Trường TCN KT-KT Công đoàn Tiền Giang:Đào tạo gắn liền với giải quyết việc làm
Trường Trung cấp Nghề Kinh tế - Kỹ thuật Công đoàn Tiền Giang được thành lập từ tháng 10-2010 trên cơ sở nâng cấp Trung tâm Giới thiệu việc làm Liên đoàn Lao động tỉnh Tiền Giang. Chỉ mới trải qua hai năm hoạt động, nhưng với sự nỗ lực phấn đấu và quyết tâm của tập thể nhà trường đã đạt được những kết quả đáng kể.
Trường Trung cấp Nghề Kinh tế - Kỹ thuật Công đoàn Tiền Giang thực hiện nhiệm vụ đào tạo và dạy nghề cho người lao động (từ sơ cấp đến trình độ trung cấp); dạy nghề cho lao động nông thôn, bộ đội xuất ngũ; phối hợp tập huấn an toàn bảo hộ lao động cho doanh nghiệp.
Trường còn mở các lớp ngắn hạn như: Khai báo thuế, văn thư lưu trữ, Anh văn, tin học… Liên kết với các trường đại học, cao đẳng đào tạo các lớp ngành Luật, kế toán liên thông… Tư vấn và giới thiệu việc làm cho người lao động trong nước và xuất khẩu lao động.
Học viên của trường thực hành trên các thiết bị điện. |
Theo bà Nguyễn Thị Lượng, Hiệu trưởng Trường Trung cấp Nghề Kinh tế - Kỹ thuật Công đoàn Tiền Giang, do mới thành lập nên trường cũng gặp một số khó khăn như cơ sở vật chất chưa được hoàn thiện, thiếu trang thiết bị dạy nghề, nhất là các thiết bị nghề kỹ thuật để đào tạo những ngành nghề mà xã hội cần.
Tuy nhiên, được sự quan tâm của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Ban Thường vụ Liên đoàn Lao động tỉnh và UBND tỉnh, trường đã được trang bị thêm thiết bị cho nghề trọng điểm quốc gia Quản trị mạng máy tính là 3,5 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, đội ngũ giáo viên của trường cũng còn thiếu nên trường tiếp tục tuyển dụng và đào tạo nâng cao trình độ cho đội ngũ giáo viên nhà trường. Mặc dù vậy nhưng nhà trường cũng đã cố gắng thực hiện vai trò đào tạo nghề cho công nhân, viên chức và người lao động đã mang lại những hiệu quả thiết thực.
Trong hai năm qua đào tạo được xem là nhiệm vụ chính của nhà trường. Hiện trường có hơn 600 học sinh tham gia các lớp đào tạo dài hạn như: Trung cấp nghề kế toán doanh nghiệp, liên kết với Trường Cao đẳng Nghề Kinh tế - Kỹ thuật công nghệ TP. Hồ Chí Minh mở các lớp cao đẳng kế toán; liên kết với Trường Đại học Tôn Đức Thắng mở lớp trung cấp kế toán và Đại học Quản trị kinh doanh ; liên kết Trường Đại học Trà Vinh mở lớp Đại học kế toán liên thông từ trung cấp lên đại học; liên kết với Đại học Công đoàn Việt Nam mở lớp Đại học Luật …
Trong 2 năm, trường đã tiến hành đào tạo các hệ ngắn hạn, tổ chức bồi dưỡng, tập huấn cho 3.274 học viên, trong đó có lớp sơ cấp nghề Điện lạnh cho bộ đội xuất ngũ. Riêng đào tạo nghề cho lao động nông thôn, trường đã mở được 7 lớp với 215 học viên theo học các nghề như: Cài đặt sửa chữa máy tính; trồng nấm rơm; bonsai cây kiểng…
Nhằm đáp ứng nhu cầu tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp ở các khu, cụm công nghiệp, trường còn mạnh dạn liên kết với các doanh nghiệp để tiến hành đào tạo ngành nghề theo yêu cầu. Trong năm 2012, trường đã mở được 7 lớp với 547 học viên được đào tạo nghề may giày da, huấn luyện về an toàn bảo hộ lao động, sơ cấp cứu tai nạn lao động, phòng cháy chữa cháy tại các doanh nghiệp.
Bà Nguyễn Thị Lượng cho biết: “Đây là một hướng đi mới, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là công nhân kỹ thuật tại địa phương. Đồng thời cũng là nhằm thực hiện mục tiêu đào tạo của nhà trường hiện nay là đào tạo gắn liền với giải quyết việc làm, đào tạo gắn liền với doanh nghiệp. Thực hiện hướng đào tạo này còn giải quyết được các vấn đề như doanh nghiệp khi tiếp nhận học sinh không phải đào tạo lại, nhà trường đỡ một phần kinh phí đào tạo. Mặt khác, học sinh đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp nên cũng dễ tìm việc làm hơn”.
Tư vấn và giới thiệu việc làm là một trong những nhiệm vụ hỗ trợ cho công tác đào tạo nghề mà trường đã chú trọng thực hiện. Trong năm, trường đã tư vấn nghề cho hơn 7.500 lượt học sinh, sinh viên, người lao động và 415 lượt bộ đội xuất ngũ.
Trường đã liên hệ với các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh để thu thập thông tin về tuyển dụng lao động, về việc làm theo các ngành nghề mà doanh nghiệp cần tuyển để giới thiệu cho 75 lao động tìm được việc làm ổn định. Về cung ứng lao động làm việc ở nước ngoài, trường đã giới thiệu 15 lao động sang làm việc tại Nhật Bản.
Về hiệu quả đào tạo, qua khảo sát thì đa số học viên khi ra trường đều có việc làm. Kết quả đó cho thấy trường đã cố gắng phấn đấu vượt qua khó khăn để thực hiện vai trò, nhiệm vụ của mình trong việc đào tạo nghề cho người lao động nhằm đáp ứng yêu cầu đào tạo nghề và cung ứng lao động cho các doanh nghiệp nói riêng và cho xã hội nói chung; đồng thời giúp người lao động nâng cao trình độ chuyên môn, tay nghề, có trình độ học vấn.
Từ thực tế hoạt động, trường rất cần sự hỗ trợ về nguồn nhân lực và cả kinh phí để tiếp tục đầu tư xây dựng cơ bản, trang bị thêm thiết bị dạy nghề và nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng nhu cầu tuyển dụng lao động ngày càng cao của các doanh nghiệp.
Hiện nay, trường đang tiếp tục chiêu sinh các nghề trung cấp điện công nghiệp, sơ cấp và thường xuyên mở các lớp về nghề cài đặt sửa chữa máy tính, điện lạnh...; đồng thời tiếp tục đăng ký dạy nghề cho người lao động theo nhu cầu xã hội. Đặc biệt, năm 2013 trường sẽ mở 2 nghề trọng điểm là quản trị mạng máy tính và công nghệ chế biến thực phẩm.
HỮU NGHỊ