Cúng tiền vãng - nét đẹp văn hóa tâm linh
Hằng năm, đến ngày 23 tháng Chạp, cán bộ, giáo viên và học sinh Trường THCS Xuân Diệu và nhiều trường trong TP. Mỹ Tho cùng nhau đến viếng Phòng Tiền vãng (nơi thờ phụng các thầy cô quá cố). Đó là nét đẹp truyền thống trong học đường.
Các giáo viên viếng đồng nghiệp đã mất. |
Rất tình cờ, 23 tháng Chạp năm Nhâm Thìn 2012 lại trùng vào ngày Chủ nhật nên lượng người về “ăn giỗ” đông hơn hẳn. Các thế hệ thầy giáo, cô giáo và học sinh cùng tìm về Phòng Tiền vãng của Trường THCS Xuân Diệu để thắp hương, cùng nhau ôn lại chuyện xưa, từ chuyện tình nghĩa thầy - trò cho đến chuyện đời, chuyện nghề.
Cô Nguyễn Thị Khánh Hưng (nguyên Hiệu trưởng Trường THCS Xuân Diệu giai đoạn 1980 - 1989) xúc động kể lại: “Khi tôi về trường thì đã nghe các giáo viên cao niên kể về một ngôi miếu, thờ phụng thầy cô quá cố. Ngôi miếu được đặt ở cuối trường và chỉ có một người phụ trách quét dọn, thắp hương, chưng bông vào những ngày rằm, 30 hay lễ, tết. Ngôi miếu được lập từ năm 1926, cùng lúc với Trường Nam tiểu học (tiền thân của Trường THCS Xuân Diệu).
Trải qua thời gian dài, dù có di dời địa điểm song trường vẫn dành nơi thờ tự các thầy, cô quá cố mà mọi người gọi là Phòng Tiền vãng. Đến năm 2001, Trường THCS Xuân Diệu được xây dựng hoàn chỉnh, Ban Giám hiệu và các giáo viên nhà trường đã dành riêng 1 phòng trên lầu 2 để làm phòng thờ các thầy cô.
Lúc đầu, nơi đây chỉ thờ hơn trăm người. Trường và Phòng Giáo dục TP. Mỹ Tho đã vận động các thầy cô giáo biết những anh chị em giáo viên đã mất (lúc đầu của Trường THCS Xuân Diệu, sau là của TP. Mỹ Tho) tập hợp danh sách và đưa về nơi thờ tự chung.
Khi gian phòng thờ tại trường được khánh thành, bày trí trang nghiêm thì danh sách hơn 400 thầy, cô cũng đã tập hợp xong. Gian phòng thờ trở thành “ngôi nhà chung” của những người đã khuất và là nơi trở về của các thầy cô giáo vào ngày 23 tháng Chạp hàng năm”.
Là một trong nhiều học sinh đến thắp nhang cho các thầy cô nhân lễ giỗ lần này, em Hồ Lê Ngọc Thư, lớp 9 của Trường THCS Xuân Diệu chia sẻ: Năm nay, các bạn đến viếng thầy, cô nhiều lắm. Chúng em đến thắp hương cầu nguyện thầy, cô phù hộ việc học hành của chúng em. Nơi đây đã giúp chúng em học được rất nhiều điều, đặc biệt, tình nghĩa thầy - trò và tinh thần tôn sư trọng đạo.
Bà Trần Thị Quý Mão, Trưởng phòng Giáo dục - Đào tạo TP. Mỹ Tho cho biết: Lễ giỗ ngày 23 tháng Chạp hàng năm đã trở thành thông lệ và niềm mong mỏi của học sinh để bày tỏ lòng tri ân các thầy, cô giáo đã khuất. Đây còn là dịp để các giáo viên chia sẻ với nhau những vui - buồn trong năm và trao đổi, cùng nhau thực hiện ý nguyện còn dang dở của đồng nghiệp đã khuất…
Nét đẹp văn hóa tâm linh ngày càng lan tỏa nên cần nơi thờ tự trang nghiêm, rộng rãi hơn. Bằng tấm lòng và sự quyết tâm, cô Nguyễn Thị Thúy, Hiệu trưởng Trường THCS Xuân Diệu đã ngược xuôi tìm đến những người có trách nhiệm, những cơ quan có thẩm quyền, những cá nhân có tấm lòng và tất cả những mối quan hệ cá nhân… để mong được sự giúp đỡ thực hiện công trình này.
Đến tháng 3-2010, cô đã tìm được mặt bằng là cơ sở cũ của Hội Cựu giáo chức. Cô tìm đến Kiến trúc sư Trần Anh Minh ở Công ty “Kiến Trúc Mới” (là chồng cô Trúc Chi, giáo viên Toán của trường THPT Nguyễn Đình Chiểu) mời anh về thiết kế mô hình, bản vẽ. Dự trù ban đầu cho công trình là 100 triệu đồng, nhưng khi lên bản vẽ chi tiết, chi phí đã lên đến 600 triệu đồng, nên công trình phải tạm dừng lại ở đó.
Đến tháng 5-2010, cô đã gặp cô Đồng Thị Bạch Tuyết, nguyên Giám đốc Sở GD&ĐT (hiện là Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh) và nhận đựơc sự hỗ trợ nhiệt tình của cô. Tiếp đến là sự hỗ trợ về vận động kinh phí của bà Trương Thị Hiền, Hiệu trưởng Trường Cán bộ TP. Hồ Chí Minh (đã vận động Công ty cổ phần Thương mại TP. Hồ Chí Minh tài trợ 600 triệu đồng).
Công trình được xây dựng trong 3 tháng, đến tháng 10-2010 đã hoàn thành và chính thức khánh thành vào tháng 4-2011.
Cô Nguyễn Thị Thúy chia sẻ: Khi gian thờ được khánh thành, ai cũng vui mừng, từ thầy, cô giáo cho đến các em học sinh. Đây là nơi giáo dục truyền thống, đạo đức học sinh rất tốt. Bởi, thông qua nén nhang để tưởng nhớ các thầy, cô đã khuất và qua những câu chuyện kể về tình cảm thầy - trò nhân dịp giỗ hội đã góp phần tôn vinh truyền thống tôn sư trọng đạo cao đẹp của dân tộc ta.
MINH CHÂU