Thứ Ba, 04/12/2012, 06:00 (GMT+7)
.

Mô hình lắng nghe, thấu hiểu, chia sẻ… sau giờ lên lớp

Không chỉ dốc tâm, dốc sức đứng trên bục giảng truyền đạt tri thức, sau giờ lên lớp, người thầy còn đồng hành, chia sẻ với học sinh những buồn vui, tiếp sức các em đến trường, định hướng lối sống đẹp - điều đó thể hiện qua mô hình “Thăm gia đình học sinh” của trường THCS Tân Phong và diễn đàn “Nghe học sinh nói, nói học sinh nghe” tại trường THPT Phan Việt Thống (huyện Cai Lậy).

Ba năm học gần đây, trường THCS Tân Phong duy trì nền nếp việc “Thăm gia đình học sinh”. Vào đầu năm học mới, sau khi ổn định sĩ số lớp, giáo viên chủ nhiệm sắp xếp thời gian đến gia đình từng học sinh tìm hiểu hoàn cảnh các em, đề xuất nhà trường hỗ trợ kịp thời những em đặc biệt khó khăn.

Là xã cù lao, điều kiện đi lại nhiều nơi chưa thuận tiện nên để hoàn tất việc thăm gia đình học sinh trong học kỳ 1, các thầy cô chủ nhiệm phải sắp xếp thời gian với tinh thần trách nhiệm cao.

Từ thực tế, đa số giáo viên đều chung nhận xét: Đến với gia đình các em, giúp thầy cô thấu hiểu, chia sẻ cùng học sinh, tạo điều kiện giáo dục hiệu quả hơn - nhất là học sinh cá biệt.

Cô Nguyễn Ngọc Sương, giáo viên chủ nhiệm lớp 9A3 cho biết: “Nhiều năm làm chủ nhiệm, tôi thấy đây là cách xây dựng mối quan hệ thầy trò một cách thực tế nhất. Ở mỗi gia đình học sinh, giáo viên chủ nhiệm tìm hiểu hoàn cảnh, sở thích, thói quen của các em khi ở nhà, tham quan góc học tập. Hiểu hoàn cảnh không chỉ để hỗ trợ những em khó khăn, mà còn có phương pháp sư phạm phù hợp với từng đối tượng học sinh khi biết vì sao các em chưa ngoan, chưa chú tâm vào việc học”.

Mô hình này đã giúp trường THCS Tân Phong nhiều năm liền duy trì sĩ số hiệu quả và nâng cao tỷ lệ học sinh khá giỏi, góp phần xây dựng “Trường học thân thiện, học sinh tích cực”. Đặc biệt, thông qua hoạt động thăm gia đình học sinh còn gắn kết trách nhiệm của phụ huynh với việc học của con em, xây dựng mối liên hệ mật thiết giữa nhà trường với gia đình để cùng thực hiện các biện pháp giáo dục, tạo cơ hội cho các em vươn lên.

Với nhiều trường hợp học sinh khó khăn, ngoài sự hỗ trợ của nhà trường, giáo viên chủ nhiệm còn liên hệ các nhà hảo tâm và trực tiếp hỗ trợ để các em có điều kiện đến trường.

Cũng là một cách xây dựng mối quan hệ thầy trò gần gũi sau những giờ lên lớp, từ đầu năm học 2012 – 2013, đã thành định kỳ hai tuần một lần, trường THPT Phan Việt Thống tổ chức diễn đàn “Nghe học sinh nói, nói học sinh nghe”.

Giống như tên gọi mang tính “tương tác”, diễn đàn là cơ hội cho học sinh trao đổi, thảo luận về chủ đề được gợi ý và thầy cô giáo có vai trò định hướng. Diễn đàn đã thật sự là tiết sinh hoạt dưới cờ thú vị bởi những chủ đề đưa ra rất gần gũi với lứa tuổi học trò: chọn bạn mà chơi, tình yêu tuổi mới lớn, tình cảm thầy trò… Từ những chủ đề này, suy nghĩ của các em về tình bạn, tình yêu, về cuộc sống, mối quan hệ thầy trò… được trao đổi một cách thẳng thắn.

Để tạo không khí sôi nổi, hấp dẫn, các thầy cô làm chương trình đã đưa ra tình huống thực tế để học sinh thảo luận, qua đó dạy văn hóa giao tiếp (nói, tranh luận, thuyết phục..), kỹ năng xác định giá trị (đúng, sai, tốt, xấu..), xử lý tình huống.

Ban đầu, nhiều em còn e dè, rụt rè khi thể hiện chủ ý trước đám đông nhưng về sau các em đã mạnh dạn tham gia phát biểu. Từ những thổ lộ của học sinh, các thầy cô sẽ đưa ra những lời khuyên thích hợp, định hướng cho các em.

Anh Võ Quốc Vũ, Bí thư Đoàn trường THPT Phan Việt Thống cho biết: “Những năm học trước, trường chỉ tổ chức diễn đàn mỗi học kỳ một lần và các em rất hào hứng tham gia. Điều đó cho thấy diễn đàn thật sự thu hút. Xuất phát từ nhu cầu thực tế, Ban giám hiệu trường đã quyết định tổ chức thường xuyên hơn vào năm học 2012 – 2013. Đây cũng là cách giúp học sinh nâng cao kỹ năng sống, phát triển toàn diện”.

Khi trở thành những nhà tư vấn “không chuyên”, hình ảnh thầy cô trong mắt học sinh trở nên gần gũi, thân thiện hơn. Em Dương Thị Hồng Phúc, học sinh lớp 10A11 chia sẻ: “Diễn đàn đã giúp chúng em trao đổi với thầy cô, bạn bè suy nghĩ của mình; đồng thời trao dồi kỹ năng giao tiếp, năng động hơn trong cuộc sống. Những chủ đề đưa ra là những gì tuổi mới lớn chúng em đang nghĩ, đang băn khoăn. Thầy cô với vai trò định hướng, sẽ giúp chúng em hướng đến cách nghĩ, cách sống tích cực”.

Qua mô hình “Thăm gia đình học sinh” của trường THCS Tân Phong và diễn đàn “Nghe học sinh nói, nói học sinh nghe” ở trường THPT Phan Việt Thống, thầy cô giáo có thêm hình ảnh đầy trách nhiệm khác: Một người bạn lớn sẵn lòng chia sẻ với học sinh, tạo cho các em tâm lý được lắng nghe, tôn trọng. Điều này hết sức cần thiết trước yêu cầu truyền đạt tri thức phải gắn với giáo dục đạo đức, nhân cách, kỹ năng sống cho học sinh như hiện nay. 

QUẾ NGÂN

.
.
.