Câu chuyện học trò nghèo ăn mì gói ở ngôi trường vùng sâu, vùng xa
“Sao lâu rồi không thấy em xuống ăn mì?” - giáo viên và học sinh Trường THCS&THPT Ngô Văn Nhạc, huyện Cái Bè nghe thầy Phan Ngọc Thanh, Hiệu trưởng nhà trường hỏi mãi câu nói ấy, trở thành quen tai. Rồi sau đó, họ lại đùa vui với thầy: “Thầy ơi, hôm nay mì tôm của thầy còn bao nhiêu gói?” hoặc “Thầy ơi, mì của thầy còn nuôi nổi tụi con một tuần nữa không?”.
Hôm thầy Hiệu trưởng ra chợ Kinh Kho mua 20 cái tô, 20 cái đĩa và đũa, muỗng. Thấy lạ, chị bán hàng xén hỏi vặn: “Nhà thầy ở ngoài An Hữu, chợ ngoài ấy là chợ lớn, hàng hóa rất nhiều, lại đẹp, sao thầy không mua mà lại vào chợ “chồm hổm” này mua, rồi phải mất công lịch kịch chở về?”.
“Tôi mua tô cho học trò tôi ăn mì gói!”. “Ủa, mì ở đâu có và sao lại ăn trong trường?”. “Tôi xin mì cho mấy đứa học trò nghèo ăn đỡ đói ấy mà!”.
Thầy Hiệu trưởng sắm tô, dĩa hôm trước, hôm sau tiệm tạp hóa Minh Trang ở chợ Kinh Kho chở vào ngay 10 thùng mì loại mỗi thùng 100 gói. Mì xếp thành hàng ở văn phòng Đoàn trường. Thầy thông báo với giáo viên nhà trường: “Số mì này do thầy Lê Phước Lợi, giáo viên Trường THPT Phạm Thành Trung gởi cho. Bước đầu mình có 1.000 gói. Sau này tôi sẽ vận động thêm. Có một số phụ huynh cũng đã hứa cho”.
Học sinh ăn trưa bằng mì gói miễn phí. |
Có lẽ trong tỉnh ta ít có ngôi trường nào mà số lượng học sinh thuộc gia đình nghèo và cận nghèo lại đông như ở Trường THCS&THPT Ngô Văn Nhạc. Và cũng ít có trường nào có hoàn cảnh dạy và học gặp nhiều khó khăn như ở trường này.
Trong số 582 học sinh của nhà trường, các em thuộc hộ nghèo và cận nghèo lên đến 156 em. Những em còn lại, hoàn cảnh gia đình cũng không khá giả gì. Gần như toàn bộ các em là con nông dân, mỗi năm chỉ trông vào mấy vụ lúa. Mà đâu phải nhà nào cũng có nhiều ruộng đất. Những tháng không phải vào vụ thu hoạch lúa, để kiếm tiền cho con đi học là một điều khó khăn.
Đầu năm học, khi nhà trường thu học phí và các khoản đóng góp khác như bảo hiểm y tế, bảo hiểm tai nạn… giáo viên nhà trường khi nghe phụ huynh nói: “Thầy, cô thư thư cho vài tuần, để tui làm lúa xong, bán lúa có tiền sẽ đóng liền”, có người phải quay mặt đi nơi khác để giấu ánh mắt xót xa.
Học sinh học yếu, gia đình lại có hoàn cảnh khó khăn nên các em rất thường bỏ học. 5 năm liên tục, Trường THCS Ngô Văn Nhạc trước đây luôn không đạt chỉ tiêu duy trì sĩ số học sinh. Còn tình trạng các em phải vắng học để phụ giúp cha mẹ khi vào mùa vụ là một hiện tượng phổ biến. Cha mẹ các em đa số trình độ học vấn thấp, quanh năm suốt tháng đầu tắt mặt tối lo cái ăn thì làm sao quan tâm đến chuyện học hành của con cái được!
Khi mới về nhận nhiệm vụ, chứng kiến một học sinh lớp 6 của mình mặt mũi xanh xám, lên phòng y tế của nhà trường để nằm. Suốt ngày hôm ấy, tập thể giáo viên chẳng thấy thầy Hiệu trưởng cười. Em học sinh ấy, buổi sáng học văn hóa. Nhà xa, em ở lại trường để buổi chiều học thể dục luôn. Em không có tiền để ăn trưa nên đã mấy lần ngất xỉu vì đói.
Để nâng chất lượng học tập của học sinh, nhà trường tổ chức dạy phụ đạo buổi chiều, vậy là hàng chục học sinh nhịn ăn trưa vì không thể đạp xe gần chục cây số để về nhà ăn cơm, vừa mệt lại vừa không kịp học. Lo bữa ăn trưa cho những học sinh nhà nghèo là một việc làm cấp bách. Thế rồi nhà trường có được một tủ nước lọc có vòi nước nóng, vòi nước lạnh.
Kế toán nhà trường tròn mắt hỏi thầy: “Trời, từ nay đến cuối năm, ngân sách chi thường xuyên của mình chỉ còn 912.000 đồng. Dịp 20-11 còn không có tiền để chi tiền bánh, nước cho giáo viên; trong khi trường mình còn thiếu nợ tiền thỉnh giảng tính ra khoảng 50 triệu đồng, không biết lấy gì để trả cho người ta, tiền đâu mà thầy “rinh” cái máy này về. Chắc cũng phải hơn 10 triệu đồng?”.
Thầy Hiệu trưởng bình thản trả lời: “Máy này giá 11 triệu tám trăm ngàn đồng. Thầy đi xin đấy!”. Máy vận hành được một vài tiếng, giáo viên lại tròn mắt khi thấy thầy đem sang một gói mì và một cái tô, hỏi: “Nước này đủ độ nóng để ăn mì không nhỉ?”. Sau này, mọi người mới vỡ lẽ ra là thầy trang bị máy nước nóng để làm gì…
Và giờ đây, học sinh nghèo của Trường THCS&THPT Ngô Văn Nhạc đã vững dạ khi học hai buổi ở trường. Khát thì xuống văn phòng uống nước mát, đói thì đã có mì gói. Sẵn tô, sẵn mì, sẵn nước nóng bốc khói, các em cứ thoải mái lấy mì ăn, không cần phải xin phép ai.
Học xong buổi sáng, những học sinh nghèo lại lục tục kéo xuống văn phòng Đoàn trường ăn mì. Ăn xong, rửa tô, úp vào kệ rồi lên những phòng học để trống trải chiếu ra nằm nghỉ hoặc xem bài, để đến 13 giờ 30 phút lên lớp học tiếp. Thầy Hiệu trưởng bảo tuần sau thầy chỉ đạo Đoàn Thanh niên trồng rau quế, rau muống, bù ngót ở vườn trường…
Đã thành lệ, mỗi ngày khi thấy lượng mì gói còn nhiều, thầy Hiệu trưởng liền sang hỏi thầy phụ trách công tác Đoàn: “Sao hôm nay mì còn nhiều vậy, các em không xuống ăn à!?”.
LÝ TIỂU KHÊ