Chữ "Tâm" ở ngôi trường vùng sâu, vùng xa
Năm 1994, tốt nghiệp Sư phạm, cô Lê Thị Thuận khăn gói về trường Tiểu học Mỹ Thành Bắc 1 (Cai Lậy). Lúc ấy, trường còn ọp ẹp, mỗi năm mùa lũ về là ngôi trường và khu nhà tập thể của giáo viên bị cô lập, bốn phía là biển nước.
Cảnh tượng ấy làm cho cô giáo trẻ không khỏi não lòng. Nhưng rồi cái tình, cái nghĩa, sự hồn nhiên, trong trẻo và cả những thiệt thòi của học trò vùng sâu, vùng xa đã xóa đi suy nghĩ xin chuyển về thị trấn. Mấy năm trước, ngành Giáo dục huyện Cai Lậy cũng đã có kế hoạch giải quyết cho cô Thuận chuyển trường để được công tác gần nhà hơn, nhưng rồi Thuận quyết định ở lại.
Cô giáo này giải thích lý do khá “ngược đời” của mình là vì không nỡ xa học trò, xa mái trường đã gắn bó cả một thời tuổi xuân. Thế mới biết cái tâm của nhà giáo vùng sâu thật trong sáng và cao quý biết bao!
18 năm gắn bó với trường, lúc nào cô Thuận cũng nỗ lực để hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ. Nhiều năm liền, học sinh lớp của Thuận chủ nhiệm đều lên lớp 100%, tỷ lệ học sinh giỏi luôn cao. Thuận phụ trách môn Toán và Tiếng Việt của khối lớp 2 và 3.
Cô giáo Thuận chia sẻ, học sinh ở Mỹ Thành Bắc thuộc vùng sâu, vùng xa, mùa hè là nghỉ suốt, không ôn lại bài vở. Vì vậy, nhiều em lớp 2 khi trở lại trường quên kiến thức. Đối với lớp 2, đầu năm vào có đến 1/3 học sinh yếu các kỹ năng đọc, viết, làm toán là bình thường.
Vì vậy, đầu năm học, cô Thuận phải khảo sát để phân loại học sinh, từ đó có kế hoạch kèm cặp từng em trên lớp, hoặc tổ chức phụ đạo tại trường, chứ chuyện dạy thêm để thu tiền thì 18 năm qua Thuận và đồng nghiệp ở trường chưa ai làm.
Với những nỗ lực ấy, 5 năm liền, Thuận đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở. Thầy Trần Văn Nguyên, Hiệu trưởng nhà trường tự hào: Giáo viên của trường dạy bằng cái tâm của nhà giáo, đặt mục tiêu trách nhiệm lên hàng đầu nên rất nhiệt tình trong công tác giảng dạy. Vì vậy, tỷ lệ học sinh giỏi của trường trong nhiều năm liền chiếm từ 20 - 25%, tỷ lệ học sinh lên lớp đạt 98%, tỷ lệ duy trì sĩ số đạt 100%.
Thầy Nguyên dẫn chứng thêm về tinh thần trách nhiệm của giáo viên ở trường: Trong thời gian qua, vào các ngày cuối tuần, nhiều giáo viên tự nguyện đưa học sinh yếu về nhà để kèm, như cô Uyên Phương, vợ chồng cô Trần Thị Huệ… Điều đáng quý là các thầy, cô âm thầm làm, đến khi tình cờ giáo viên trong trường đến nhà chơi thì mới phát hiện.
Chia sẻ về việc làm thầm lặng, nhưng cao quý của mình, cô Trần Thị Huệ rụt rè: Học trò lớp 1 ở vùng sâu, vùng xa rất yếu. Nguyên nhân là do trẻ em vùng sâu, vùng xa không được quan tâm như trẻ em ở thành thị, các em đi học mẫu giáo muộn, nhiều em phải theo cha, mẹ đi làm ăn xa nên phải bỏ học mẫu giáo giữa chừng.
Vì vậy, nếu không kèm thêm ở nhà thì một số em sẽ khó theo kịp chương trình. Huệ chia sẻ: Học sinh vùng sâu, vùng xa đã chịu nhiều thiệt thòi, cái tâm của nhà giáo không cho phép Huệ lơ là, thiếu trách nhiệm với các em được.
Bên cạnh đó, nhiều học sinh của trường có hoàn cảnh khó khăn, nhà trường phải phối hợp với Hội Cha mẹ học sinh của trường, Hội Khuyến học, Hội Chữ thập đỏ của xã để xin quần áo, tập, sách, học bổng để “hà hơi, tiếp sức” cho con đến trường.
Trường thuộc vùng xa nên công tác vận động các nhà hảo tâm cũng còn nhiều hạn chế. Dù vậy, hàng năm nhà trường cũng đã vận động được từ 15 - 20 suất học bổng, mỗi suất từ 200 - 500 ngàn đồng. Số tiền học bổng tuy không lớn, nhưng đó là tinh thần trách nhiệm của tập thể thầy cô dành cho học trò.
Thầy Nguyên tâm tư: Buồn nhất là mỗi khi mùa Trung thu về, chưa năm nào nhà trường có điều kiện để tổ chức cho học sinh vui đón Tết Trung thu trọn vẹn. Thầy Nguyên xem đó là “món nợ” mà tập thể giáo viên của trường chưa trả được cho học sinh thân yêu của mình.
Hỏi Huệ việc kèm thêm ở nhà, phụ huynh có tính “phải quấy” gì với cô giáo không. Huệ cười chân chất bảo: Một số phụ huynh nói để bồi dưỡng cho cô giáo, nhưng Huệ không nhận, vì thấy phụ huynh ở vùng sâu nhiều khó khăn, kiếm được đồng tiền vất vả lắm, lấy sao đặng.
Huệ chia sẻ, niềm vui lớn nhất của cô là khi có một học sinh yếu, sau khi dồn tâm huyết để kèm, cuối năm em theo kịp bạn bè, được lên lớp là không gì hạnh phúc bằng. Vì vậy, 16 năm đứng trên bục giảng để dạy lớp 1, học trò của Huệ chỉ có 1 em ở lại lớp.
Nhiều năm liền, học trò của Huệ đạt giải Vở sạch - Chữ đẹp cấp tỉnh. Riêng năm học 2011-2012, học trò của cô có 3 em đi thi Vở sạch - Chữ đẹp cấp tỉnh thì có 2 em đạt giải xuất sắc, 1 em đạt giải khuyến khích. Thầy Nguyên phấn khởi cho biết: Dù học sinh lớp 1 đầu vào thấp, nhưng với tinh thần trách nhiệm và nhiệt huyết của giáo viên, nên tỷ lệ học sinh lớp 1 của trường lên lớp đạt từ 97 - 98%.
Thầy Trần Văn Nguyên chia sẻ niềm vui: Trong nhiều năm liền, hoạt động phong trào của trường luôn được lãnh đạo ngành Giáo dục đánh giá cao. Cụ thể trong phong trào vở sạch - chữ đẹp, nhà trường phấn đấu rèn luyện 60% học sinh đạt vở sạch - chữ đẹp cấp trường, từ đó chọn ra học sinh tiêu biểu để dự thi cấp huyện và cấp tỉnh. Vì vậy, trong nhiều năm liền, nhà trường luôn có học sinh đạt giải, riêng trong năm học 2011-2012, nhà trường có 12 em đạt giải cấp tỉnh.
Để có được những kết quả ấy, giáo viên của trường phải nỗ lực rất nhiều trong bồi dưỡng, rèn luyện học sinh, nhưng tất cả đều trên tinh thần trách nhiệm của nhà giáo, không có sự bồi dưỡng nào từ phía nhà trường và của phụ huynh.
Với sự nỗ lực và tinh thần trách nhiệm của tập thể giáo viên, trường Tiểu học Mỹ Thành Bắc 1 đạt danh hiệu Tập thể Lao động xuất sắc trong nhiều năm liền. Đó là phần thưởng rất đáng trân trọng làm nên bởi chữ "Tâm" như cô Thuận, cô Huệ bao năm gắn bó với một trường vùng sâu, vùng xa.
NGUYÊN CHƯƠNG