Thầy Ba Vân sáng trong đức độ nhà giáo
Là một trong hai người thầy đầu tiên trong lịch sử hình thành của Trường THPT Chợ Gạo, thầy Nguyễn Văn Vân sinh năm 1931, quê xã Đăng Hưng Phước (Chợ Gạo) giỏi tiếng Pháp, chữ Nho. Thầy là tấm gương tiêu biểu về tinh thần tự học, thi đậu bằng Diplome, học Berevet Premier Cycle (trung học Pháp), đậu Cử nhân Văn khoa xuất sắc…; đồng thời là một nhà giáo tận tụy, yêu nghề.
Hiện gia đình thầy là một địa chỉ từ thiện.
Vợ chồng thầy Nguyễn Văn Vân. |
CHUYỆN XƯA, CHUYỆN NAY
Ai từng là học trò Trường THPT Chợ Gạo vào đầu thập niên 90 có lẽ không quên hình ảnh một người thầy giáo già, dáng gầy gầy, tóc trắng, với chiếc xe cũ kỹ treo lỉnh kỉnh túi xách, thùng nhựa đến trường.
Đứng trên bục giảng, thầy không cầm giáo án mà vẫn giảng dạy vanh vách bằng tiếng Pháp. Tan trường, thầy Vân lại hối hả đạp xe đến hãng nước mắm để chở về nhà bán lẻ. Hoàn cảnh khó khăn phải phụ vợ tất bật mưu sinh nhưng thầy vẫn vui vẻ sống với nghề đến ngày về hưu.
Hồi ấy, chiến tranh liên miên, vì thương con ham học nên ba má của thầy đã gởi con lên Sài Gòn tìm cái chữ, được nhận bằng Diplome (Pháp - Việt) loại giỏi.
Để tránh bị bắt lính, thầy về quê (xã Đăng Hưng Phước) dạy tiểu học, bắt đầu “nghiệp bảng đen, phấn trắng”. Vừa dạy, thầy vừa tự học. Thầy chia sẻ: “Lần thi lấy bằng cử nhân (năm 1964), thầy phụ trách môn vấn đáp bảo rằng: Chiến tranh như vầy biết sống chết ra sao mà thi cử làm chi cho cực?”. Thầy Vân vẫn không nản chí và đã thành công.
Cuộc đời của nhà giáo này cũng bước qua nhiều thăng trầm của lịch sử ngành Sư phạm tỉnh nhà, thầy dạy cả 3 cấp: cấp 1 (Tiểu học), cấp II (Trung học cơ sở) rồi cấp III (Trung học phổ thông).
Nhà giáo Ưu tú Nguyễn Phú Cường, Hiệu trưởng Trường THPT Chợ Gạo kể rằng: “Hồi Trường THPT Chợ Gạo mới thành lập, thầy Vân là 1 trong 2 người thầy đầu tiên về giảng dạy tại đây. Thầy Vân dạy tiếng Pháp kiêm Tổng Giám thị (ngang với Hiệu phó bây giờ). Thầy dạy giỏi và rất nghiêm khắc với những học sinh ngỗ nghịch. Thầy Vân có công rất lớn trong việc vận động các nhà hảo tâm xây dựng trường và tôi đã từng là học sinh học môn tiếng Pháp của thầy Vân...”.
Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, thầy được điều về Trường THPT Đốc Binh Kiều (Cai Lậy). Suốt mấy năm đi - về với chiếc xe đạp cũ, thầy đi dạy từ khuya và quay về khi đường phố đã lên đèn. Sau đó thầy được chuyển về dạy ở xã Bình Phục Nhứt (Chợ Gạo). Hồi ấy, đường đất nhỏ hẹp, mưa phải đi bộ rất xa, thế nhưng hàng ngày thầy vẫn đều đặn đến trường.
Những năm đó, gánh nặng gia đình chồng lên đôi vai của vợ thầy là cô Nguyễn Thị Thắng (sinh năm 1935). Có lúc cô không muốn thầy đi dạy tiếp, nhưng nghĩ đến những mái đầu xanh thơ ngây đang cần kiến thức, thầy không nỡ.
Thầy Vân tâm sự: “Vất vả mà đồng lương chẳng bao nhiêu, có lúc phải khều vợ xin tiền, nghĩ cũng xót xa, nhất là khi phong trào tín dụng lãi suất cao, không ít giáo viên xin nghỉ để lãnh tiền trợ cấp đưa vào tín dụng. Sau này, thầy trở về Trường THPT Chợ Gạo, nhiều học trò cũ trở thành đồng nghiệp và lên làm cán bộ quản lý khiến thầy rất vui vì học trò của mình đã trưởng thành và thành đạt…”.
THANH BẠCH TUỔI XẾ CHIỀU
Suốt hơn 30 năm đứng trên bục giảng, thầy không có gì ngoài tấm Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp Giáo dục - Đào tạo” và niềm tự hào là 4 cô con gái đều theo nghiệp của thầy: Cô Hoàng Nga (nguyên là giáo viên Trường THPT Chợ Gạo), cô Phương Thoa (Trường THCS Học Lạc), Kiều Nga (Trường Đại học Tiền Giang) và Anh Thoa (Trường THCS Cái Bè).
Rời bục giảng, thầy làm công việc từ thiện, kết hợp với Hội Từ thiện Hopetoday (Hoa Kỳ) mỗi năm thầy xin tài trợ trên 30 triệu đồng. Số tiền này thầy cùng bạn bè liên hệ một số trường để cấp học bổng cho học sinh nghèo, trong đó có Trường THPT Chợ Gạo và giúp đỡ người nghèo, tàn tật, neo đơn.
Có lẽ nhờ sống đẹp với cái tâm trong sáng mà đã ngoài tám mươi tuổi thầy vẫn còn mạnh khỏe, minh mẫn. Thầy và cô đang vui tuổi già trong một căn hộ ở khu phố 4, phường 8, TP. Mỹ Tho. Thầy nói: Cố gắng sống tốt đến hơi thở cuối cùng!
Nhà giáo Ưu tú Nguyễn Phú Cường cho biết thêm: “Khi trở thành giáo viên dạy chung với thầy Vân, tôi mới thật sự hiểu thêm: Thầy Vân nghiêm khắc nhưng rất tình cảm và có lòng tự trọng. Tôi nể phục tấm gương vượt khó, tự học của thầy Vân cũng như trái tim yêu nghề của thầy. Thầy Vân sống giản dị, bình dân và làm nhiều việc thiện. Đó là tấm gương tiêu biểu mà bao thế hệ học trò luôn noi theo và nhớ đến thầy!…”.
NGỌC LỆ