Quan tâm hơn đối với giáo dục và giáo viên vùng khó khăn
Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân khẳng định: Chính phủ sẽ tiếp tục hỗ trợ cho ngành giáo dục vì thế hệ tương lai của đất nước, đồng thời yêu cầu chính quyền các cấp cần quan tâm đầu tư hơn nữa cho giáo dục, nhất là các vùng miền núi, vùng hải đảo.
Tại lễ gặp mặt, biểu dương 128 nữ nhà giáo tiêu biểu đang công tác tại biên giới, hải đảo, vùng cao, vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức vào ngày 9-11 tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân đã nhiệt liệt biểu dương những công lao đóng góp của các nữ nhà giáo đang công tác tại các vùng khó khăn.
Phó Thủ tướng khẳng định giáo dục và đào tạo ở vùng khó khăn luôn được Đảng, Nhà nước, Bộ Giáo dục và Đào tạo, nhân dân quan tâm, đầu tư phát triển. Dù phía trước vẫn còn nhiều khó khăn và thử thách, song Phó Thủ tướng mong rằng, bằng nghị lực, lòng yêu nghề và vì học sinh thân yêu, các cô tiếp tục bám trường, bám lớp.
Những lớp học được tổ chức ở Trường Sa, Phú Quốc, Thổ Chu... không chỉ đơn thuần là giáo dục mà còn khẳng định chủ quyền quốc gia. Ảnh: Phùng Long |
Những lớp học được các cô tổ chức ở những bản, phum, sóc..., những lớp học được tổ chức ở đảo Cô Tô, Cát Bà, Lý Sơn, Côn Đảo, Trường Sa, Phú Quốc, Thổ Chu không chỉ đơn thuần là giáo dục mà còn khẳng định đây là chủ quyền của quốc gia. Bởi ở đó mỗi khi bình minh là Quốc ca của nước nhà được vang lên qua tiếng hát trẻ thơ và Quốc kỳ của đất nước được tung bay trong ánh mắt của mỗi em.
Phó Thủ tướng khẳng định, mỗi cô giáo là một tấm gương tiêu biểu của nền giáo dục Việt Nam. Phó Thủ tướng bày tỏ sự xúc động trước tấm lòng, công sức của các nữ nhà giáo, bày tỏ sự chia sẻ với những khó khăn mà không ít cô giáo đã cống hiến, hy sinh cả tuổi thanh xuân, bằng sức lực của minh, bám trường bám lớp, góp phần thúc đẩy sự nghiệp trồng người.
Những năm gần đây, trong điều kiện kinh tế còn khó khăn, Đảng, Chính phủ đã quyết tâm triển khai một số chính sách mới nhằm hỗ trợ điều kiện giảng dạy và học tập tại các vùng khó khăn như xây nhà công vụ cho giáo viên; chương trình kiên cố hóa trường lớp; ban hành chính sách phụ cấp thâm niên cho nhà giáo...
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận cho biết, hiện đội ngũ nhà giáo Việt Nam có khoảng 1,3 triệu người, trong đó có hơn 800.000 nữ nhà giáo và hơn 150.000 người đang công tác tại các xã vùng cao, miền núi và bãi ngang – những nơi đặc biệt khó khăn của đất nước.
Bộ trưởng nhấn mạnh các cô không chỉ đơn thuần là người dạy chữ mà còn là người tuyên truyền đường lối của Đảng, chủ trương của Nhà nước đến với bà con, là nhịp cầu văn hóa đến với người dân bản địa. Bộ trưởng mong muốn, các cô tiếp tục cố gắng, nỗ lực hơn nữa để vượt qua những khó khăn, thách thức để cống hiến sức lực và trí tuệ cho nền Giáo dục và Đào tạo nước nhà.
(Theo Vietnamplus)