Tuyển sinh đại học, cao đẳng và những vấn đề đặt ra
Cuối tháng 11 kỳ thi tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2012 kết thúc với một thực tế bộn bề và đang trở thành tâm điểm cho các nhà giáo, nhà trường, nhà nghiên cứu, quản lý giáo dục, nhà tuyển dụng, sử dụng lao động và nhà nước các cấp bàn luận để tìm hướng đi cho kỳ tuyển sinh năm 2013.
Kinh nghiệm từ nhiều năm qua cho thấy, việc đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực qua đào tạo là nhiệm vụ chung, không thể phó thác cho các nhà trường.
Do vậy, vấn đề có ý nghĩa quan trọng, ảnh hưởng đến việc đào tạo nguồn nhân lực là mọi nhà hãy chung tay khắc phục nguyên nhân dẫn đến sự thất bại của kỳ tuyển sinh năm 2012, thống nhất đề ra chỉ tiêu, quy mô tuyển sinh và ngành nghề đào tạo năm 2013. Trong phạm vi một địa phương xin đề xuất mấy việc như sau:
Thí sinh tập trung ôn bài trước kỳ thi. Ảnh: Minh Châu |
* Cần quan tâm đến chất lượng giáo dục phổ thông
Chất lượng đào tạo của các trường đại học, cao đẳng chịu ảnh hưởng trực tiếp bởi chất lượng đầu vào - tức chất lượng giáo dục phổ thông. Chẳng hạn như năm 2012, chỉ có 363/3.091 thí sinh trúng tuyển vào Trường Đại học Tiền Giang (đại học 5,4%, cao đẳng 6,3%). Từ đó, nếu như nhà trường không mở rộng vùng tuyển sinh và xét tuyển nguyện vọng bổ sung qua nhiều đợt, thì không thể mở lớp.
Mặt khác, theo các chuyên gia tư vấn tuyển sinh, một trong những nguyên nhân quan trọng là “công tác hướng nghiệp ở các trường phổ thông quá yếu, giáo viên hướng nghiệp gần như rất ít thông tin về đào tạo ở các trường”… (Báo SGGP ngày 5/12/2012, tr.3).
Việc định hướng chọn nghề, chọn trường phù hợp với học lực của học sinh trung học phổ thông là việc làm có ý nghĩa vô cùng quan trọng của ban giám hiệu và giáo viên các trường trung học phổ thông.
* Trách nhiệm của đội ngũ giảng viên các trường đại học, cao đẳng.
Xuất phát từ nhiều nguyên nhân vừa khách quan, vừa chủ quan làm cho các trường đại học “tốp giữa” và “tốp dưới”, nhất là các trường đại học, cao đẳng ngoài công lập, trường địa phương liên tục không đạt chỉ tiêu tuyển sinh từ nhiều năm qua, đặc biệt là năm 2012 đã làm cho nhiều ngành đào tạo phải đóng cửa; “nhiều trường cao đẳng nghề, trung cấp nghề rơi vào cảnh điêu đứng và phải tính đến phương án sang nhượng”.
Phải chăng bản chất của vấn đề đang bộc lộ một cách khá rõ. Đó là sự từ chối của người học đối với những trường không đạt chuẩn, chất lượng đào tạo kém. Nói cách khác, sự sống còn của các trường đại học, cao đẳng phụ thuộc vào uy tín, chất lượng đào tạo của trường đó.
Để có thể thu hút người học, mỗi nhà giáo với trách nhiệm và tâm huyết vì chất lượng đào tạo còn phải là nhà tư vấn tuyển sinh, nhà quảng bá thật tốt thương hiệu trường thông qua hoạt động giảng dạy, nghiên cứu khoa học.
Muốn vậy, người giảng viên phải không ngừng học tập nâng cao trình độ chuyên môn; có nghiệp vụ sư phạm tốt; tận tâm, tận lực, tận tụy vì sinh viên; tích cực góp phần cải tiến, hiện đại hóa nội dung chương trình đào tạo; đổi mới kỹ thuật kiểm tra đánh giá kết quả học tập và góp phần đổi mới quản lý quá trình đào tạo. Có thực hiện thật tốt bốn trụ cột đổi mới nêu trên thì mới có thể thu hút người học đến trường.
* Cần cơ cấu lại ngành nghề đào tạo gắn với nhu cầu xã hội
Số lượng thí sinh dự thi và nhập học ở các trường đại học, cao đẳng địa phương kể cả các trường trung cấp chuyên nghiệp ngày càng giảm bởi lẽ các trường chỉ tuyển sinh và đào tạo theo năng lực giảng dạy và điều kiện vật chất mà nhà trường hiện có (đội ngũ giảng viên, cơ sở vật chất, trang thiết bị…).
Song, nhiều trường chưa có đủ đội ngũ cán bộ giảng dạy đúng chuẩn, thiếu máy móc, trang thiết bị hiện đại, thậm chí thiếu chỗ học, chỗ ăn, ở cho sinh viên…
Sự cạnh tranh về giáo dục và đào tạo đã tạo cơ hội cho người học chọn trường, ngành học theo yêu cầu xã hội. Hơn nữa, hiện nay cả nước đang tái cấu trúc nền kinh tế, đẩy mạnh phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới nên nhu cầu nhân lực cho các lãnh vực nầy là cấp thiết, yêu cầu đào tạo nhân lực cho các ngành sư phạm, tài chính đã bão hòa; một số ngành thuộc lãnh vực nông nghiệp, cơ khí sinh viên không thích học.
Nếu không có giải pháp đột phá, các trường sẽ gặp phải các bất cập tương tự như các kỳ tuyển sinh trước. Tuy nhiên, đây là vấn đề vô cùng khó khăn vì các trường “địa phương” không thể có đủ số lượng tiến sĩ, thạc sĩ để mở ngành đào tạo mới (1 tiến sĩ, 3 thạc sĩ chuyên ngành đối với đại học; 4 thạc sĩ chuyên ngành đối với cao đẳng) và cũng không có đủ nguồn kinh phí để trang bị mới máy móc, thiết bị, nhà xưởng dành cho thực hành, thực tập.
Xã hội đang kỳ vọng vào việc tái cơ cấu ngành nghề đào tạo và nâng cao chất lượng đào tạo của các nhà trường. Tuy nhiên, không thể phó mặc công tác tuyển sinh và đào tạo cho các nhà trường mà là việc chung của mọi nhà và toàn xã hội.
Ảnh: Minh Châu |
* Cần sắp xếp lại hệ thống trường, thúc đẩy tái cấu trúc ngành nghề đào tạo, ưu tiên cho khu vực nông nghiệp, nông thôn
Từ thực trạng tuyển sinh các năm qua và những khó khăn của các trường như đã trình bày, để có thể đáp ứng nguồn nhân lực cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội địa phương, đòi hỏi phải xem xét yêu cầu tuyển sinh và ngành nghề đào tạo các năm qua để tái cơ cấu các trường trên địa bàn tỉnh theo hướng tinh gọn, hiệu quả. Các trường, các ngành đạo tạo đã hơn ba năm không đạt chỉ tiêu, không thu hút được người học cần phải được xem xét để tránh lãng phí.
Tiếp đến là hỗ trợ các nhà trường về nhân lực, tài lực và cơ sở vật chất một cách tương xứng để mở ngành nghề đào tạo mới, khắc phục tình trạng mạnh ai nấy đào tạo gây lãng phí nhân lực. Chẳng hạn như năm 2012, toàn tỉnh Tiền Giang có hơn 20 cơ sở đào tạo ngành cơ khí, điện, điện tử, xây dựng, trong khi đó, nhu cầu tuyển dụng ở các khu - cụm công nghiệp, chỉ chiếm 2,8% tổng nhu cầu tuyển dụng năm 2011 và 3,2% nhu cầu tuyển dụng 9 tháng đầu năm 2012.
Do chưa có sự chung tay trong tuyển sinh và đào tạo nên trên phạm vi cả nước cũng như từng địa phương lúc thiếu, lúc thừa nhân lực. Có tỉnh thừa 3.000 giáo viên trung học nhưng không thể không tiếp tục đào tạo vì công ăn việc làm của giảng viên và công nhân viên nhà trường.
Các đơn vị sản xuất kinh doanh trên lãnh vực nông nghiệp, công nghiệp cần tuyển kỹ sư nông nghiệp, cơ khí, nuôi trồng thủy sản, nhưng không có nguồn để tuyển, trong khi đó sinh viên không thích học các ngành nầy.
Trong khi đó, khối ngành kinh tế Bộ Giáo dục và Đào tạo đã cắt giảm chỉ tiêu, nhưng cũng không ngăn được sinh viên vào học và theo dự đoán, lãnh vực nầy sẽ dôi dư hàng chục ngàn cử nhân trong những năn tới.
Quan trọng hơn, các địa phương đang ra sức xây dựng nông thôn mới, lãnh vực nông nghiệp sẽ phải đối mặt với tác động của biến đổi khí hậu và nước biển dâng, môi trường nông thôn cũng đang kêu cứu. Nói chung, lãnh vực nông thôn, nông nghiệp, quản lý tài nguyên môi trường, cơ giới hóa nông nghiệp, chăm sóc sức khỏe, quản lý dịch bệnh, quản lý sản xuất và chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm… rất cần một lượng lớn lao động qua đào tạo.
Có thể khẳng định rằng không có lực lượng nầy, chủ trương xây dựng nông thôn mới và các chương trình, kế hoạch phát triển nền nông nghiệp công nghệ cao sẽ khó thành công. Vì vậy, chính quyền cần có chính sách khuyến khích học tập và ưu tiên trong sử dụng nhân lực qua đào tạo nhằm thu hút người học.
Trước đây, để thu hút sinh viên vào ngành sư phạm, Chính phủ thực hiện chủ trương bao cấp học phí. Hiện nay, nhu cầu giáo viên phổ thông đã tạm đủ, lãnh đạo các địa phương nên chuyển khoản bao cấp nầy cho các ngành nghề đang thiếu nhân lực; đồng thời ban hành chủ trương hỗ trợ các trường mở các lớp “dự bị đại học” cho con em gia đình diện chính sách, con em nông dân, nhất là những gia đình nghèo, khó khăn có ý nguyện phục vụ ở cơ sở.
Các ngành hữu quan là tổ chức nắm vững yêu cầu về nhân lực hơn ai hết. Vì vậy hãy xin vào cuộc. Được biết các sở, ngành đều đã xây dựng chiến lược đào tạo nguồn nhân lực và cũng đã nghiệm thu nhiều đề tài khoa học về vấn đề nầy. Xin hãy giúp các trường ứng dụng kết quả đã nghiên cứu.
Để đào tạo nguồn nhân lực cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, nhất định “Mọi nhà hãy chung tay tuyển sinh và đào tạo”. Mối quan hệ giữa các cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục và đào tạo với nhà trường, nhà tuyển dụng, nhà sử dụng lao động cần gắn kết một cách thật sự để có thể hỗ trợ nhau trong xây dựng và thực hiện chương trình đào tạo, tuyển dụng và sử dụng nguồn nhân lực qua đào tạo một cách hiệu quả.
Các bậc phụ huynh cũng cần giải thích cho con em mình biết nhiều điều lợi khi chọn ngành nghề và một ngôi trường phù hợp để học tập.
TS. PHAN VĂN NHẪN