Thứ Sáu, 26/04/2013, 09:05 (GMT+7)
.

Những ngôi trường mới vì sự nghiệp “trồng người”

55 phòng học được xây dựng và đưa vào sử dụng; 99% cán bộ, giáo viên đạt chuẩn trở lên. Đó là nỗ lực vun bồi cho sự nghiệp giáo dục - đào tạo ở huyện Tân Phú Đông sau 5 năm thành lập huyện.

Cách đây 3 năm, Trường Trung học cơ sở Tân Phú là ngôi trường cấp 4 bán kiên cố gồm 7 phòng học đã xuống cấp trong khuôn viên chỉ rộng trên 4.000 m2  nằm cặp Tỉnh lộ 877B. Hôm nay ngôi trường trở nên khang trang, đẹp nhất, nhì của huyện có quy mô 1 trệt 2 lầu với 12 phòng học và 12 phòng chức năng, hành chính.

Trường rộng 1,1 ha nằm cách vị trí cũ khoảng 1 km về hướng Đông, được khởi công xây dựng vào giữa năm 2010 theo hướng trường đạt chuẩn quốc gia và hoàn thành đưa vào sử dụng năm 2011 với tổng kinh phí đầu tư 15 tỷ đồng từ nguồn vốn kiên cố hóa trường, lớp.

Trường  Mầm non  Phú Thạnh được đầu tư khá quy mô. Ảnh: Ngọc Thơ
Trường Mầm non Phú Thạnh được đầu tư khá quy mô. Ảnh: Ngọc Thơ

Về Trường Tiểu học Phú Đông trong những ngày cuối tháng 4, thầy trò nhà trường càng cảm nhận phản phất đâu đó mùi sơn mới. Hỏi ra mới biết, trường xây dựng hoàn thành vào cuối năm 2012 với quy mô 1 trệt, 1 lầu và vừa mới đưa vào sử dụng vào đầu năm 2013. Trước đó, đây là một trong những trường có nhiều phòng học xuống cấp nặng trong thời gian dài nhưng không được đầu tư, nâng cấp. Giờ đây, ngôi trường khang trang này đang phấn đấu được công nhận chuẩn quốc gia chậm nhất vào năm 2014.

Trong quá trình vun bồi cho sự nghiệp “trồng người” có lẽ đột phá mạnh mẽ về đầu tư cơ sở vật chất phải kể đến bậc học mầm non. Trước khi thành lập huyện, 6 xã cù lao không có trường mẫu giáo, mầm non đảm bảo đủ điều kiện dạy và học, một số nơi phải học nhờ vào trường tiểu học. Sau 5 năm, nhiều trường mẫu giáo, mầm non được xây dựng khang trang, sạch đẹp với quy mô đầu tư lên đến hàng tỷ đồng, đảm bảo cơ bản cho việc dạy và học của bậc học đầu tiên.

Cụ thể, Trường Mẫu giáo Phú Đông được đầu tư 2,5 tỷ đồng với 6 phòng học; Trường Mầm non Tân Thới được đầu tư kinh phí trên 6 tỷ đồng với 6 phòng học được đưa vào sử dụng cách nay không lâu. Hay Trường Mầm non Phú Thạnh được đầu tư khá quy mô theo mô hình trường trú bão với nguồn vốn dự kiến khoảng 16 tỷ đồng.

Hiện nay, trường đã đầu tư xong giai đoạn 1 với kinh phí khoảng 4 tỷ đồng và đang triển khai giai đoạn 2. Ngoài các ngôi trường, điểm trường được đầu tư từ nguồn vốn ngân sách, trên địa bàn huyện còn có những ngôi trường do các tổ chức, doanh nghiệp đầu tư như 2 điểm trường thuộc Trường Mầm non Tân Phú do tổ chức Room to Read và SCC đầu tư; Trường Mẫu giáo Phú Tân do Ngân hàng Công thương Việt Nam đầu tư 3 tỷ đồng (còn lại vốn địa phương).

Bên cạnh đầu tư mới những trường đã xuống cấp, thời gian qua huyện mở thêm 4 trường mới, nâng số trường trên toàn huyện lên 17 trường với đầy đủ các cấp, các bậc học từ mầm non đến phổ thông (3 trường mầm non, 3 trường mẫu giáo, 6 trường tiểu học, 3 trường trung học cơ sở, 1 trường tiểu học và trung học cơ sở và 1 trường trung học cơ sở và trung học phổ thông).

Nói về những đổi thay giáo dục ở huyện mới trong 5 năm qua, thầy Ngô Văn Bi, Phó Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện cho biết, việc phát triển và mở rộng quy mô trường, lớp được huyện xác định là một trong những giải pháp quan trọng để phát triển sự nghiệp giáo dục và đào tạo. Qua chương trình kiên cố hóa trường lớp, 5 năm qua huyện đã xây dựng và đưa sử dụng 55 phòng học; mua sắm trang thiết bị phục vụ quản lý và dạy học cho các trường trực thuộc với tổng giá trị trên 44 tỷ đồng.

Trong đó, ngành đặc biệt chú trọng đến bậc mầm non (mẫu giáo và mầm non), bậc học mà trước đây trường, lớp, trang thiết bị dạy học rất yếu kém. Thời gian qua, ngành Giáo dục đã tham mưu và thành lập thêm 1 trường mầm non, 3 trường mẫu giáo và chuyển 2 trường mẫu giáo sang trường mầm non. Đến nay, 6/6 xã của huyện đều có trường mầm non, mẫu giáo.

Bên cạnh đó, trên địa bàn huyện còn có 1 Trường Trung học cơ sở và Trung học Phổ thông Phú Thạnh tọa lạc ngay trung tâm huyện. Khi mới thành lập huyện, trường chỉ có 8 lớp bậc trung học phổ thông thì nay đã nâng lên 19 lớp. Đặc biệt, từ năm 2012-2013, trường đã mở thêm 3 lớp 10 ở Trường Trung học cơ sở Tân Thới để giải quyết yêu cầu học lên trên cho học sinh ở khu vực phía Tây của huyện. Như vậy đến nay trên địa bàn huyện có đủ các bậc học từ mầm non đến trung học phổ thông. Cơ sở vật chất cơ bản được đáp ứng nhu cầu dạy và học.

Cơ sở vật chất, trang thiết bị được đầu tư, đội ngũ cán bộ, giáo viên các bậc học cũng được nâng lên về số lượng lẫn chất lượng. Trước đây, cán bộ, giáo viên thiếu nhiều ở bậc học mầm non và tiểu học thì nay đã cơ bản đáp ứng cho nhu cầu dạy của các trường. Từ năm 2008 đến nay, số lượng cán bộ, giáo viên đã tăng từ 225  lên 402 người. Qua bồi dưỡng nâng cao trình độ chính trị và chuyên môn, nghiệp vụ sư phạm, đến nay toàn ngành có khoảng 99% giáo viên đạt từ chuẩn trở lên, trong đó cấp trung học cơ sở có 100% cán bộ, giáo viên đạt chuẩn trở lên. Chất lượng dạy và học được nâng lên một bước.

“Việc kiên cố hóa trường lớp và xây dựng các đơn vị trường trên địa bàn huyện trong thời gian qua theo hướng đạt chuẩn quốc gia, đảm bảo nhu cầu học tập cho học sinh trong độ tuổi phổ cập giáo dục. Trong đó, ngành chú trọng đến nâng cấp, đổi mới trang thiết bị dạy và học, thí nghiệm, thực hành theo đúng quy định, đáp ứng yêu cầu đổi mới chương trình, phục vụ tốt yêu cầu dạy và học. Kết quả bước đầu rất phấn khởi là cuối năm học 2011-2012, huyện đã có trường đầu tiên được công nhận đạt chuẩn quốc gia - Trường Tiểu học Tân Thới 1”- thầy Bi cho biết.

Theo thầy Bi, trăn trở nhất của ngành Giáo dục huyện là học sinh bỏ học còn cao so với tỷ lệ bình quân của tỉnh do kinh tế gia đình khó khăn, đi làm xa; học lực kém, hỏng kiến thức… Cơ sở vật chất, số lớp học chưa đảm bảo cho học 1 buổi trong ngày; giáo viên ở các bậc học còn thiếu; tuy có nâng lên so với trước nhưng chất lượng dạy và học vẫn chưa đồng bộ.

Dù còn nhiều khó khăn nhưng sự phát triển mạnh mẽ về cơ sở vật chất tạo điều kiện cho việc nâng cao chất lượng dạy và học trong thời gian tới, góp phần nâng cao dân trí, đào tạo nguồn lực, bồi dưỡng nhân tài trên huyện “đảo”.

T. PHÚ

.
.
.