Thứ Tư, 03/04/2013, 13:20 (GMT+7)
.

Đưa các bài học về chủ quyền biển, đảo có hệ thống trong môn GDCD

Cả nước đang quan tâm đặc biệt đến vấn đề chủ quyền biển, đảo và hướng về hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa với tình cảm thiêng liêng và có những hành động thiết thực.

Ở ngoài khơi xa, trên các đảo nổi, đảo chìm, nhà giàn DKI, các cán bộ, chiến sĩ Hải quân nhân dân Việt Nam đang ngày đêm khắc phục khó khăn, nắm chắc tay súng để canh giữ biển trời; những ngư dân kiên cường bám biển bất chấp sự đe dọa, xua đuổi, thậm chí bắt bớ, giam cầm, tước đoạt tài sản một cách phi pháp của những chiếc tàu hải giám hiện đại của Trung Quốc ngay trên vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam.

Mặt khác, các nhà sử học đã và đang đưa ra ngày càng nhiều hơn, đầy đủ hơn những bằng chứng xác thực để chứng minh chủ quyền biển, đảo Hoàng Sa và Trường Sa là của Việt Nam…

Đối với nhà trường phổ thông các cấp, từ năm học 2011 - 2012, chủ quyền Việt Nam ở Hoàng Sa, Trường Sa đã được đưa vào giảng dạy dưới hình thức lồng ghép vào môn Địa lý và Lịch sử, kết hợp các buổi học ngoại khóa, tại các trường THCS ở TP. Đà Nẵng và các tỉnh Khánh Hòa, Quảng Ngãi.

Tiếp đó, từ năm học 2012 - 2013, Bộ GD&ĐT có chủ trương mở rộng giáo dục chính khóa và tuyên truyền ngoại khóa cho học sinh cả nước về tiềm năng biển, đảo và nhiệm vụ của các thế hệ công dân Việt Nam trong việc bảo vệ chủ quyền biển, đảo của nước ta.

Thực hiện chủ trương này, một số trường THCS và THPT ở tỉnh ta bước đầu đã giáo dục học sinh các kiến thức: Tầm quan trọng của biển, đảo; lịch sử, chủ quyền Trường Sa; một số hình ảnh về Trường Sa hôm nay và trách nhiệm của thế hệ trẻ trong việc bảo vệ chủ quyền biển, đảo…

Riêng đối với môn Giáo dục công dân (GDCD) thì dường như vẫn chưa có động thái tích cực trong chuyện lồng ghép vấn đề chủ quyền biển, đảo vào quá trình giảng dạy ở một số bài cụ thể.

Thật ra, chương trình môn GDCD toàn bậc trung học có cả thảy 115 bài (kể cả những bài đã giảm tải, chuyển sang đọc thêm hoặc hoạt động ngoài giờ lên lớp), trong đó cấp THCS có 75 bài và cấp THPT có 40 bài thì giáo viên chỉ chọn một số bài để giáo dục lồng ghép vấn đề chủ quyền biển, đảo.

Cụ thể, đối với cấp THCS, ở lớp 7 chọn bài 17 Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam. Ở lớp 9 có thể chọn các bài như: Bài 4 Bảo vệ hòa bình, bài 5 Tình hữu nghị giữa các dân tộc trên thế giới, bài 6 Hợp tác cùng phát triển ở học kỳ 1 và đặc biệt là bài 17 Nghĩa vụ bảo vệ Tổ quốc ở học kỳ 2.

Đối với bậc THPT, ở lớp 10 chọn bài 14 Công dân với sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc. Ở lớp 11 có thể chọn bài 14 Chính sách quốc phòng và an ninh, bài 15 Chính sách đối ngoại. Những bài này đều được dạy và học ở học kỳ 2.

Nội dung cơ bản của việc lồng ghép là khẳng định chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa cũng như vùng lãnh hải của ta theo Công ước quốc tế về Luật Biển. Làm rõ đường lối, chủ trương, chính sách trước sau như một của Đảng và Nhà nước ta về vấn đề chủ quyền biển, đảo.

Đi đôi với việc nhắc nhở, phát huy truyền thống chống giặc giữ nước của nhân dân ta trong lịch sử; đồng thời lên án hành động ngang ngược, bất chấp luật pháp, đạo lý của Trung Quốc hiện nay nhằm khơi gợi, động viên tinh thần yêu nước, ý thức nghĩa vụ và quyết tâm sẵn sàng bảo vệ Tổ quốc trong học sinh.

Trong khi Bộ GD-ĐT chưa chính thức đưa nội dung chủ quyền biển, đảo vào chương trình giáo dục, nếu mỗi nhà trường chú trọng hơn đến vấn đề này bằng những cách làm khác nhau, tổ chức nhiều hoạt động thiết thực, trong đó có việc đưa vấn đề chủ quyền biển, đảo vào giáo dục lồng ghép trong giảng dạy một số bài học GDCD thì tin chắc rằng các em học sinh - những chủ nhân tương lai của đất nước sẽ ý thức được trách nhiệm bảo vệ chủ quyền biển, đảo của đất nước, biến khát vọng “giàu từ biển, mạnh từ biển” của dân tộc ta thành hành động cụ thể.

LÊ MINH HOÀNG
(Trường THPT Long Bình - Gò Công Tây)

.
.
.