Đào tạo giáo viên dạy nghề cấp độ ASEAN và quốc tế
Sáng 2-1, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân chủ trì buổi làm việc với Bộ LĐTBXH, Bộ GDĐT, Bộ Tài chính và Văn phòng Chính phủ để nghe báo cáo về việc xây dựng và chuyển giao chương trình và đào tạo giáo viên cấp độ khu vực ASEAN và quốc tế.
Dạy nghề cơ khí tại Trường Trung cấp nghề khu vực Gò Công. Ảnh: N.Hữu |
Đây là một trong những nội dung nhằm cụ thể hóa Quy hoạch phát triển nhân lực Việt Nam, trọng tâm là xác định đào tạo nhân lực cho các ngành, lĩnh vực mũi nhọn chủ lực của đất nước giai đoạn 2011-2020.
Theo báo cáo của Bộ LĐTBXH, Tổng cục Dạy nghề đã xác định một số quốc gia có kinh nghiệm và đủ điều kiện để hợp tác sâu về đào tạo, dạy nghề trong thời gian tới là: Malaysia, Hàn Quốc, Đức và Nhật Bản.
Đến nay, Malaysia và Hàn Quốc đã có thỏa thuận bằng văn bản sẵn sàng đồng ý cung cấp toàn bộ bản quyền chương trình chuyển giao và tiến tới công nhận bằng cấp khi các điều kiện bảo đảm chất lượng đào tạo nghề giữa 2 nước đã tương đồng.
Tổng cục Dạy nghề đã nhập, chuyển giao và biên dịch xong 8 bộ chương trình đào tạo 8 nghề từ phía đối tác Malaysia, trong đó có 4 nghề trọng điểm cấp độ khu vực ASEAN là: Chế biến và bảo quản thủy sản; gia công và thiết kế sản phẩm mộc; Kỹ thuật xây dựng; Quản trị lễ tân; 4 nghề trọng điểm cấp độ quốc tế: Điều khiển tàu biển; Kỹ thuật chế biến món ăn; Khai thác máy tàu thủy; Quản trị khách sạn.
Về kế hoạch chuyển giao các bộ chương trình và đào tạo bồi dưỡng giáo viên đến năm 2015, Bộ LĐTBXH xác định đến năm 2014 hoàn thành chuyển giao các bộ chương trình, giáo trình, học liệu dạy nghề, tiêu chuẩn kỹ năng nghề, ngân hàng đề thi, phương pháp đánh giá, danh mục thiết bị dạy nghề và chuyển giao công nghệ đào tạo cho 49 nghề cấp độ khu vực ASEAN và 26 nghề cấp độ quốc tế.
Dự kiến, đến năm 2015, sẽ hoàn thành việc đào tạo khoảng 3.000 giáo viên, giảng viên dạy nghề cấp độ khu vực ASEAN và quốc tế.
N.H
(Tổng hợp)