Thầy giáo làng "truyền lửa" tình yêu Hoàng Sa cho học sinh
32 năm đứng trên bục giảng, thầy Nguyễn Văn Vàng ở huyện Mộ Đức (tỉnh Quảng Ngãi) đã sưu tầm nhiều tư liệu quý và truyền cho học sinh niềm tự hào lịch sử dân tộc, ý thức về chủ quyền biển đảo Hoàng Sa, Trường Sa.
Vừa trở về từ huyện đảo Lý Sơn, thầy giáo môn Lịch sử của trường THCS Đức Chánh (huyện Mộ Đức) Nguyễn Văn Vàng cho biết rất vui vì sưu tầm được nhiều tư liệu quý về Hải đội Hoàng Sa. Hình ảnh đội hùng binh Hoàng Sa năm xưa vì thế sẽ trở nên sống động trong giờ học lịch sử "Nhân dân Quảng Ngãi với quần đảo Hoàng Sa" của thầy.
Thầy Vàng kể, đầu năm 2007, từ chủ trương của Bộ GD&ĐT, Phòng Giáo dục huyện Mộ Đức giao cho ông và một số giáo viên soạn tài liệu môn Lịch sử cho bậc THCS về chủ quyền biển đảo. Sau nhiều đêm trằn trọc, cuối cùng các giáo viên quyết định chọn bài giảng "Nhân dân Quảng Ngãi với quần đảo Hoàng Sa".
Thầy Vàng đang say sưa "truyền lửa" tình yêu biển đảo Hoàng Sa, Trường Sa cho học sinh trường THCS Đức Chánh. Ảnh: Trí Tín |
Sau khi lập chương trình cơ bản, từ huyện Mộ Đức thầy Vàng đến Bảo tàng Tổng hợp, rồi đến Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy nhờ các nhân viên ở bộ phận nghiên cứu lịch sử Đảng địa phương giúp đỡ. "Nghe tôi trình bày, các anh lần lượt giới thiệu Dư địa chí tỉnh Quảng Ngãi, Phủ Biên Tạp Lục của Lê Quý Đôn, Tập san Sử Địa cùng một số tài liệu mới về biển Đông đều khẳng định rõ ràng Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam", thầy giáo Vàng kể.
Không chỉ sưu tầm tài liệu về chủ quyền biển đảo ở bảo tàng, thư viện, các nhà sách, thầy Vàng còn có nhiều chuyến ra đảo Lý Sơn để thu thập thêm tư liệu quý từ các tộc họ. Trong số đó có tờ lệnh quý Hoàng Sa do gia tộc họ Đặng ở xã An Hải, huyện đảo Lý Sơn truyền đời suốt 175 năm. Tờ lệnh là công lệnh của quan tỉnh Quảng Ngãi cấp đầu tiên cho ông Đặng Văn Siểm và ông Dương Văn Định, ghi rõ ngày 15-4 năm Minh Mạng thứ 15 (1834) phái đội thuyền 3 chiếc ra canh giữ đảo Hoàng Sa...
Thầy cũng say sưa ghi chép tỉ mỉ những câu ca tri ân đội hùng binh Hoàng Sa, như: "Những chiến sĩ tuân lệnh triều đình bảo vệ biên phòng lãnh hải trên quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa đã liều thân vì Tổ quốc. Sắt son một lòng ngang dọc chí nam nhi. Phong ba dồi dập, tuyết sương chẳng quản, mưa gió chẳng sờn, thề quyết bảo vệ biên cương bờ cõi...."
Sau nhiều năm cất công sưu tầm, thầy Vàng hoàn thành tập tài liệu soạn giảng bằng bản chép tay, đem đánh máy, scan hình ảnh đến 63 trang giấy, trong đó có bài “Nhân dân Quảng Ngãi với đảo Hoàng Sa” được soạn công phu, kèm tư liệu và hình ảnh minh họa.
Tháng 1-2008, tại Trường THCS Đức Chánh, Phòng Giáo dục huyện tổ chức cho giáo viên dạy Sử cùng Ban Tuyên giáo Huyện ủy góp ý để thầy Vàng bổ sung, hiệu chỉnh. Đến tháng 11-2008, tài liệu bài giảng được thẩm định xong, Phòng Giáo dục Mộ Đức tổ chức cho giáo viên Sử ở 15 trường THCS của huyện nghe thầy Vàng báo cáo về chương trình lịch sử địa phương.
Cuối năm 2011, Sở GD&ĐT Quảng Ngãi tổ chức biên soạn tài liệu địa phương các môn Văn, Sử, Địa để giảng dạy ở các trường phổ thông. Thầy Vàng lại được chọn tham gia biên soạn để dạy cho học sinh toàn tỉnh.
Ông Trần Hữu Tháp, Phó giám đốc Sở GD&ĐT Quảng Ngãi cho biết, thông qua bài giảng về biển đảo, thầy Vàng đã cung cấp những cứ liệu mang giá trị lịch sử to lớn, lập luận chặt chẽ, bằng chứng sống động khẳng định chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam. "Bài giảng không chỉ có giá trị giáo dục tình yêu lịch sử dân tộc cho học sinh mà còn là nguồn tài liệu quý đối với quê hương Quảng Ngãi anh hùng”, ông Tháp nói.
Thầy Trịnh Minh Tường, Hiệu trưởng trường THCS Đức Chánh nhìn nhận, trải qua hơn 30 năm gắn bó với trường, thầy giáo Vàng luôn tâm huyết với nghề, luôn được đồng nghiệp và học sinh quý mến. Học sinh ở trường không còn chán môn Sử nữa vì những bài giảng của thầy đầy sinh động, sát với thực tế.
Còn thầy Vàng hy vọng, bài giảng không chỉ "truyền lửa" tình yêu chủ quyền biển đảo Hoàng Sa, Trường Sa cho học sinh Quảng Ngãi mà sẽ trở thành bài học chung cho bậc THCS cả nước.
(Theo vnexpress)