Thứ Hai, 15/04/2013, 18:08 (GMT+7)
.

Những bất cập về giáo dục pháp luật trong học sinh phổ thông

Trên chuyên trang Giáo dục (Báo Ấp Bắc số 2963, ra ngày 3-4-2013) có đăng bài “Tăng cường giáo dục pháp luật trong học sinh bậc phổ thông” của tác giả Trần Thanh Hải. Là người trực tiếp làm công tác giáo dục pháp luật cho học sinh phổ thông, tôi hết sức cảm ơn tác giả đã nêu lại vấn đề, tạo sự chú ý của công luận, nhất là của ngành Giáo dục. Tuy nhiên, thực trạng công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) trong trường phổ thông còn nhiều vấn đề cần làm rõ hơn, tôi xin mạn phép được nêu ra đây để công luận rộng đường suy nghĩ.

Giáo dục về ATGT cho học sinh. Ảnh: Như Lam
Cần giáo dục những kiến thức cơ bản, cần thiết cho học sinh khi tham gia giao thông. Ảnh: Như Lam

Đúng như tác giả viết : “…Việc đưa công tác giáo dục pháp luật đến đối tượng học sinh  trong các trường phổ thông có tác động rộng lớn trong việc định hướng phát triển, hình thành tư cách công dân, điều chỉnh hành vi, nâng cao nhận thức, xây dựng nhân cách, hướng thiện, xây dựng thói quen, tự giác ứng xử theo pháp luật  và ý thức tuân thủ pháp luật trong học sinh”.

Để thực hiện mục tiêu đó, Bộ GD&ĐT đã cho biên soạn và ban hành một bộ sách giáo dục công dân (GDCD) khá hoàn chỉnh, từ lớp 6 đến lớp 12. Có thể nói, giữ vai trò chính yếu trong việc giáo dục pháp luật trong trường phổ thông là của môn GDCD. Tất nhiên, còn các hoạt động lồng ghép khác nhưng không thường xuyên và chiếm tỷ trọng rất nhỏ. Trong chương trình sách giáo khoa GDCD bậc trung học có 2 chủ đề lớn: Giáo dục đạo đức và giáo dục pháp luật, chính sách, đường lối. Trong đó, giáo dục pháp luật chiếm một tỷ trọng khá lớn.

Có thể hình dung khái quát: Ở bậc trung học cơ sở (từ lớp 6 đến lớp 9) học sinh có 6-7 bài mỗi năm về các bộ luật gần gũi và sát hợp. Ở chương trình SGK lớp 12 dành cho giáo dục pháp luật có cả thảy 9 bài/35 tiết đề cập khá toàn diện những vấn đề pháp luật từ khái quát đến cụ thể.

Thật ra, từ bậc tiểu học, các em đã làm quen với những nội dung có tính chất pháp luật rồi. Chẳng hạn, làm quen với một số biển báo giao thông và một số kiến thức cơ bản, cần thiết khi tham gia giao thông…Qua đó có  thể khẳng định ngành Giáo dục rất chú trọng đến công tác PBGDPL.

Nhưng vì sao công tác PBGDPL trong nhà trường còn kém hiệu quả, mà biểu hiện cụ thể là người vi phạm pháp luật trong độ tuổi học sinh phổ thông ngày càng nhiều, trong đó không ít trường hợp phạm trọng tội ngay khi còn ngồi trên ghế nhà trường? Đặc biệt, tình trạng học sinh vi phạm pháp luật về an toàn giao thông là rất phổ biến.

Bên cạnh đó, là tình trạng học sinh bỏ học, trốn tiết, la cà tụ tập chơi các trò chơi vô bổ, dẫn đến trộm cắp, đánh nhau… Ngoài những nguyên nhân khách quan lẫn chủ quan mà tác giả đã nêu ra, với tư cách là “người trong cuộc”, tôi xin có thêm một số ý kiến sau:

- Nội dung kiến thức về pháp luật trong chương trình SGK bộ môn GDCD có thể nói là khá toàn diện, với khối lượng kiến thức rất nặng, nhưng thời lượng dành cho môn học chỉ ở mức tối thiểu: 1 tiết/tuần ở tất cả các cấp học. Mặt khác, rất nhiều bài không phù hợp đặc điểm lứa tuổi nên học sinh rơi vào tình trạng “học trước, quên sau” và “học” nhưng không thể “hành”.

- Riêng ở cấp THPT, những bài học về pháp luật chỉ tập trung ở lớp 12, còn ở 2 lớp 10 và 11 coi như bỏ ngõ. Một thực tế khách quan là lớp 12 là năm học cuối cấp, áp lực thi cử rất lớn, do vậy học sinh chỉ tập trung học những môn thi tốt nghiệp và thi đại học. Thực chất, tiết học môn GDCD trở thành thời gian thư giãn hoặc trôi qua trong sự mệt nhọc, nặng nề của học sinh.

- Môn GDCD nói chung và những bài học về pháp luật nói riêng vốn rất khô khan, trừu tượng, do đó rất cần có phương pháp giáo dục sinh động, linh hoạt, nhưng trong thực tế, do bị đối xử với vị thế là “môn phụ” nên giáo viên dạy bộ môn luôn mặc cảm, từ đó không tích cực đổi mới phương pháp giảng dạy. Tiết dạy chỉ là nói lại những gì đã có trong sách giáo khoa, thậm chí còn xén bớt. Thầy đọc - trò chép là tình trạng phổ biến ở tất cả các tiết học GDCD ở cả cấp học.

Với thực trạng dạy và học môn GDCD như vậy thì thử hỏi làm sao có thể nâng cao chất lượng PBGDPL trong học sinh phổ thông  được!? Vấn đề chỉ có thể giải quyết khi có sự đổi mới đồng bộ, quyết liệt và cụ thể từ cấp vĩ mô, chứ không thể kêu gọi có tính chất động viên suông được.

Chẳng hạn, đối với ngành GD&ĐT thì việc dạy và học môn GDCD nói chung, trong đó có giáo dục về pháp luật chỉ có thể biến chuyển theo hướng tích cực khi đã có sự đổi mới nội dung, chương trình SGK; đổi mới công tác thi cử; đổi mới nhận thức về vị thế của môn học GDCD. PBGDPL cho học sinh phổ thông thực sự là một chuyện lớn, từng địa phương hay từng đơn vị trường học rất khó làm thay đổi thực trạng hiện nay nếu không có sự đổi mới căn cơ từ cấp vĩ mô.

LÊ MINH HOÀNG

.
.
.