Thứ Năm, 11/10/2012, 15:11 (GMT+7)
.

Đổi mới toàn diện để tạo đột phá chất lượng dạy nghề

Hội nghị khu vực về đào tạo nghề tại Việt Nam - Đột phá chất lượng dạy nghề do Bộ Lao động, Thương binh & xã hội phối hợp Bộ Hợp tác và Phát triển kinh tế Liên bang Đức tổ chức trong ngày 10 và 11-10 tại Hà Nội.

Giờ học thực hành của học sinh trường Cao đẳng nghề Tiền Giang. Ảnh: Hữu Chí
Giờ học thực hành của học sinh trường Cao đẳng nghề Tiền Giang. Ảnh: Hữu Chí

Hội nghị có sự tham dự của hơn 250 đại biểu là lãnh đạo các Bộ, ngành, các nhà hoạch định chính sách, các chuyên gia, nhà nghiên cứu đến từ hai nước.
 
Hội nghị tập trung thảo luận 4 chuyên đề, bao gồm: tiêu chuẩn nghề; quan hệ hợp tác với doanh nghiệp trong đào tạo nghề; phát triển đội ngũ giáo viên đào tạo nghề có năng lực; tài chính cho dạy nghề.
 
Theo Bộ LĐ,TB&XH, để hướng tới đáp ứng nhu cầu nhân lực chất lượng cao cho nền kinh tế của một nước công nghiệp vào năm 2020, Chính phủ đã quyết định đổi mới toàn diện hệ thống dạy nghề: từ đổi mới công tác quản lý dạy nghề; nội dung, chương trình và các điều kiện đảm bảo chất lượng...
 
Mạng lưới các cơ sở dạy nghề đang được mở rộng, phân bố hợp lý ở các vùng miền. Năm 2011, cả nước có 136 trường cao đẳng nghề, 308 trường trung cấp nghề, 849 trung tâm dạy nghề và hơn 1.000 cơ sở khác. Quy mô đào tạo tăng đã góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề năm 2011 đạt 32%.
 
Thảo luận tại Hội nghị, các đại biểu cho rằng, để tạo ra sự đột phá về chất lượng này, Việt Nam cần sự hợp tác và hỗ trợ của các nước, các tổ chức quốc tế, trong đó có Đức và các nước ASEAN, tập trung vào một số nội dung như: Hỗ trợ nâng cao năng lực quản lý dạy nghề, nâng cao năng lực hoạch định và xây dựng chính sách dạy nghề cho Việt Nam, trong đó có việc trao đổi, hỗ trợ để hoàn thiện Luật dạy nghề và các văn bản pháp luật liên quan; thu hút các nguồn ODA từ các nhà tài trợ để phát triển dạy nghề, trong đó tập trung phát triển các trường nghề chất lượng cao, một số trường đạt đẳng cấp quốc tế và khu vực.

P.V

(Tổng hợp)

.
.
.