Thứ Tư, 09/01/2013, 09:23 (GMT+7)
.

Đến 2015, phổ cập môn giáo dục kinh doanh trong trường học

Giáo dục nước ta đang phát triển trong bối cảnh thế giới có nhiều thay đổi nhanh và phức tạp. Toàn cầu  hóa và hội nhập quốc tế về giáo dục đã trở thành xu thế tất yếu. Ở Việt Nam, hàng năm có khoảng 30% học sinh tốt nghiệp THCS không vào học trường THPT mà tham gia vào lao động sản xuất, khoảng 80% học sinh tốt nghiệp THPT không vào học các trường ĐH, CĐ mà đi vào cuộc sống lao động. Nhiều thanh niên, học sinh trong độ tuổi lao động có nhu cầu tự tạo việc làm và lập nghiệp, trong đó có nghề kinh doanh.

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển phát biểu tại Hội thảo.
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển phát biểu tại hội thảo.

Bên cạnh đó, việc hướng nghiệp cho học sinh có sở thích, năng khiếu thi vào các trường ĐH, CĐ có đào tạo về lĩnh vực kinh doanh, góp phần tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực này cũng rất quan trọng và cần thiết.

Tại hội thảo giáo dục kinh doanh trong trường trung học tổ chức sáng 8-1 ở Hà Nội, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển cho biết, chương trình giáo dục kinh doanh đã được đưa vào giảng dạy thí điểm từ năm 2007 đến nay trong các trường phổ thông và các trung tâm giáo dục thường xuyên (GDTX), trung tâm lao động kỹ thuật hướng nghiệp tại 4 tỉnh: Quảng Ngãi, Trà Vinh, Bình Phước và Thanh Hóa. Kết quả khảo sát tại các trường THPT cho thấy, môn học giáo dục kinh doanh cho học sinh THPT là rất cần thiết và có thể nhân rộng cho đối tượng học sinh THCS.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển, môn học giáo dục kinh doanh sẽ được thực hiện đại trà, phổ cập tại 63 tỉnh, thành trong cả nước bắt đầu từ năm học 2015-2016. Để chuẩn bị tốt cho việc áp dụng chính thức tại các địa phương, Bộ GD-ĐT sẽ hoàn thiện hơn hệ thống tài liệu, tập huấn đội ngũ giáo viên, làm tốt hơn công tác tuyên truyền, tạo điều kiện học tập môn học giáo dục kinh doanh cho học sinh các trường THPT, trung tâm GDTX.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Khôi, trường ĐH Sư phạm Hà Nội nêu ý kiến, để môn học giáo dục kinh doanh triển khai có hiệu quả ở các tỉnh, thành thì từ nay đến năm 2015, Bộ GD-ĐT cần có lộ trình tập huấn, bồi dưỡng giáo viên giảng dạy môn học này một cách có bài bản, khoa học. Trong đó, bố trí giáo viên giảng dạy ở trên lớp không bị chồng chéo với các môn học khác.

Được biết, trong những năm qua, chương trình giáo dục kinh doanh được thực hiện tại 4 tỉnh chủ yếu do Tổ chức Lao động quốc tế hỗ trợ. Nếu từ năm 2015, chương trình này được triển khai đại trà trên toàn quốc thì có thể huy động và sử dụng nguồn kinh phí do thực hiện xã hội hóa giáo dục và các nguồn kinh phí khác. Kinh phí giáo dục kinh doanh trong nhà trường sẽ sử dụng nguồn chi thường xuyên được giao trong dự toán chi hàng năm của các địa phương, đơn vị theo phân cấp quản lý ngân sách hiện hành.

(Theo vov)

.
.
.