Thứ Sáu, 04/01/2013, 05:24 (GMT+7)
.

Trường Tiểu học Ấp Bắc: Vượt khó, xứng đáng với truyền thống anh hùng

Sau nhiều năm phấn đấu, trường Tiểu học Ấp Bắc đã có nhiều thành tích đáng kể, tạo được lòng tin của phụ huynh và học sinh xã Tân Phú (huyện Cai Lậy) và một số xã lân cận. Tuy vẫn còn nhiều khó khăn, nhưng thầy và trò của trường vẫn luôn cố gắng để xứng đáng với tên gọi, với quê hương Tân Phú.

Học sinh  trường Tiểu học  Ấp Bắc  giờ tan trường.
Học sinh trường Tiểu học Ấp Bắc giờ tan trường.

Các thế hệ học trò của trường Tiểu học Ấp Bắc rất đỗi tự hào bởi cái tên mang địa danh lịch sử: Ấp Bắc. Bên cạnh đó là niềm vui bởi đây là một trong những trường tiểu học đạt chuẩn Quốc gia đầu tiên của huyện Cai Lậy.

Cô Lê Thị Kim Anh, giáo viên nhà trường hồi tưởng lại: “Lúc đầu trường có đến 5 điểm lẻ, trải dài trên 5 ấp (Ấp Bắc, Tân Thới, Tân An, Tân Hòa, Tân Hiệp). Mỗi điểm chỉ một vài phòng học với nền đất, vách tranh, mái lá. Những con đường đến lớp cũng nhỏ, mưa thì lầy, nắng thì bụi. Từ nơi ở đến trường cũng mất 7, 8 cây số đường đất. Những ngày đầu đi dạy, tôi đã trợt té không biết bao nhiêu lần”.

Cô kể, lúc trước điểm chính là một ao sen, xung quanh chỉ có 6 phòng học nhỏ. Học sinh đến lớp phải kê gạch ngồi, lót gạch làm bàn viết. Mấy năm sau, hoàn cảnh có khá hơn, bàn được thay bằng mấy khúc gỗ trâm bầu, muốn viết phải  lót ván lên. Rồi các phòng học có bàn, có ghế. Đó là những chiếc bàn dài bốn năm đứa ngồi chung. Tuy vậy, các học sinh vẫn chăm chỉ đến lớp; thầy, cô giáo vẫn hết lòng với các em. Tất cả đều cố gắng với ước muốn duy nhất là đưa ngôi trường của mình ngày một đi lên.

Những ngày gian khó rồi cũng qua. Cơ sở vật chất của trường được cải thiện dần dần. Các phòng học được nâng cấp. Các điểm lẻ được thu gọn dần: 4 điểm, rồi 3 điểm và cuối cùng chỉ còn cơ sở chính. Số học sinh và giáo viên giỏi của trường cũng tăng dần theo từng năm. Chất lượng dạy và học cũng vậy. Năm học 2011-2012, trường Tiểu học Ấp Bắc có 92% học sinh lên lớp thẳng, hiệu quả đào tạo là 92%, trong đó có 20,5% học sinh giỏi (tăng hơn năm học trước 1%).

Ngoài học văn hóa, các học sinh của trường cũng được tập trung bồi dưỡng và tạo điều kiện để phát huy năng khiếu. Kết quả, các em đã tham gia và đạt giải học sinh giỏi cấp tỉnh; Huy chương đồng Hội khỏe Phù Đổng cấp tỉnh; giải I, II cuộc thi giải toán trên mạng Internet; đạt giải vẽ tranh cấp huyện… Các phong trào làm đồ dùng dạy học và viết sáng kiến kinh nghiệm cũng được các giáo viên nhà trường nhiệt tình tham gia. Trong năm, có 5 sáng kiến kinh nghiệm và 1 đồ dùng dạy học của giáo viên đạt giải cấp huyện.

Hiện tại, trường có 16 lớp với 484 học sinh; 31 cán bộ, giáo viên, nhân viên, trong đó có 16 cán bộ, giáo viên trình độ trên chuẩn. Với 33 phòng (9 phòng chức năng và 24 phòng học, trong đó có 4 phòng học riêng cho các bộ môn: Mỹ thuật, Âm nhạc, Tin học và Tiếng Anh) được trang bị khá đầy đủ, hầu như đáp ứng nhu cầu học tập ngày càng cao của các em. Hiện 100% số lớp của trường được học 2 buổi/ngày.

Thầy Nông Văn Bảy, Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: “Dù vẫn còn nhiều khó khăn, nhưng chúng tôi luôn cố gắng để xứng đáng với tên gọi cũng như truyền thống nhà trường. Theo đó, trường đã thực hiện đổi mới các phương pháp dạy học một cách căn bản, toàn diện với quyết tâm xây dựng một nền giáo dục theo hướng hiện đại, phát huy tính tích cực, chủ động của học sinh.

Ngoài thực hiện tốt các Cuộc vận động: “Xây dựng trường  học thân thiện, học sinh tích cực”; “Hai không”; “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”…  trường còn chú trọng công tác đổi mới, nâng chất sao cho xứng tầm trường chuẩn Quốc gia mức độ 1 và có thể nâng lên mức độ 2 trong thời gian sắp tới”.

Để đáp ứng nhu cầu của phụ huynh và học sinh trong thời kỳ mới, các giáo viên nhà trường tập trung nâng chất lượng dạy học ở các các môn, đặc biệt là Tiếng Việt và Tiếng Anh. Bên cạnh đó, các thầy, cô còn tập trung vào việc giáo dục đạo đức, cũng như kỹ năng sống cho các em.

Thầy, cô quyết tâm nâng cao chất lượng dạy học theo chuẩn kiến thức, kỹ năng. Đặc biệt là đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý, cũng như dạy và học. Đến thời điểm này, đa phần các giáo viên của trường đều có thể sử dụng máy tính, một số có thể áp dụng vào việc giảng dạy bằng giáo án điện tử. Các thầy, cô cũng đã thực hiện tốt giáo dục lồng ghép: Giáo dục về quyền và bổn phận trẻ em, an toàn giao thông, sử dụng tiết kiệm năng lượng…

Ban Giám hiệu và các giáo viên nhà trường cũng đã tổ chức và tạo điều kiện cho các em tham gia đầy đủ các phong trào giao lưu của học sinh và giáo viên do các ngành, các cấp tổ chức như: Olympic Tiếng Anh trên mạng, giải toán trên mạng, viết đúng viết đẹp, vẽ tranh, tiếng hát tiểu học, hội khỏe Phù Đồng, kể chuyện văn học…

Bên cạnh nâng cao chất lượng dạy và học, trường còn tập trung thực hiện tốt công tác phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi (đã được công nhận đạt chuẩn mức 2) và thực hiện tốt công tác giáo dục hòa nhập cho trẻ khuyết tật (hiện có 4 em được hòa nhập tại 4 khối lớp của trường).

Cô Lê Thị Thu Lan, giáo viên nhà trường chia sẻ: Được dạy ở ngôi trường có truyền thống lịch sử là niềm tự hào của mỗi giáo viên. Vì thế, chúng tôi luôn cố gắng hết mình để xứng đáng với tên gọi và công sức của những người đi trước, làm sao để đảm bảo một môi trường tốt đẹp, để các em có thể học hành, phát triển và tương lai có thể đóng góp cho quê hương.

MINH CHÂU

.
.
.