Rà soát trình độ năng lực giảng viên ngoại ngữ
Trong tháng 11-2012, Bộ Giáo dục & Đào tạo (GD&ĐT) sẽ tổ chức rà soát trình độ năng lực của đội ngũ giảng viên ngoại ngữ (trước mắt là giảng viên dạy Tiếng Anh). Trên cơ sở kết quả khảo sát này, các đơn vị xây dựng và triển khai việc quy hoạch, kế hoạch tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giảng viên Tiếng Anh đảm bảo đạt chuẩn năng lực theo quy định.
Ảnh: dgtd.vn |
Đó là một trong những nội dung đáng chú ý trong hướng dẫn thực hiện kế hoạch triển khai Đề án ngoại ngữ Quốc gia 2020 trong các cơ sở giáo dục đại học (ĐH) mà Bộ GD&ĐT vừa ban hành.
Cùng với công việc nói trên, Bộ GD&ĐT đề nghị các cơ sở giáo dục ĐH thành lập Ban chỉ đạo triển khai Đề án ngoại ngữ Quốc gia 2020 của đơn vị mình, xây dựng kế hoạch tổng thể triển khai dạy và học ngoại ngữ đến năm 2020.
Trong kế hoạch cần đánh giá hiện trạng dạy và học ngoại ngữ của đơn vị (số liệu sinh viên, đội ngũ giáo viên, chương trình giáo trình, trang thiết dạy và học ngoại ngữ...), mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp và lộ trình thực hiện kế hoạch theo từng giai đoạn 2012-2015 và 2016-2020.
Bộ GD&ĐT sẽ hỗ trợ kinh phí cho các trường ĐH để bồi dưỡng ngắn hạn (dưới 3 tháng) và dài hạn (từ 6 tháng – 1 năm) ở nước ngoài dành cho đội ngũ giảng viên Tiếng Anh cốt cán.
Bộ GD&ĐT cũng sẽ hỗ trợ thành lập các Trung tâm ngoại ngữ xuất sắc (trước mắt tại Đại học Thái Nguyên, Đại học Ngoại ngữ - Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Ngoại ngữ - Đại học Huế, Đại học Ngoại ngữ - Đại học Đà Nẵng, Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh) nhằm tăng cường năng lực nghiên cứu, đổi mới phương pháp giảng dạy, ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy và học ngoại ngữ.
Bộ GD&ĐT đề nghị các trường trên xây dựng đề án thành lập Trung tâm ngoại ngữ xuất sắc trình Bộ phê duyệt để triển khai thực hiện (thời gian thực hiện quý IV năm 2012).
Với các đơn vị có đủ điều kiện về chương trình, đội ngũ giảng viên cần chủ động xây dựng kế hoạch triển khai dạy một số môn học bằng Tiếng Anh trong chương trình đào tạo của một số ngành (trước mắt tập trung vào các ngành Công nghệ thông tin, Quản trị kinh doanh, Tài chính – Ngân hàng và Du lịch và các ngành trọng điểm của trường).
Trong kế hoạch cần nêu rõ đội ngũ giảng viên tham gia đào tạo, cách thức tổ chức đào tạo, thu học phí, thời điểm triển khai đào tạo, lộ trình thực hiện và báo cáo Bộ GD&ĐT.
Năm 2012, Bộ GD&ĐT sẽ ban hành Chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm ngoại ngữ cho giảng viên các trường ĐH, CĐ và giao nhiệm vụ bồi dưỡng chương trình này cho một số cơ sở giáo dục đủ điều kiện thực hiện.
Đề nghị các đơn vị lập kế hoạch cử các giảng viên ngành Tiếng Anh chưa qua đào tạo nghiệp vụ sư phạm ngoại ngữ tham gia các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm ngoại ngữ do các cơ sở giáo dục được Bộ GD&ĐT giao nhiệm vụ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm ngoại ngữ để đảm bảo giảng viên đạt chuẩn trong đơn vị mình.
(Theo gdtd.vn)