TS. Trần Thanh Đức: Vượt qua áp lực để khẳng định vị thế nhà giáo
Bao đời nay xã hội luôn hướng về nhà giáo với thiên chức quý trọng. Thế nhưng hình ảnh thầy cô giáo vẫn còn đọng lại những ray rứt, nhất là trước những áp lực của xã hội hiện tại. Với trọng trách là người đứng đầu ngành Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT), Nhà giáo ưu tú, TS. Trần Thanh Đức (ảnh), Giám đốc Sở GD-ĐT chia sẻ:
Nhiều năm qua, ngành đang theo đuổi nền giáo dục có chất lượng thật sự, chỉ chú trọng chất lượng chứ không chạy theo số lượng hay thành tích; đề cao tính trung thực, kiên quyết không gian dối trong kiểm tra, thi cử. Chất lượng dạy và học từ đó được nâng dần lên theo từng năm.
Những gì ngành đã đạt được trong năm qua chính là bằng chứng cho thấy điều đó. Cụ thể, trong nhiều năm qua, Tiền Giang nằm trong tốp đầu của các tỉnh khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và xếp hạng 18 trong cả nước. So với các nơi thì vị thế giáo dục của Tiền Giang thuộc các tỉnh có uy tín trong cả nước.
Ngành cũng đã tập trung đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, trong dạy và học. So với các tỉnh khác thì chúng ta thuộc diện các tỉnh đã đầu tư khá mạnh cho việc này.
Cơ sở vật chất được đầu tư mạnh, không chỉ phục vụ cho việc học mà còn phát triển để phục vụ giáo dục thể chất, phát triển năng khiếu của người học. Ngành cũng quan tâm mục tiêu giáo dục toàn diện, nhằm phát huy các thế mạnh của học sinh, giúp học sinh phát triển toàn diện và phát huy thế mạnh ở tất cả các mặt.
Phóng viên (PV): Vấn đề đạo đức nghề giáo hiện đang được nhiều người quan tâm. Đơn cử có nhiều trường hợp giáo viên o ép, thiên vị học sinh hoặc dùng những biện pháp giáo dục phản sư phạm. Tiến sĩ nghĩ sao về vấn đề này?
TS. Trần Thanh Đức: Trước tiên, tôi khẳng định vấn đề này là có. Chúng ta cũng đã từng được biết qua các phương tiện thông tin đại chúng. Phụ huynh học sinh cũng có phản ánh về việc thầy, cô không làm trọn vẹn thiên chức, chưa thật sự là một tấm gương cho học sinh noi theo. Nhiều giáo viên cũng thực hiện chưa đúng quy trình sư phạm trong nhà trường.
Tuy nhiên, chúng ta vẫn phải nhìn nhận vấn đề này ở một góc độ khác. Trước hết, chúng ta phải nhìn nhận rằng lao động của nhà giáo hiện đang gánh chịu sự gia tăng về cường độ. Cùng với áp lực đó còn có áp lực về thái độ học sinh. Một số thầy cô vì không vượt qua được áp lực ấy nên đã vi phạm đạo đức nghề nghiệp.
Ngoài ra, còn một số vấn đề khác cũng ảnh hưởng không nhỏ đến việc các thầy cô vi phạm đạo đức nghề nghiệp như: Ngành không tuyển được những người thật sự yêu nghề; vấn đề đào tạo giáo viên chưa được hoàn chỉnh, giáo viên chưa được trang bị đầy đủ về chuẩn mực đạo đức cũng như kỹ năng nghề nghiệp; áp lực về vật chất, tiền bạc cũng ảnh hưởng không nhỏ đến thầy, cô khi sống giữa thời buổi kinh tế thị trường…
Vì vậy, muốn tránh khỏi những vấn đề này, tất cả chúng ta cần phải chung tay. Đặc biệt là các thầy, cô giáo cần phải xác định được và giữ vững vai trò, vị trí của mình, tránh bị ảnh hưởng hay tác động bởi hoàn cảnh; cần thông hiểu học sinh, từ sức học, tâm tư, tình cảm của các em, không để vì không thông hiểu các em mà có những hành động, cử chỉ vi phạm quy trình sư phạm cũng như đạo đức nghề nghiệp.
Các thầy cô cũng cần thông qua các hoạt động chuyên môn để phát huy nhân cách và năng lực của học sinh. Người thầy phải biết chủ động, giữ vai trò tích cực trong việc dạy và học để tránh áp lực…
Ảnh: Ngô Viết Ngọc |
PV: Kỷ niệm 30 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam năm nay, thông điệp của người đứng đầu ngành GD-ĐT tỉnh nhà muốn gửi đến thầy cô giáo là gì?
TS. Trần Thanh Đức: Trong những năm qua, ngành đã có những thành tích đáng tự hào. Thành tích này có một phần đóng góp không nhỏ của các nhà quản lý; đặc biệt là các thầy, cô - những người gắn bó với sự nghiệp giáo dục. Tôi rất tự hào về đội ngũ nhà giáo tỉnh nhà, đặc biệt là những người giỏi, tâm huyết với nghề.
Nhân ngày 20-11, ngày của các thầy, cô giáo tôi xin gửi lời chúc sức khỏe đến các nhà giáo nhân dân, các nhà giáo ưu tú, các thầy cô giáo của ngành Giáo dục tỉnh nhà - những người đã có nhiều đóng góp cho sự nghiệp giáo dục. Mong rằng các thầy cô sẽ mãi yêu nghề, luôn là niềm tự hào của ngành và là niềm tin của xã hội, của các thế hệ học sinh.
PV: Xin cảm ơn Tiến sĩ!
MINH CHÂU (thực hiện)