Thứ Tư, 03/04/2013, 14:53 (GMT+7)
.

Tăng cường giáo dục pháp luật trong học sinh bậc phổ thông

Học sinh bậc phổ thông đang trong giai đoạn phát triển, tâm lý thường biến động nhạy cảm, dễ bị kích động bởi các yếu tố như: phim ảnh, các hoạt động văn hóa - xã hội…. Mặt khác, cơ thể các em đang phát triển, tạo ra nhu cầu tìm hiểu về giới tính, gây tò mò, muốn làm “người lớn”, bắt chước người lớn…

Nếu các em không được giáo dục tốt, nhất là giáo dục pháp luật, thiếu hiểu biết về cuộc sống… sẽ dễ nảy sinh tâm lý lệch lạc, dẫn đến hành vi xấu, thậm chí phạm tội. Vì vậy, việc đưa công tác giáo dục pháp luật đến đối tượng học sinh trong các trường phổ thông có tác động lớn trong việc định hướng phát triển, hình thành tư cách công dân, điều chỉnh hành vi, nâng cao nhận thức, xây dựng nhân cách, hướng thiện, xây dựng thói quen, tự giác xử sự theo pháp luật và ý thức tuân thủ pháp luật trong học sinh.

Ảnh minh họa. Ảnh: Duy Sơn
Ảnh minh họa. Ảnh: Duy Sơn

Phổ biến giáo dục pháp luật (PBGDPL) trong nhà trường là một phần của nội dung chương trình giáo dục ở các cấp học, là một hoạt động thường xuyên của ngành Giáo dục & Đào tạo trong chương trình chính khóa hoặc được lồng ghép vào các môn học có liên quan về chính trị, đạo đức, lịch sử và xã hội.

PBGDPL trong nhà trường được thực hiện bằng nhiều biện pháp và hình thức lồng ghép phong phú, thông qua các hoạt động ngoại khóa, giáo dục ngoài giờ lên lớp như: Thông tin pháp luật, thi tìm hiểu pháp luật, viết báo tường, tọa đàm, hội thảo chuyên đề pháp luật…nhằm giúp học sinh tiếp cận với pháp luật một cách hấp dẫn, góp phần bồi dưỡng niềm tin vào pháp luật và ứng xử theo chuẩn mực của pháp luật trong đối tượng học sinh.

Bên cạnh những kết quả đạt được, nhìn lại công tác PBGDPL trong nhà trường thời gian qua vẫn còn nhiều khó khăn và kết quả còn hạn chế. Đó là sách giáo dục công dân chưa phù hợp từng đối tượng học sinh; trang thiết bị, phương tiện phục vụ công tác PBGDPL còn thiếu; phương pháp phổ biến pháp luật chưa hấp dẫn học sinh; việc phối hợp giữa nhà trường với các đoàn thể trong trường học và gia đình chưa đi vào nền nếp… nên công tác PBGDPL trong nhà trường đạt hiệu quả còn khiêm tốn.

Quán triệt quan điểm của Đảng về công tác giáo dục chính trị tư tưởng, giáo dục pháp luật, giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh trong nhà trường nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nâng cao trình độ học vấn, văn hóa và trình độ pháp lý cho công dân sau này, công tác PBGDPL trong nhà trường cần tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng và hiệu quả.

Dưới sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, của chính quyền, các ngành chức năng, nhất là ngành Giáo dục & Đào tạo, ngành Tư pháp, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tăng cường phối hợp chặt chẽ với các ngành, các đoàn thể liên quan và gia đình để giáo dục pháp luật trong học sinh; đồng thời có biện pháp, chính sách đảm bảo đầu tư kinh phí, tập trung đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng giáo dục pháp luật cho giáo viên dạy môn Giáo dục công dân; áp dụng các hình thức lồng ghép thích hợp đối với từng đối tượng học sinh … là những giải pháp cơ bản, là nhân tố quan trọng để nâng cao chất lượng và hiệu quả PBGDPL trong nhà trường.

TRẦN THANH HẢI

.
.
.