Thứ Tư, 21/11/2012, 09:15 (GMT+7)
.

Một nhà giáo ưu tú hết lòng vì sự nghiệp “trồng người”

26 năm gắn bó với ngành Giáo dục, trong đó có 14 năm trực tiếp giảng dạy, 6 năm làm Tổng phụ trách Đội và 6 năm làm cán bộ quản lý, ở cương vị nào cô cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, được đồng nghiệp, bạn bè tin cậy, quý mến. Đó là cô Huỳnh Thị Thanh Hồng, hiện là Hiệu phó trường THCS Hòa Khánh, huyện Cái Bè.

NGƯỜI GIÁO VIÊN CẦN MẪN

Năm 1986, tốt nghiệp Cao đẳng Sư phạm Khoa Lịch sử trường Cao đẳng Sư phạm Tiền Giang, cô Thanh Hồng được phân công về dạy tại trường PTCS Hội Cư đến năm 1990. Sau đó chuyển sang dạy ở trường PTCS Mỹ Lợi B.

Năm sau cô lại chuyển về dạy tại trường THCS Hòa Khánh, nhưng lại dạy bậc Tiểu học. Cô còn được phân công làm Tổng phụ trách Đội hơn 6 năm. Cô cho biết: “Dù dạy ở trường nào, bậc học nào, cô đều cố gắng hoàn thành nhiệm vụ; truyền đạt kiến thức đến cho các em học sinh thân yêu”.

Cô Thanh Hồng quan niệm, khoa học ngày càng phát triển, nếu mình không học thêm kiến thức chuyên môn thì đến một thời điểm nào đó sẽ bị lạc hậu, ngay cách giảng dạy cũng phải luôn đổi mới. Vì vậy, năm 1996 cô tiếp tục theo học đại học. Năm học 1998-1999, cô xuất sắc vượt qua kỳ thi để được công nhận là giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh.

Với những tiết học sinh động, dể hiểu, cô đã tạo được sự hấp dẫn, đam mê học Sử từ các em học sinh. Trong những tiết dự giờ, hoặc thầy cô nào đó đi ngang lớp cô đang dạy thì đều nói rằng: Không thể tìm được học sinh nào nói chuyện khi tiết học Sử của cô Hồng đang diễn ra.

Để có được những tiết học như vậy, cô tâm đắc cho biết: “Với tình hình chung là học sinh rất “ngán” học Sử, vì thế người giáo viên phải có phương pháp giảng giải cho phù hợp, tạo được sự hấp dẫn, hứng thú cho các em. Trong tiết dạy của cô, cô thường xuyên đan xen kể những câu chuyện về lịch sử, những mẫu chuyện gắn liền với bài học”.

Được biết, năm nào cô cũng viết sáng kiến kinh nghiệm và đều được đánh giá cao. Năm 2008, cô đã đạt giải B thiết bị dạy học cấp tỉnh, với sản phẩm: Tư liệu soạn giảng cho bộ môn Lịch sử lớp 9, phục vụ tốt cho công tác giảng dạy của các thầy cô trong trường.

Ngoài việc giảng dạy chuyên môn, cô còn dành nhiều thời gian rèn luyện đạo đức cho học sinh, nhất là học sinh cá biệt. Đối với học sinh mắc sai phạm, cô nhẹ nhàng nhắc nhở, giải thích tận tình để các em nhận ra khuyết điểm; đồng thời động viên trước lớp khi các em này có biểu hiện tiến bộ.

Bên cạnh đó, cô còn phối hợp với giáo viên dạy năm học trước, các giáo viên bộ môn, tổ chức Đoàn, Đội và gia đình các em này để tìm hiểu rõ hơn những nguyên nhân làm cho các em chưa ngoan, từ đó đề ra giải pháp tác động giúp các em chuyển biến dần. Nhờ vậy, các lớp do cô làm chủ nhiệm, dù có học sinh cá biệt, chưa ngoan, nhưng đến cuối năm học các em này đều có đạo đức khá tốt.

Bên cạnh hoàn thành tốt công tác giảng dạy, cô còn tích cực tham gia các hoạt động của trường và có nhiều ý kiến quan trọng. Cô Hồng từng làm Chủ tịch Công đoàn 7 năm. Tham gia thi kể chuyện tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.

NGƯỜI HIỆU PHÓ GƯƠNG MẪU

Năm 2006, cô Hồng được đề cử làm hiệu phó. Với cương vị quản lý cô lại càng ra sức phấn đấu. Xác định việc nâng cao chất lượng giáo dục là nhiệm vụ quan trọng của nhà trường. Thời gian qua, cô đã cùng với Ban Giám hiệu nhà trường bám sát các hướng dẫn của cấp trên, xây dựng và chỉ đạo thực hiện tốt các kế hoạch về giáo dục; tăng cường thanh tra, kiểm tra; có cơ chế động viên, khen thưởng kịp thời, tạo điều kiện để đội ngũ giáo viên được bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ; thúc đẩy niềm say mê học tập của học sinh.

Nhờ triển khai nhiều biện pháp thiết thực, hiệu quả nên chất lượng giáo dục toàn diện của nhà trường đã được giữ vững và ngày càng đạt được nhiều kết quả nổi bật, xứng đáng là lá cờ đầu của huyện. Tỷ lệ học sinh xếp loại khá, giỏi của trường không ngừng tăng theo hàng năm. Tỷ lệ học sinh lên lớp hàng năm trên 90%.

Bằng sự năng động, sáng tạo của mình, cô đã cùng tập thể nhà trường huy động được nhiều nguồn vốn hỗ trợ từ ngân sách và xã hội hóa giáo dục để nâng cấp cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, tạo điều kiện tốt nhất cho cán bộ, giáo viên học sinh nhà trường nghiên cứu, học tập.

Ngoài nhiệm vụ chuyên môn, với cương vị quản lý, cô luôn hòa đồng, gần gũi với giáo viên và học sinh trong trường. Cô cho biết: “Những lúc cô sắp xếp thời khóa biểu là cực nhất. Phải cân nhắc nguyện vọng, điều kiện của từng giáo viên mà sắp xếp cho phù hợp”. Vì thế mà cô Hồng đã tạo được lòng tin, sự yêu mến, tôn trọng từ đội ngũ giáo viên của trường.

Với những đóng góp của mình cho sự nghiệp “trồng người”, nhiều năm liền cô đã nhận được bằng khen, giấy khen của các cấp, ngành, tỉnh trao tặng, điển hình như: Tổng phụ trách Đội giỏi; cán bộ Công đoàn xuất sắc; danh hiệu giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh, chiến sĩ thi đua các cấp; giấy chứng nhận “Giỏi việc trường, đảm việc nhà”; nhiều sáng kiến nghiên cứu khoa học đạt cấp tỉnh…

Đặc biệt năm 2011, cô vinh dự được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ và năm nay cô Huỳnh Thị Thanh Hồng xứng đáng được phong tặng danh hiệu Nhà giáo Ưu tú.

P. MAI

.
.
.