Đảm bảo kỳ thi tốt nghiệp THPT diễn ra an toàn, nghiêm túc
Ông Nguyễn Hồng Oanh, Phó Giám đốc Sở Giáo dục & Đào tạo chia sẻ:
Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay có khá nhiều điểm mới được bổ sung. Cụ thể như: Ký tên vào giấy nháp và giấy làm bài của thí sinh (Điều 18: Về nhiệm vụ của Giám thị); Các vật dụng được mang vào phòng thi (Điều 10), thí sinh chỉ được mang vào phòng thi bút viết, bút chì, compa, tẩy, thước kẻ, thước tính, máy tính bỏ túi không có thẻ nhớ cắm thêm vào và không soạn thảo được văn bản, Atlat Địa lý Việt Nam đối với môn thi Địa lý (do Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam ấn hành, không được đánh dấu hoặc viết thêm bất cứ nội dung gì); các loại máy ghi âm và ghi hình chỉ có chức năng ghi thông tin mà không truyền được thông tin, không nhận được tín hiệu âm thanh và hình ảnh trực tiếp nếu không có thiết bị hỗ trợ khác.
Điểm mới: Bút chì thay cho bút chì đen; tẩy thay cho tẩy chì; thước kẻ, thước tính thay cho êke, thước vẽ đồ thị, dụng cụ vẽ hình.
Bỏ yêu cầu: Các vật dụng này không được gắn linh kiện điện, điện tử và bổ sung: Các loại máy ghi âm và ghi hình chỉ có chức năng ghi thông tin mà không truyền được thông tin, không nhận được tín hiệu âm thanh và hình ảnh trực tiếp nếu không có thiết bị hỗ trợ khác.
Mức cộng điểm khuyến khích (Điều 29): Đoạt giải cá nhân và đồng đội trong các kỳ thi văn nghệ, thể dục - thể thao, hội thao giáo dục quốc phòng; thi thí nghiệm - thực hành bộ môn (Vật lý, Hóa học, Sinh học); thi sáng tạo, nghiên cứu khoa học - kỹ thuật; viết thư quốc tế do ngành Giáo dục phối hợp với các ngành chuyên môn từ cấp tỉnh trở lên tổ chức ở cấp trung học phổ thông.
Điểm mới của quy định năm nay là bỏ cộng điểm thi giải Toán trên máy tính bỏ túi và thi vẽ.
Về việc xử lý thông tin phản ánh tiêu cực trong kỳ thi (Bổ sung Điều 42a). Trong quy định này có các điểm như sau:
1. Cung cấp thông tin và bằng chứng về vi phạm Quy chế thi:
a) Người cung cấp thông tin và bằng chứng về vi phạm Quy chế thi phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính xác thực của thông tin và bằng chứng đã cung cấp, không được lợi dụng việc làm đó để gây ảnh hưởng tiêu cực đến kỳ thi;b) Người có bằng chứng về vi phạm Quy chế thi báo ngay cho nơi tiếp nhận được quy định tại Khoản 2 của điều này để kịp thời xử lý theo quy định của pháp luật.
Việc tiếp nhận và xử lý các tố cáo vi phạm Quy chế thi được thực hiện theo pháp luật về tố cáo (Bổ sung theo Thông tư 06 /2013/TT-BGDĐT ngày 01-3-2013 của Bộ GD&ĐT).
2. Nơi tiếp nhận thông tin, bằng chứng về vi phạm Quy chế thi:
a) Ban Chỉ đạo thi tốt nghiệp THPT Trung ương hoặc Ban Chỉ đạo thi cấp tỉnh (thành phố);
b) Thanh tra Giáo dục các cấp.
Phóng viên (PV): Với quy định “thí sinh được mang thiết bị thu, phát vô phòng thi”, liệu có gây khó khăn cho các giám thị trong quá trình kiểm tra các thiết bị, bởi có khá nhiều thiết bị hiện đại mà không phải ai cũng biết hết các tính năng của nó?
Ông Nguyễn Hồng Oanh: Đúng là quy định này sẽ gây khó khăn cho những người làm công tác thi. Vì thật sự những người làm công tác thi cũng như những người trực tiếp coi thi không đủ khả năng kiểm tra được hết các tính năng của các loại thiết bị mới hiện nay. Tuy nhiên, chúng tôi cũng sẽ cố gắng hết sức để vừa thực hiện tốt quy định này, vừa đảm bảo kỳ thi công bằng và nghiêm túc
Phóng viên (PV): Về 6 môn thi tốt nghiệp THPT năm nay (được Bộ GD&ĐT công bố vào cuối tháng 3) có 2 luồng dư luận đồng tình và không đồng tình về việc không có môn Lịch sử, ông nghĩ sao về vấn đề này?
Ông Nguyễn Hồng Oanh: Ngày 29-3 vừa qua, Bộ GD&ĐT ra Thông báo 2060/BGDĐTĐ-KTKĐCLGD, cho biết kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2013 được tổ chức vào các ngày 02, 03 và 04 tháng 6 năm 2013 với 6 môn thi bắt buộc: Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ, Hóa học, Sinh học, Địa lý (hệ Giáo dục phổ thông); Ngữ văn, Toán, Hóa học, Sinh học, Địa lý, Vật lý (hệ Giáo dục thường xuyên).
Trong các môn thi tốt nghiệp THPT được Bộ chọn hàng năm có 2 nhóm: Nhóm các môn thi năm nào cũng được chọn (3 môn): Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ và nhóm còn lại (3 môn) hàng năm Bộ sẽ chọn trong các môn: Lịch sử, Địa lý, Vật lý, Hóa học, Sinh học. Vì vậy, việc Bộ GD&ĐT chọn hay không chọn thi môn Lịch sử là việc bình thường, bởi với bất cứ môn nào trong các môn còn lại, các em sẽ đều phải chuẩn bị tốt như nhau từ đầu năm học.
PV: Với những môn thi này, theo ông tỉnh ta sẽ gặp những thuận lợi, khó khăn gì?
Ông Nguyễn Hồng Oanh: Việc thi các môn vừa được Bộ GD&ĐT công bố trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2013, đối với học sinh Tiền Giang sẽ gặp nhiều thuận lợi. Bởi đa số học sinh Tiền Giang chọn thi khối A và B nên việc ôn tập sẽ là cho cả hai kỳ thi tốt nghiệp THPT và đại học.
PV: Tỉnh ta đã chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2013 như thế nào?
Ông Nguyễn Hồng Oanh: Hiện nay, Bộ GD&ĐT chưa có công văn hướng dẫn cụ thể cho kỳ thi. Tuy nhiên, Sở GD&ĐT Tiền Giang có kế hoạch thực hiện như sau:
Sở chỉ đạo, kiểm tra và yêu cầu các trường tập trung thực hiện các công việc như: Thực hiện đúng kế hoạch thời gian năm học 2012 - 2013; hướng dẫn ôn tập cho học sinh; phổ biến Quy chế thi đến giáo viên và học sinh; tổ chức họp cha mẹ học sinh lớp 12 để thông báo về các yêu cầu tổ chức thi và xây dựng phương án phối hợp quản lý việc đi lại, ăn, ở của học sinh trong thời gian thi.
Sở cũng sẽ tổ chức Hội nghị triển khai việc thi tốt nghiệp THPT năm 2013 và rút kinh nghiệm công tác tổ chức thi năm 2012, khắc phục các hạn chế trong các khâu tổ chức thi (hướng dẫn học sinh dự thi, coi, chấm thi) và phổ biến kế hoạch tổ chức thi năm 2013. Chúng tôi sẽ cố gắng thực hiện tốt tất cả các khâu chuẩn bị, tạo mọi điều kiện để kỳ thi diễn ra an toàn, nghiêm túc.
PV: Xin cảm ơn ông!
MINH CHÂU