Phát triển giáo dục đại học theo hướng nghề nghiệp ứng dụng
Ảnh minh họa. Ảnh: edunet.com.vn |
Hội nghị "Nhiệm vụ và tầm nhìn của trường đại học về giáo dục đại học theo định hướng nghề nghiệp ứng dụng tại Việt Nam" đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức ngày 21-11, tại Hà Nội.
Đây là chương trình nằm trong kế hoạch triển khai giai đoạn 2 (2012-2015) của Dự án Phát triển giáo dục đại học theo định hướng nghề nghiệp ứng dụng tại Việt Nam (POHE) được Bộ Giáo dục và Đào tạo thực hiện với sự hỗ trợ của Chính phủ Hà Lan.
Theo đó, giai đoạn 1, dự án có sự tham gia của 8 trường đại học bao gồm trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội, Đại học Nông Lâm (Đại học Huế), Đại học Sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội, trường Đại học Nông Lâm TP. Hồ Chí Minh, Đại học Nông Lâm Thái Nguyên (Đại học Thái Nguyên), Trường Đại học Sư phạm Thái Nguyên (Đại học Thái Nguyên), Đại học Vinh.
Tại thời điểm kết thúc giai đoạn 1, đã có hơn 3000 sinh viên theo học các chương trình đào tạo được thiết kế lại theo tinh thần POHE.
Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Bùi Văn Ga cho biết chất lượng đào tạo Đại học Việt Nam trong những năm qua nhìn chung còn hạn chế, kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp, năng lực thực hành của sinh viên tốt nghiệp chưa đáp ứng được yêu cầu đòi hỏi của các tổ chức sản xuất, kinh doanh và người sử dụng lao động.
Một trong những nguyên nhân quan trọng đó là thiếu gắn kết giữa giáo dục với doanh nghiệp, với thị trường lao động. Nội dung và cấu trúc chương trình đào tạo, phương pháp giảng dạy, kiểm tra đánh giá còn chưa sát thực tiễn, chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển nhanh chóng của nền kinh tế - xã hội đất nước.
Dự án POHE giai đoạn 1 đã hỗ trợ một cách cụ thể và trực tiếp vào một vấn đề thiết yếu của giáo dục Việt Nam, giúp Việt Nam có những kinh nghiệm cần thiết để thực hiện một trong những mục tiêu quan trọng đổi mới giáo dục đại học là 70%-80% tổng số sinh viên theo học các chương trình nghề nghiệp-ứng dụng trước năm 2020.
Trong giai đoạn 1, chương trình đào tạo POHE đã có được những thành tựu nổi bật như tạo được quan hệ với thị trường lao động mà đại diện là các công ty, cơ quan, viện nghiên cứu, doanh nghiệp. Các quan hệ này được củng cố và mở rộng thông qua các hội đồng chương trình, xây dựng chương trình, các chuyến đi thực tập, thực tế, làm đề án tốt nghiệp...
Trong giai đoạn 2, các trường trong vùng dự án sẽ tiếp tục triển khai các chương trình của POHE và trở thành hạt nhân thúc đẩy sự thực hiện chương trình trong các cơ sở giáo dục Đại học, trở thành những trung tâm đào tạo bồi dưỡng phương pháp, phát triển chương trình đào tạo POHE để phổ biến phương pháp tổ chức và quản lý đào tạo mới cho các trường khác trong cả nước.
(Theo TTXVN)