhất của tài liệu này là được sắp xếp “ba trong một”: Sách giáo khoa, sách giáo viên và sách hướng dẫn học sinh tự học gộp làm một tài liệu chung. Vì vậy, chỉ cần một quyển sách, học sinh có thể tự học, tự làm bài, giáo viên hướng dẫn trên đó và cả phụ huynh cũng có thể sử dụng để hướng dẫn con em mình mà không cần bất cứ một tài liệu hỗ trợ nào khác. Trong thời gian thực hiện dự án, tài liệu này sẽ được phát miễn phí cho tất cả các học sinh.
Điểm mới tiếp theo của mô hình VNEN là việc bố trí các phòng học. Mỗi phòng học được bố trí theo một cách khác nhau với mong muốn tạo hứng thú cho học sinh. Trong mỗi lớp có thể có: Sơ đồ cộng đồng (đây là một “bản đồ định vị” thu nhỏ nhằm giúp các em biết được nhà các em ở khu vực nào, trường học ở đâu...); hộp thư cá nhân để các bạn có thể góp ý; hộp thư lớp để các em đề xuất ý kiến với trường và giáo viên.
Ngoài ra, phòng sẽ được bố trí lại, ngoài chỗ ngồi của các em còn có thư viện linh động với đồ dùng học tập, sách vở, tài liệu tham khảo để khi cần học sinh có thể tự lấy.
Từ sự thay đổi của tài liệu và cách bố trí lớp học, cách dạy và học của giáo viên và học sinh cũng thay đổi theo. Theo đó, giáo viên sẽ không đơn thuần chỉ truyền thụ kiến thức mà phải giúp các em tiếp thu kiến thức qua các hoạt động. Từ đó, đổi mới các phương pháp kiểm tra, đánh giá học sinh.
Học sinh hoàn toàn tự chủ trong việc học và giáo viên chỉ đóng vai trò hướng dẫn. Mỗi tiết học (hoặc tùy theo từng hoạt động), học sinh sẽ được sắp xếp chỗ ngồi học theo nhóm (mỗi nhóm từ 6-8 học sinh tùy sĩ số của mỗi lớp). Giáo viên sẽ sắp xếp sao cho mỗi em có thể tiếp cận hết tất cả các bạn trong lớp. Mỗi nhóm sẽ có một bạn được cử là trưởng nhóm. Đây là người chịu trách nhiệm điều động hoạt động, thảo luận của các thành viên trong nhóm.
Nếu các em gặp vướng mắc trong bất kỳ hoạt động nào có thể thông báo đến giáo viên ngay để nhờ sự trợ giúp. Khi thực hiện xong một hoạt động, các em sẽ giơ bảng thông báo để giáo viên đến kiểm tra. Giáo viên có thể hỏi bất kỳ chi tiết nào liên quan đến hoạt động và chỉ định người trả lời.
Nếu hoàn thành hoạt động, giáo viên sẽ cử một nhóm trưởng khác, chuyển các em sang hoạt động khác mà không cần chờ đợi các nhóm xung quanh. Vì thế, trong lớp học sẽ không có “thời gian chết” vì các em có thể liên tục thực hiện các hoạt động khác nhau trong cùng một bài học và hầu như em nào cũng có thể trải qua vai trò trưởng nhóm, phát huy khả năng thủ lĩnh của mình.
Ngoài thay đổi cách học, ban cán sự lớp cũng sẽ được “bố trí” lại theo cách phát huy tính tích cực của học sinh. Lấy tiêu chí “học sinh là đối tượng trung tâm của quá trình dạy và học”, nên ban cán sự lớp sẽ được thay thế bằng Hội đồng tự quản (HĐTQ) lớp.
HĐTQ sẽ do học sinh tự bầu chọn thay vì cô giáo chủ nhiệm chỉ định. Tiêu chí bầu HĐTQ lớp là chọn những bạn năng động, được các thành viên tin tưởng. Một Hội đồng gồm một chủ tịch, hai phó chủ tịch và các ban gồm: Ban học tập, thư viện, đối ngoại, tư vấn, văn nghệ - thể dục - thể thao, sức khỏe - vệ sinh.
Mỗi ban sẽ có trách nhiệm khác nhau. Ví dụ như ban học tập sẽ có trách nhiệm giúp các bạn lấy đồ dùng học tập, sắp xếp sách vở; ban văn nghệ sẽ giúp các bạn học tốt các bài hát...
Cái hay của mô hình này là trước đây Ban cán sự lớp chỉ nghe theo mệnh lệnh của giáo viên chủ nhiệm để điều hành lớp, chuyện gì cũng phải thông qua giáo viên chủ nhiệm thì nay HĐTQ lớp đảm nhiệm toàn bộ các hoạt động, chỉ nhờ giáo viên hỗ trợ, giúp đỡ khi cần thiết. Giáo viên cũng sẽ không can thiệp vào hoạt động của HĐTQ trừ phi thật sự cần thiết...
Ông Nguyễn Hoàng Tuấn cho biết: Đây là năm đầu tiên triển khai chương trình này nên chưa đánh giá được hiệu quả của chương trình. Sau hơn 2 tháng triển khai, theo nhận định ban đầu của các giáo viên thì chương trình được triển khai khá thuận lợi. Các em cũng khá yêu thích cách học này. Điều quan trọng là các em phát triển khá đồng đều. Em nào cũng có thể phát huy hết vai trò cũng như khả năng của mình.
Tuy nhiên, phải nhìn nhận khi triển khai chương trình này, trường đã gặp phải không ít khó khăn như: Phải trang bị cơ sở vật chất, bàn ghế cho đúng chuẩn để có thể tổ chức các hoạt động theo yêu cầu, trong khi trường vẫn còn khó khăn; tiếp theo là phụ huynh chưa hiểu nên chưa hỗ trợ hết mình; học sinh một lớp còn khá đông nên khó thiết kế các hoạt động nhóm đúng yêu cầu...
Dù vậy, Ban Giám hiệu trường cũng tự hứa sẽ cố gắng để mô hình được triển khai rộng ra trong nhiều năm tới, bởi đây là một mô hình khá hay, mà nếu triển khai được sẽ giúp đỡ rất nhiều cho sự phát triển của học sinh
MINH CHÂU