Lắng đọng câu chuyện về thầy Trần Ngọc Tịnh
Chúng tôi đến thăm thầy Trần Ngọc Tịnh, hiệu trưởng Trường Tiểu học (TH) Vĩnh Bình 3 vào một buổi chiều trung tuần tháng 8, những cơn mưa rào thoáng qua chỉ đủ làm mát dịu không khí oi nồng sau những ngày nắng hạn.
Con đường vào nhà rực rỡ sắc hoa, chung quanh rợp mát một màu xanh của nhiều loại cây trái. Chỉ cách thị trấn Vĩnh Bình vài trăm mét, nhưng không khí thật trong lành và tĩnh lặng, làm ta có cảm giác như lạc vào một vùng quê trong mơ.
Thầy Trần Ngọc Tịnh đón nhận Huân chương Lao động hạng III. |
Với mái tóc đã nhiều sợi bạc, dù vóc dáng nhỏ nhắn, nhưng xem ra thầy vẫn còn nhanh nhẹn và khỏe khoắn lắm, tia nhìn vẫn ánh lên vẻ sắc sảo và nụ cười hóm hĩnh luôn nở trên môi, thể hiện tính cách lạc quan, yêu đời.
Thầy đã gắn bó hầu như cả đời mình cho sự nghiệp giáo dục của địa phương. Sự phát triển và đi lên của ngôi trường TH Vĩnh Bình 3 ghi đậm dấu ấn của thầy.
Khi đã yên vị chủ - khách bên tách trà nóng, nghe chúng tôi ngỏ ý muốn biết đôi chút về những kỷ niệm vui buồn của thầy trong quá trình phục vụ sự nghiệp giáo dục, thầy trầm ngâm một chút, rồi kể:
"...Gia đình tôi có truyền thống dạy học, nội tôi là thầy giáo, cha tôi trước đây đã dạy tại Trường Vĩnh Lợi hơn 20 năm. Tôi bắt đầu vào nghề từ năm 1972, cũng tại nơi ông và cha tôi từng dạy học, sau đó khi Trường TH Vĩnh Bình 3 thành lập tôi được bổ nhiệm chức vụ hiệu trưởng cho đến nay.
Có thể nói, cả đời tôi gắn bó với ngôi trường nầy, nó như ngôi nhà thứ hai của tôi. Ngày ấy, dù được tiếng là ngôi trường nằm trên địa bàn thị trấn, nhưng còn nhiều khó khăn lắm, cơ sở vật chất xuống cấp, lớp học, bàn ghế không đúng quy cách, mái tôn thấp lè tè, trời nắng thì nóng như đổ lửa, những hôm mưa dầm thì ẩm ướt, trơn trợt…
Trước hoàn cảnh ấy, chúng tôi đã tham mưu với các cấp lãnh đạo, kết hợp nhiều nguồn vận động, kết quả là năm 2004 với sự giới thiệu và tư vấn của bà Đồng Thị Bạch Tuyết, nhà trường đã nhận được từ Bưu chính viễn thông kinh phí xây dựng 4 phòng học kiên cố. Đến năm 2006 chúng tôi tiếp tục được hỗ trợ xây dựng thêm 15 phòng học nữa.
Việc xây dựng trường cũng có nhiều kỷ niệm khó quên, do không đủ quỹ đất để xây dựng thế là phải đánh tiếng hỏi mua 1.000m2 đất sau trường, phải nhiều lần thuyết phục vất vả mới được chủ đất đồng ý. Chưa hết, đang xây dựng thì hết kinh phí.
Chả lẽ phải ngưng thi công, thế là bản thân tôi phải nhờ một nhà hảo tâm cho mượn 50 triệu đồng, mượn chứ không phải vay, nhờ thế mà việc thi công được tiến hành. Lần xây dựng cuối cùng là vào năm 2010 để ngôi trường có diện mạo như ngày nay".
Song song việc xây dựng hoàn thiện cơ sở vật chất, nhà trường luôn chú trọng nâng cao chất lượng dạy và học, đặc biệt tập trung xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia.
Từ năm 1987 đến năm 2002, với Nghị quyết của Hội đồng Giáo dục thị trấn, sự chỉ đạo quyết tâm của cấp ủy - UBND thị trấn Vĩnh Bình, nhà trường đã tích cực vận động mọi nguồn lực từ ngân sách, kết hợp phát huy xã hội hóa giáo dục, san lấp toàn bộ mặt bằng điểm trường chính.
Lập tờ trình đề nghị UBND huyện, tỉnh thanh lý đất phòng học 2 điểm ấp Thượng và Hạ, mua đất, chỉnh trang mặt bằng gom về một điểm trường nhằm đáp ứng yêu cầu xây dựng cơ bản. Kết quả là tháng 4-2002 trường được tỉnh và Bộ khi kiểm tra, công nhận trường đạt chuẩn quốc gia.
Trên phương diện chuyên môn trường đã đạt được nhiều thành tích: 24 năm liền, từ năm 1987 đến năm 2011 đạt danh hiệu trường Tiên tiến cấp tỉnh, Tiên tiến xuất sắc. Đặc biệt, năm học 2000-2001 nhận Cờ thi đua của UBND tỉnh; năm học 2002-2003 nhận Cờ thi đua đơn vị tiên tiến xuất sắc của Bộ GD-ĐT; năm 2004 nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ; năm 2008 vinh dự nhận Huân chương Lao động hạng 3; năm học vừa qua đã được UBND tỉnh tặng Bằng khen với thành tích Đơn vị Tiên tiến xuất sắc 2 năm liên tục...
Với những phấn đấu và cống hiến, năm 1984 thầy vinh dự được đứng vào hàng ngũ của Đảng, đến nay đã nhận được nhiều giấy khen, bằng khen. Liên tục 23 năm thầy đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở, nhận 18 Bằng khen của UBND tỉnh, 3 Bằng khen của Bộ GD-ĐT, 1 Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ và Huân chương Lao động hạng III.
Thầy luôn quan tâm đến đời sống cán bộ giáo viên. Bằng nhiều nguồn vận động từ các tổ chức và cá nhân, những ngày lễ, tết cán bộ giáo viên nhà trường, đặc biệt là các em học sinh nghèo luôn nhận được những phần quà, đó thật sự là những món quà nhiều ý nghĩa, thể hiện sự quan tâm của lãnh đạo đối với giáo viên và học sinh của trường mà thầy là hiệu trưởng.
Là cán bộ quản lý ở một ngôi trường đòi hỏi đầu tư nhiều công sức và thời gian, nhưng qua tìm hiểu, chúng tôi biết hoàn cảnh riêng của gia đình thầy cũng hết sức neo đơn: con cái đã thành danh, đi làm ăn, công tác xa, thầy còn mẹ già hơn 90 tuổi phải phụng dưỡng, qua đó mới thấy sự cống hiến của thầy cho ngôi trường thân yêu nói riêng và sự nghiệp giáo dục của địa phương nói chung thật đáng trân trọng.
Nắng chiều đã tắt, từ giã thầy để chuẩn bị ra về, nhưng chúng tôi biết là vẫn còn những tâm tình chưa nói hết. Tiễn chúng tôi ra tận ngõ, thầy nói mà như nói với chính mình: “Tháng 12 tới đây tôi sẽ chính thức nhận quyết định, với tôi, nghỉ hưu không phải là khép lại mà là đang mở ra một chặng đường mới của cuộc đời mình, tôi vẫn sẽ tiếp tục cống hiến cho sự nghiệp giáo dục của địa phương theo khả năng và điều kiện của mình…”.
Câu chuyện với thầy Trần Ngọc Tịnh đã để lại trong lòng chúng tôi một ấn tượng thật sâu sắc về hình ảnh một người thầy suốt đời tận tụy vì sự nghiệp giáo dục, đã dành hết tâm huyết và công sức để xây dựng ngôi trường Tiểu học Vĩnh Bình 3 sớm trở thành một trong những đơn vị đầu tiên trong huyện Gò Công Tây đạt danh hiệu Trường chuẩn quốc gia.
Với 40 tuổi nghề, hơn 20 năm tuổi Đảng, thầy Trần Ngọc Tịnh xứng đáng là một tấm gương tận tụy vì sự nghiệp giáo dục cho các thế hệ đàn em học tập và noi theo...
NGUYỄN TUẤN KIỆT