Thứ Tư, 09/01/2013, 12:38 (GMT+7)
.

Học sinh sử dụng “dế yêu” - vấn nạn & biện pháp khắc chế

SUÝT BỊ XẾP LOẠI HẠNH KIỂM YẾU VÌ NHẶT ĐƯỢC CHIẾC ĐIỆN THOẠI DI ĐỘNG (ĐTDĐ) HƯ

Học sinh vô tư sử dụng ĐTDĐ trong giờ học (Ảnh có tính minh họa ).
Học sinh vô tư sử dụng ĐTDĐ trong giờ học (Ảnh chỉ có tính minh họa).

Cuối cùng thì con trai của đồng nghiệp tôi đang học lớp 8 ở trung tâm huyện bị xếp hạnh kiểm loại khá ở học kỳ 1, thay vì loại yếu mà cô chủ nhiệm của cháu thông báo trước đó.

Lý do của sự “ân giảm” này là nhờ đồng nghiệp tôi có người em họ đang là giáo viên (GV) công tác ở trường đó nói giúp. Vả lại, suốt quá trình học ở trường tiểu học và 2 năm lớp 6, lớp 7 ở đây cháu luôn đạt danh hiệu học sinh (HS) xuất sắc hoặc giỏi, là cháu ngoan Bác Hồ và hiện là chi đội trưởng của lớp.

Chuyện xảy ra như sau: Vào một buổi chiều, trên đường đến trường để tham gia lao động, con trai đồng nghiệp tôi tình cờ nhặt được một chiếc ĐTDĐ nhưng đã bị hư, bể, mất pin không còn hoạt động.

Vào trường, do chưa tới giờ lao động, HS này đến ngồi dưới bóng một cây xanh ở sân trường và lấy chiếc ĐTDĐ vừa nhặt được ra tháo gở, khám phá…

Đang say sưa thì GV giám thị xuất hiện, tịch thu chiếc ĐTDĐ hư, lập biên bản và cháu phải bị xử lý theo quy định của nhà trường: HS mang ĐTDĐ vào trường bị xếp hạnh kiểm yếu.

VẤN NẠN HS SỬ DỤNG ĐTDĐ TRONG TRƯỜNG HỌC

Hiện nay, không chỉ có HS bậc trung học phổ thông (THPT) mà cả HS bậc THCS và có một số tuy rất ít HS tiểu học cũng có mang theo và sử dụng ĐTDĐ trong trường, lớp học.

Trường hợp đang trong giờ học mà có HS dùng ĐTDĐ để nghe nhạc, để nhắn tin thì hầu như GV nào cũng đã bắt gặp và có thể gặp nhiều lần. Đương nhiên, bản thân HS này chẳng thể tiếp thu được bài giảng đã đành, mà còn làm ảnh hưởng đến các bạn ngồi bên cạnh.

Nhiều GV cho biết, đã không ít lần phải dừng việc giảng bài để xử lý tình huống lớp ồn ào, mất tập trung do có tiếng nhạc chuông ĐTDĐ vang lên khi đang giảng bài. Đương nhiên, hiệu quả tiết dạy sẽ giảm đi rất nhiều. Một số trường hợp HS còn tụm đôi, tụm ba để xem phim trong lúc thầy cô đang giảng bài, cũng không loại trừ phim ảnh ấy có lành mạnh hay không?!

Với những loại ĐTDĐ đời mới, các em còn sử dụng vào những mục đích như chụp ảnh bạn bè và cả thầy cô ở những tư thế nhạy cảm rồi phát tán, kể cả tung lên mạng. Hay tổ chức đánh đập, làm nhục bạn mình rồi quay clip tung lên mạng gây hậu quả xã hội khôn lường…

Có một hệ lụy khác đáng phải quan tâm là khoảng cách giàu nghèo trong xã hội ta ngày càng lớn, gia đình HS cũng vậy. Không ít HS hoàn cảnh gia đình khó khăn, thậm chí thuộc diện hộ nghèo nhưng vì học đua đòi, muốn được như chúng bạn, đã thực hiện hành vi ăn cắp ĐTDĐ của người khác, kể cả của thầy cô giáo.

Có trường hợp trộm tiền quỹ của lớp mà bạn thân mình đang giữ để sắm ĐTDĐ. Mặt khác, để có tiền nạp vào tài khoản cho “dế yêu” của mình mà không ít HS lừa dối cha mẹ bằng cách xin tiền để đóng hết phí này đến phí khác của trường của lớp, thậm chí có HS còn thực hiện hành vi vay mượn người khác, trấn lột bạn bè và trộm cắp vặt đồ vật của hàng xóm để bán lấy tiền chơi ĐTĐĐ…

LỰA CHỌN GIẢI PHÁP

Rõ ràng, việc học sinh phổ thông sử dụng ĐTDĐ trong trường hại nhiều hơn lợi, xấu nhiều hơn tốt. Cấm HS sử dụng ĐTDĐ trong trường học thì chất lượng dạy và học được nâng lên một cách rõ rệt, đó là điều đã được khẳng định. Tuy nhiên, vấn đề này cũng chưa có chủ trương thống nhất trong toàn ngành và ngay cả ở từng địa phương, dẫn tới tình trạng mỗi trường học có một kiểu quản lý, điều chỉnh việc HS sử dụng ĐTDĐ khác nhau.

Có nơi thì đề ra những quy định rất nghiêm ngặt (như ngôi trường THCS nói ở trên), chỉ cần bị phát hiện mang ĐTDĐ vào trường, dù có sử dụng hay không, thậm chí là nhặt được ĐTDĐ hư đều bị lập biên bản, tịch thu “tang vật” và hạnh kiểm học kỳ đó bị xếp loại yếu… Ngược lại, không ít trường lại khá lỏng lẻo trong chuyện này, chỉ quy định chung chung và gần như giao việc xử lý cho GV bộ môn đang dạy trên lớp nếu có HS sử dụng ĐTDĐ.

Có ý kiến cho rằng, hiện nay luật không cấm HS sử dụng ĐTDĐ nên nhà trường rất khó quản lý các em và cũng do vậy mà mỗi trường có thể tự đề ra những quy định riêng, tùy theo cách nghĩ của cá nhân hoặc tập thể lãnh đạo ở trường đó.

Tại Khoản 4, Điều 41 của Điều lệ trường trung học hiện hành đã quy định việc “nghe, trả lời bằng điện thoại di động… trong giờ học, khi tham gia các hoạt động giáo dục của nhà trường” là một trong các hành vi học sinh không được làm. Câu chữ thì rất rõ ràng nhưng khi thực hiện lại có tình trạng nơi thì thái quá, chỗ lại bất cập tạo ra sự so bì ngay trên bình diện một địa phương hẹp.

Thiết nghĩ, đi đôi với việc thực hiện các quy định thuộc về phần “cứng” thì Ban Giám hiệu nhà trường cũng cần phải làm tốt một số việc thuộc về phần “mềm” nhằm tạo ra sự cộng hưởng, tác động sâu và bền vững trong HS. Trước hết, nhà trường cần phải làm tốt việc tư vấn cho HS về văn hóa sử dụng và giao tiếp bằng ĐTDĐ. Đây là lổ hổng lớn nhất trong HS hiện nay.

Kế đến là phải tư vấn cho cha mẹ HS về sự cần hay chưa cần thiết phải trang bị ĐTDĐ cho HS và nếu cần thì phải trang bị loại ĐTDĐ nào cho hợp lý. Mặt khác, mỗi thầy cô giáo phải thực sự là tấm gương mẫu mực về việc thực hiện các quy định của ngành, của trường về việc sử dụng ĐTDĐ để HS noi theo. Thực tế, không ít thầy cô giáo còn có hành vi sử dụng ĐTDĐ ngay trong lúc đang giảng dạy trên lớp.

Về phần “cứng”, cấm HS sử dụng ĐTDĐ trong giờ học và các hoạt động giáo dục của nhà trường là hợp lý, nhưng cấm cả việc HS mang ĐTDĐ vào trường hay sử dụng bên ngoài nhà trường thì có điểm vô lý và không khả thi. Việc định ra hình thức xử phạt trong vấn đề này cũng phải được thiết lập trên cơ sở nội dung của các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành có liên quan và phải có lý có tình, có sức thuyết phục.

Nhất thiết phải xử lý nghiêm việc HS sử dụng ĐTDĐ (bao gồm cả việc để chuông reo, nghe, trả lời, nhận và phát tin nhắn, quay phim, chụp ảnh, xem phim, chơi trò chơi…) nhưng việc HS có mang ĐTDĐ vào trường thì bị tịch thu, hủy “tang vật” hoặc bị xếp hạnh kiểm loại yếu thì xét thấy không thỏa đáng, không mang tính sư phạm và xa lạ với những nội dung đã được quy định tại Thông tư 58/2011/TT-BGDĐT ngày 12-12-2011 của Bộ trưởng  Bộ GD&ĐT.

LÊ MINH HOÀNG

.
.
.