Thứ Sáu, 29/03/2013, 12:56 (GMT+7)
.

Giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về sự nghiệp GD&ĐT

Ngày 28-3, UBND tỉnh đã có buổi tiếp và làm việc với Đoàn Giám sát của Đoàn Đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Tiền Giang về việc thực hiện chính sách, pháp luật về đảm bảo chất lượng và chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông. Tham dự có ông Nguyễn Văn Danh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Giám sát; bà Trần Kim Mai, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng đại diện các sở, ban, ngành có liên quan.

Trong hơn 10 năm qua, ngành GD&ĐT tỉnh nhà đã có nhiều nỗ lực thực hiện hoàn thành các nhiệm vụ trọng tâm nhằm phát triển sự nghiệp GD&ĐT, trong đó có giáo dục phổ thông. Triển khai thực hiện Cuộc vận động “Nói không với tiêu cực và bệnh thành tích trong giáo dục” của ngành gắn với việc học tập và làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh… đã góp phần giữ vững kỷ cương, nền nếp trong ngành Giáo dục, ngăn chặn và khắc phục các hiện tượng tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục.

Chất lượng giáo dục toàn diện của tỉnh được duy trì ổn định theo từng năm. Việc triển khai thực hiện đổi mới chương trình giáo dục phổ thông được thực hiện nghiêm túc. Đổi mới công tác quản lý giáo dục từ Sở đến các đơn vị, trường học. Các điều kiện đảm bảo chất lượng giáo dục được quan tâm.

Bên cạnh đó, mạng lưới trường lớp được phát triển theo hướng kiên cố hóa, chuẩn hóa, hiện đại hóa. Quy mô giáo dục và đào tạo được phát triển khá hợp lý, ổn định. Công tác xã hội hóa giáo dục, phong trào khuyến học - khuyến tài theo tinh thần xây dựng xã hội học tập, học tập suốt đời và xây dựng nền tảng giáo dục cho mọi người…

Thay mặt Đoàn Giám sát, ông Nguyễn Văn Danh đánh giá cao những kết quả đạt được của ngành. UBND tỉnh và các sở, ban, ngành liên quan đã có sự quan tâm trong tổ chức triển khai thực hiện các văn bản chỉ đạo của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, Bộ GD&ĐT…

Đoàn cũng góp ý cho lãnh đạo tỉnh, ngành GD&ĐT cần đánh giá lại tính khả thi, hiệu quả của việc triển khai các văn bản quy phạm pháp luật của Trung ương; về quy hoạch mạng lưới trường lớp cần quan tâm đến việc khảo sát thực tiễn, giảm dần và hướng đến xóa bỏ các điểm trường lẻ, đảm bảo cơ sở vật chất và các điều kiện học tối ưu cho học sinh, hướng tới sự công bằng về điều kiện cơ sở vật chất giữa học sinh thành thị và nông thôn.

Cần tạo điều kiện để các giáo viên đào sâu nghiên cứu, đổi mới phương pháp dạy học, giúp học sinh hứng thú hơn trong học tập, nhất là các bộ môn xã hội…

MINH CHÂU

.
.
.