Hướng dẫn về quy chế đầu tư của nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục
Ngày 28-1, tại Hà Nội, Bộ GD-ĐT tổ chức hội nghị hướng dẫn thực hiện Nghị định số 73/2012/NĐ-CP của Chính phủ quy định về hợp tác, đầu tư của nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục.
Trong những năm qua, hợp tác, đầu tư của nước ngoài trong GD-ĐT ở Việt Nam tăng trưởng không ngừng, đặc biệt là ở các khu đô thị lớn và kinh tế tập trung như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh... Ngoài ra, lĩnh vực này hoạt động mạnh trong việc giảng dạy tiếng Anh, dạy nghề và đào tạo kỹ năng.
Theo báo cáo của Vụ Kế hoạch Tài chính, Bộ GD-ĐT, trong lĩnh vực giáo dục, cả nước có khoảng 111 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài tại 6 tỉnh, thành phố lớn là Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Vũng Tàu, Cần Thơ, Hải Phòng và Đà Nẵng. Cơ sở giáo dục có vốn nước ngoài chiếm số lượng lớn nhất là các cơ sở đào tạo ngắn hạn (chiếm 40%), cơ sở giáo dục phổ thông (32,4%)… Số lượng các cơ sở giáo dục đa cấp (18 cơ sở) chiếm đến 50% tổng số cơ sở giáo dục phổ thông.
Còn trong lĩnh vực dạy nghề, cả nước có 19 cơ sở dạy nghề 100% vốn đầu tư nước ngoài, trong đó có 6 cơ sở dạy nghề đã hợp tác với nước ngoài để tổ chức dạy nghề theo chương trình của nước ngoài và do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp bằng…
Nghị định 73 được coi là công cụ hỗ trợ quan trọng cho các nhà quản lý trong việc quản lý các hoạt động hợp tác, đầu tư nước ngoài trong giáo dục, đồng thời cũng tạo hành lang pháp lý để các nhà đầu tư nước ngoài yên tâm đầu tư phát triển giáo dục một cách minh bạch.
Thời gian tới, Bộ GD-ĐT ưu tiên xây dựng một số mô hình trường học mới, tiên tiến, có chất lượng cao; ưu tiên đầu tư một số lĩnh vực đào tạo có hàm lượng chất xám cao, kết hợp chuyển giao công nghệ, bí quyết kỹ thuật để đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng phục vụ công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Trước mắt Bộ GD-ĐT yêu cầu các tỉnh, thành khẩn trương rà soát, tổng hợp tình hình các cơ sở giáo dục có vốn nước ngoài trên địa bàn; phân loại các cơ sở giáo dục trên địa bàn theo mức độ đáp ứng các điều kiện, tiêu chí quy định.
Bộ GD-ĐT cho biết sẽ thực hiện phân cấp triệt để trong lĩnh vực này, theo đó các cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương sẽ là những cơ quan chịu trách nhiệm trực tiếp quản lý các cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài trên địa bàn.
Bộ GD-ĐT cho biết sẽ thường xuyên tổ chức các đoàn kiểm tra liên ngành nhằm phát hiện và xử lý kịp thời các sai phạm trong lĩnh vực hợp tác giáo dục với nước ngoài.
(Theo sggp.org.vn)