Cai Lậy: Hiệu quả từ giáo dục hòa nhập
Trong năm học này, huyện Cai Lậy có khoảng 250 em hòa nhập tại 45 trường mầm non và tiểu học. Trong đó có 11 trẻ ở độ tuổi mầm non. Đa số các trẻ thuộc các dạng tật: Khiếm thính, khiếm thị, trí tuệ, ngôn ngữ, vận động, tự kỷ và đa tật.
Sau một thời gian học hòa nhập, hầu hết các em đều có bước phát triển nhất định, có thể hòa nhập với các bạn trong lớp. Đây chính là thành công bước đầu của công tác giáo dục hòa nhập (GDHN) tại huyện Cai Lậy.
Cô Phạm Thị Thu Hương chăm sóc em Mai Thảo (trường Mầm non 3-2). |
Nguyễn Đường Ngọc Trân (8 tuổi, bị khiếm thính mức độ 4) là học sinh của cô Trần Thị Duyên, trường Tiểu học Mỹ Phước Tây 1. Ở nhà, Trân có thể làm những công việc đơn giản, có khả năng tự phục vụ bản thân như: ăn uống, mặc quần áo…
Gia đình Trân rất thương và quan tâm đến em. Cả ba, mẹ Trân đều muốn em được đến trường, sẵn sàng hỗ trợ giáo viên khi cần thiết. Khi mới đến trường, em khá chậm so với bạn bè. Tuy nhiên, nhờ sự tận tâm của giáo viên cũng như tình cảm của các bạn trong lớp, em đã tiến bộ dần.
Sau khi hòa nhập một thời gian, Trân đã viết được những bài học trên sách giáo khoa, một số từ, câu khác. Trân cũng cùng các bạn tham gia một số bài viết chính tả trên lớp và không đến nỗi cách biệt với các bạn.
Phan Trương Mai Thảo (thị trấn Cai Lậy) cũng là một trường hợp đã hòa nhập tốt tại trường. Bé bị tật bẩm sinh ở xương sống, khó khăn về vận động nên có phần nhút nhát. Lúc mới đến trường, buổi trưa mẹ phải đến đón bé về nhà tắm và thay nẹp, chiều mới đưa trở lại trường.
Sau khi được can thiệp sớm và hòa nhập một thời gian, bé có biểu hiện phát triển khá tốt. Cô Phan Thị Thu Trang, Hiệu phó trường Mầm non 3-2, nơi Thảo đang học hòa nhập cho biết: Hiện tại, Mai Thảo phát triển khá tốt. Về ngôn ngữ, em phát triển khoảng 80% so với trẻ bình thường; vận động thô phát triển khoảng 80-85%; trí tuệ khoảng 90% và vận động tinh thì không khác gì trẻ bình thường là mấy.
Được biết, công tác giáo dục hòa nhập của Cai Lậy có hiệu quả từ năm 2009. Trước đây, sau khi dự án “Phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng” do tổ chức Radda Barmen của Thụy Điển kết thúc, công tác GDHN của huyện vẫn được duy trì thực hiện.
Tuy nhiên, do nhiều yếu tố khách quan lẫn chủ quan, công tác này chưa được quan tâm và đầu tư đúng mức. Đến năm 2009, khi dự án GDHN (do Sở Giáo dục-Đào tạo và Liên minh Nauy ký kết thỏa thuận) được triển khai, thì Cai Lậy mới có thể “toàn tâm toàn ý” với GDHN. Đến năm 2011, huyện được chọn làm huyện điểm thứ 2 (sau Chợ Gạo) trong việc thực hiện công tác này.
Lúc mới bắt tay vào thực hiện GDHN, huyện đã gặp phải không ít khó khăn như: Nhiều giáo viên (GV) chưa nhận thức tốt hoặc chưa biết về công tác hòa nhập; GV hầu như ít được tập huấn một cách bài bản về trẻ khuyết tật cũng như không biết nhiều các phương pháp dạy học hòa nhập và các kỹ năng dạy học đặc thù cần có đối với mỗi dạng tật; hầu hết các cô đều đến với các em bằng cái tâm, bằng sự cố gắng hết sức mình nên công tác hòa nhập của các cô cũng gặp không ít trở ngại, các cô cũng không mấy tự tin trong việc hướng dẫn trẻ hòa nhập; phụ huynh không ủng hộ; cộng đồng chưa biết về GDHN…
Gần đây, ngày càng có nhiều người biết về công tác GDHN. Hiện tại, khoảng 80% cán bộ, GV của huyện biết và nhận thức đúng đắn về công tác này; 70% GV có kiến thức, tự tin trong việc giáo dục, xây dựng các dạng tật; cộng đồng và phụ huynh cũng có cái nhìn thoáng hơn về GDHN… đặc biệt là các GV. Do được tập huấn và tham gia các buổi trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm dạy hòa nhập nên các cô tự tin hơn trong dạy học.
Các cô đã đề ra nhiều phương pháp, kỹ năng dạy học đặc thù và điều chỉnh mục tiêu, nội dung, phương pháp đánh giá trẻ khuyết tật sao cho phù hợp với năng lực, nhu cầu của trẻ. Bên cạnh đó, các cán bộ GDHN và đội ngũ cán bộ quản lý của các trường có trẻ hòa nhập ngày càng được nâng cao năng lực và có được những kỹ năng, những kiến thức trong việc tổ chức, điều hành, quản lý và chăm sóc, giáo dục trẻ theo từng dạng tật.
Theo cô Trần Thị Duyên, GV trường Tiểu học Mỹ Phước Tây 1 thì khi tham gia dạy hòa nhập GV phải thật sự thương yêu và thông cảm cho hoàn cảnh của trẻ, quan tâm đến các em để phát hiện ra những khuyết điểm và đưa ra những phương pháp dạy phù hợp.
Ngoài ra, GV phải biết kiên trì, sẵn sàng chấp nhận việc trẻ chậm tiếp thu cũng như thường xuyên thay đổi cách dạy, sao cho trẻ cảm thấy thích và dễ dàng tiếp thu nhất. Chính vì thế, muốn quản lý cũng như giúp các em hòa nhập, các cán bộ, GV phải có một kiến thức tổng thể về hòa nhập, có hiểu biết sơ bộ về các dạng tật để có thể tiếp cận và có cách dạy phụ hợp với các em
Theo cô Nguyễn Thị Ánh Phụng, thành công của công tác GDHN ở huyện hôm nay là do sự đóng góp của cả cộng đồng. Muốn công tác GDHN được tốt, không chỉ có sự cố gắng của GV dạy lớp, cán bộ quản lý mà phải có một phần đóng góp không nhỏ của cha mẹ trẻ và cộng đồng.
Đặc biệt, phụ huynh không nên mặc cảm hay có nhận thức không đúng về khuyết tật của trẻ. Theo kinh nghiệm hòa nhập cho biết, khi trẻ được can thiệp sớm và được học hòa nhập, các em sẽ có nhiều khả năng phát triển và có thể có cuộc sống tốt hơn.
Vì thế, phụ huynh không nên ngần ngại, tránh thiệt thòi cho trẻ sau này. Cộng đồng cũng nên quan tâm chia sẻ để trẻ và gia đình trẻ có thể tự tin hơn trong quá trình đưa trẻ trở lại cuộc sống bình thường.
MINH CHÂU