Rạng ngời truyền thống Nhà giáo Việt Nam
Từ xa xưa, ông cha ta đã quan niệm “Hiền tài là nguyên khí quốc gia”. Vì vậy, trong tiến trình dựng nước và giữ nước, ông cha ta thường xuyên chăm lo việc đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài cho đất nước và đặc biệt luôn trọng dụng các bậc hiền tài, anh hùng, hào kiệt, coi đó là tinh hoa của dân tộc, trụ cột của nước nhà.
Cô giáo như mẹ hiền. Ảnh: Ngô Viết Ngọc |
Bác Hồ lúc sinh thời rất quý trọng và vinh danh các nhà giáo, Người nói: “Người thầy giáo tốt - xứng đáng là thầy giáo là người vẻ vang nhất…”. Thủ tướng Phạm Văn Đồng cũng đã từng nói: “Nghề thầy giáo là nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý, nghề sáng tạo nhất trong những nghề sáng tạo”.
Để thực hiện điều đó, biết bao thế hệ nhà giáo Việt Nam đã nỗ lực không ngừng đóng góp công sức, trí tuệ cho sứ mệnh nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài cho đất nước.
Qua đó, các thế hệ nhà giáo đã tạo dựng nên những truyền thống tốt đẹp của nhà giáo Việt Nam đó là: Nhà giáo Việt Nam có lòng yêu nước nồng nàn, có cuộc sống thanh bạch, liêm khiết, không màng danh lợi, luôn gắn bó với sự nghiệp trồng người, tận tụy hy sinh, sống gần gũi với dân, có mối quan hệ mật thiết với dân…
Lịch sử dân tộc Việt Nam có hàng trăm nhà giáo ưu tú được ghi vào sử sách tiêu biểu như: Nhà giáo Chu Văn An (1292 – 1370), là người học rộng tài cao, công tâm, liêm khiết, là ngôi sao sáng của nền giáo dục đời Trần. Nhà giáo Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491 – 1585) là ẩn sĩ, là nhà sư phạm tài năng, đức độ thời Lê Trung Hưng.
Nhà giáo Nguyễn Bỉnh Khiêm đã dành hơn nửa đời người của mình để đào tạo nhiều nhân tài cho đất nước. Nhà giáo Lê Quý Đôn (1726 – 1784) là nhà chính trị, nhà giáo có tài học uyên thâm, am hiểu nhiều lĩnh vực triết học, chính trị, khoa học, lịch sử, địa lý, ngôn ngữ, văn học… Ông đã để lại cho đời sau hàng trăm tác phẩm các loại và đào tạo nhiều nhân tài cho đất nước.
Nhà giáo Nguyễn Đình Chiểu (1822 – 1888) là nhà thơ, nhà giáo hết lòng yêu nước, thương dân. Ông là ngôi sao sáng của dòng văn học chống Pháp nửa sau thế kỷ XIX. Nhà giáo Nguyễn Tất Thành (1890 – 1969), Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu, là Anh hùng giải phóng dân tộc, là Danh nhân Văn hóa thế giới.
Đoàn học sinh và giáo viên trường THPT Nguyễn Đình Chiểu - Mỹ Tho dâng hương trước bàn thờ cụ Nguyễn Đình Chiểu tại Ba Tri, Bến Tre vào ngày 17-3-2012. Ảnh: Vũ Phượng |
Ở Tiền Giang, trải qua quá trình khai phá vùng đất mới phương Nam đầy khó khăn, gian khổ, sự nghiệp giáo dục và các thế hệ thầy đồ, thầy giáo ở Tiền Giang đã được hình thành, kế thừa và phát huy những truyền thống tốt đẹp của nhà giáo Việt Nam.
Trong quá trình đó, nhiều người thầy ưu tú với chữ "Tâm" trong sáng đã tự nguyện gắn bó cuộc đời mình với nghề thầy và làm người thầy trong xã hội. Hầu hết những người thầy đã sống thanh bạch và tự hào với cuộc đời thanh bạch ấy.
Người thầy luôn sống gần dân, hiểu dân, sướng khổ, no đói cùng với dân. Họ là người nghèo tiền nhưng giàu tình cảm. Niềm vui của người thầy là chỉ cần được chứng kiến các thế hệ học trò của mình qua dạy dỗ đã trưởng thành. Hạnh phúc lớn nhất của người thầy là nhận được sự tin yêu, sự kính trọng của nhân dân.
Người thầy ở Tiền Giang có lòng yêu nước, thương dân, chăm lo phát triển sự nghiệp giáo dục cho dân. Qua hai cuộc kháng chiến, Nhà giáo Tiền Giang không bị khuất phục trước kẻ thù xâm lược. Họ luôn đứng về lập trường của dân tộc, ý nguyện của nhân dân dù phải bị tù đày, thậm chí hy sinh cả tính mạng cũng không nề hà. Trong quá trình đó, nhiều Nhà giáo ở Tiền Giang đã thể hiện tài năng, đức độ, tấm lòng trung với nước, hiếu với dân và chăm lo sự nghiệp giáo dục.
Nhà giáo Phạm Đăng Long (1740 – 1808), một nhà sư phạm tài ba chẳng những dạy dỗ học trò của mình nên danh, hiển đạt mà còn chỉ dạy con cháu trong gia đình công thành, danh toại. Nhà giáo Nguyễn Hữu Huân (1830 – 1875), một sĩ phu yêu nước, một nhà Nho, nhà giáo học rộng, tài cao, luôn đứng về phía lập trường dân tộc, bỏ ngoài tai những những lời dụ dỗ danh lợi của kẻ thù, bền chí chống Pháp cho đến hơi thở cuối cùng.
Nhà giáo Phan Lương Trực, nhà giáo Lê Văn Phi Líp đã anh dũng hy sinh trong những năm đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp (năm 1945, 1946). Nhà giáo Phạm Văn Út, Trưởng Tiểu ban Giáo dục Trung Nam bộ; nhà giáo Nguyễn Văn Sinh, Trưởng Tiểu ban giáo dục Mỹ Tho; nhà giáo Nguyễn Nhựt Ánh, Phó Trưởng Tiểu ban Giáo dục Mỹ Tho đã anh dũng hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ.
Nhà giáo ưu tú Hoàng Khánh Thu, nguyên Phó Trưởng Ty Giáo dục tỉnh Mỹ Tho thời kháng chiến chống Pháp đã không màng tiền bạc, danh lợi vào Nam ra Bắc tham gia công tác giáo dục khắp các miền của đất nước cho đến cuối đời.
Nhà giáo Phạm Văn Kim, nguyên Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Tiền Giang suốt đời đã hết lòng hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân và sự nghiệp giáo dục. Nhà giáo Hồ Quang Ân, nguyên Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Tiền Giang là một tấm gương thanh bạch, liêm khiết tiêu biểu trong ngành…
Ngày nay, tiếp tục phát huy truyền thống Nhà giáo Việt Nam, ngành Giáo dục Tiền Giang còn có hơn 50 nhà giáo ưu tú, hàng trăm nhà giáo tiêu biểu trong các phong trào thi đua và thực hiện các cuộc vận động lớn trong ngành. Chắc chắn rằng, trong những lần kỷ niệm 40 năm, 50 năm ngày Nhà giáo Việt Nam, chúng ta sẽ ngày càng có thêm nhiều nhà giáo nhân dân, nhà giáo ưu tú với nhiều tấm gương tiêu biểu.
Truyền thống nhà giáo Việt Nam mãi mãi sẽ là những giá trị vô giá, hun đúc các thế hệ thầy cô giáo luôn phấn đấu trở thành người thầy chân chính trong xã hội.
Tuy vậy, hiện nay ngành Giáo dục cũng đang đứng trước các thử thách khá gay gắt trong xây dựng đội ngũ nhà giáo như vấn nạn dạy thêm học thêm, dạy và học thiếu sáng tạo, chất lượng giáo dục không toàn diện, xa rời thực tế cuộc sống.
Nền giáo dục cần phải đổi mới căn bản và toàn diện. Để vượt qua các thách thức nói trên, mỗi thầy cô giáo cần phải tự hoàn thiện mình về đạo đức, tự học và sáng tạo. Nhà nước cũng cần phải có chính sách để trong các thời kỳ kinh tế, xã hội khác nhau, nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục luôn sống được bằng chính đồng lương của mình.
TS. PHẠM VĂN KHANH
(Phó Giám đốc Sở GD-ĐT)