Thứ Tư, 06/03/2013, 08:21 (GMT+7)
.

Chọn đúng nghề, rộng đường tương lai

“Chọn nghề, chọn theo sở thích hay năng lực; sau khi học xong ra trường sẽ làm gì; nghề đó cơ hội việc làm có cao không?…”.  Đó là sự quan tâm của nhiều học sinh đang chuẩn bị bước vào kỳ thi quan trọng nhất trong đời: Thi đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ). Mối lo của các em được chia sẻ trong ngày tư vấn tuyển sinh do Báo Tuổi Trẻ phối hợp Sở Giáo dục & Đào tạo Tiền Giang vừa tổ chức.

Học sinh nhận tài liệu tư vấn tuyển sinh.
Học sinh nhận tài liệu tư vấn tuyển sinh.

NHIỀU ĐIỂM MỚI

PGS.TS Huỳnh Thanh Hùng, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Nông Lâm TP. Hồ Chí Minh đã thông tin đến thí sinh những điểm quan trọng trong kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2013. Ngoài những điểm chung như: Vẫn tổ chức theo hình thức “ba chung”; thí sinh học trường nào nộp hồ sơ trường đó; thí sinh tự do nộp hồ sơ tại nơi các Sở GD&ĐT quy định.…; còn có những điểm mới như: Thí sinh “phải nộp bản gốc giấy chứng nhận kết quả thi để xét tuyển”, được cấp 3 giấy chứng nhận kết quả điểm, nếu trượt nguyện vọng 1 thì có thể nộp cho các trường khác.

Các trường ĐH, CĐ sẽ in, đóng dấu đỏ và cấp ba giấy chứng nhận kết quả thi ĐH, CĐ cho thí sinh không trúng tuyển vào trường mình nhưng có kết quả thi từ điểm sàn CĐ trở lên để thí sinh đăng ký xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ khác.

PGS.TS Huỳnh Thanh Hùng cũng đặc biệt lưu ý đến “Thông tư liên tịch 13/2013/TTLT-BQP-BGDĐT của Bộ Quốc phòng, Bộ Giáo dục và Đào tạo sửa đổi, bổ sung một số điều về việc tạm hoãn, miễn gọi nhập ngũ thời bình đối với công dân nam trong độ tuổi nhập ngũ. Thông tư vừa ban hành, có quy định, trường hợp công dân nhận được Lệnh gọi nhập ngũ và Giấy gọi nhập học cùng một thời điểm thì phải chấp hành Lệnh gọi nhập ngũ.

Công dân đã nhập ngũ vào quân đội, nếu có Giấy báo nhập học vào các trường đào tạo trình độ đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp, cao đẳng nghề, trung cấp nghề trước hoặc sau thời điểm nhập ngũ thì báo cáo đơn vị quản lý biết để thông báo cho nhà trường (nơi phát hành Giấy báo nhập học) bảo lưu kết quả trúng tuyển của thí sinh đến khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự tại ngũ theo quy định tại Khoản 4 - Điều 56 Luật Nghĩa vụ quân sự. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 7-3-2013.

Về thông tin “Thí sinh vùng Tây Nam bộ sẽ được ưu tiên trong các kỳ thi ĐH, CĐ”, được TS Phan Văn Nhẫn, Phó Hiệu trưởng phụ trách điều hành Trường Đại học Tiền Giang cho biết: “Bộ Giáo dục & Đào tạo quy định thí sinh có hộ khẩu trong khu vực miền sẽ hưởng chính sách ưu tiên của Bộ Giáo dục & Đào tạo. Quy định này đã được áp dụng trong năm vừa qua. Cụ thể, thí sinh được ưu tiên thấp hơn một điểm so với điểm sàn của Bộ Giáo dục & Đào tạo. Năm 2012, Trường Đại học Tiền Giang đã tuyển thêm 123 sinh viên từ chính sách đặc thù này”.

CƠ HỘI VIỆC LÀM CÓ CAO?

Khác với những năm trước, năm nay hầu hết học sinh đến tham gia buổi tư vấn đã chọn sẵn ngành, nhóm ngành hoặc một trường đại học cho riêng mình. Mặt khác, các em đặc biệt quan tâm vấn đề việc làm, ra trường cơ hội việc làm cho mỗi lựa chọn là bao nhiêu?

Học sinh nghiên cứu, trao đổi  tài liệu  về các trường.
Học sinh tìm hiểu, trao đổi tài liệu về các trường.

Nguyễn Tấn An là học sinh Trường THPT Mỹ Phước Tây (Cai Lậy) hỏi: “Em muốn học Trường Đại học Tiền Giang và mong muốn làm việc tại Tiền Giang. Vậy sau khi ra trường, trường có hỗ trợ việc làm cho em hay không?”.

TS. Phan Văn Nhẫn cho biết, Trung tâm Hỗ trợ sinh viên của trường sẽ phối hợp với các sở, ban, ngành chức năng tỉnh hỗ trợ các em trong việc tìm một công việc phù hợp. Qua điều tra sơ bộ của nhà trường, 78 - 79% sinh viên khóa 11 của nhà trường (tốt nghiệp năm 2011) và khoảng 60% sinh viên tốt nghiệp vào tháng 10-2012 đã có được việc làm.

Em Trần Thị Thùy Trang, học sinh Trường THPT Nguyễn Đình Chiểu quan tâm đến ngành Logistic, được PGS.TS Nguyễn Văn Thư, Hiệu trưởng Trường Đại học Giao thông - Vận tải TP. Hồ Chí Minh giải đáp: “Ngành này là một ngành còn khá mới mẻ, phục vụ tính toán, phân phối sản phẩm từ nhà sản xuất đến người tiêu dùng một cách nhanh nhất, ít tốn kém nhất. Tại Việt Nam, có trên 1.500 doanh nghiệp hoạt động về logistic, vì thế cơ hội việc làm khá cao.

Tuy nhiên, nhiều người chưa biết và chưa quan tâm đến ngành này nên những năm qua thí sinh chưa dự thi đông vào ngành này. Hiện Trường Đại học Giao thông - Vận tải TP. Hồ Chí Minh là trường đại học duy nhất đào tạo ngành này và đã đào tạo được hai khóa. Điểm chuẩn trong hai năm vừa rồi từ khoảng 15 đến 16 điểm. Những năm tới có thể sẽ có thêm một số trường đào tạo ngành này”.

Trần Bảo Ngọc, học sinh Trường THPT Nguyễn Đình Chiểu hỏi: Em thích học môn Hóa, vậy em nên học ngành gì và cơ hội việc làm có cao không? TS Nguyễn Kim Quang, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh) đã giải thích: “Với ngành học này, các em sẽ học công nghệ ứng dụng hóa học trong những ngành liên quan đến hóa học và có cơ hội việc làm khá cao”.

Nhiều câu hỏi tiếp theo cũng liên quan đến vấn đề học như thế nào và sẽ làm gì sau khi tốt nghiệp. Qua đó cho thấy, các em đã có định hướng rất cụ thể cho bản thân, nghiên cứu rất kỹ, đã chọn lựa, đặt câu hỏi chỉ để hiểu sâu hơn, củng cố thêm niềm tin với ngành nghề mình đã chọn. Một khi đã định hướng đúng, đường tương lai của các em sẽ rộng hơn rất nhiều.

MINH CHÂU

.
.
.