Thứ Sáu, 24/05/2013, 11:22 (GMT+7)
.

Sẵn sàng cho kỳ thi tốt nghiệp THPT nghiêm túc, an toàn, chất lượng

Tính đến thời điểm này, từ khâu chỉ đạo của Bộ GD&ĐT đến triển khai thực hiện tại các địa phương đều đã sẵn sàng cho một kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2013 diễn ra nghiêm túc, an toàn, chất lượng. Những thông tin xoay quanh kỳ thi tốt nghiệp THPT sắp tới là chủ đề được quan tâm nhất trong buổi gặp mặt báo chí do Bộ GD&ĐT tổ chức chiều 23-5 với sự tham gia của đại diện lãnh đạo các Vụ, Cục chức năng cơ quan Bộ.

Ảnh: Duy Sơn
Ảnh: Duy Sơn

Giảm trên 17.500 thí sinh ĐKDT tốt nghiệp THPT

Ông Ngô Kim Khôi - Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng GD (Bộ GD&ĐT) cho biết, theo số liệu báo cáo từ các địa phương gửi về được tổng hợp đến ngày 22-5, tổng số thí sinh đăng ký dự thi (ĐKDT) tốt nghiệp THPT năm 2013 là 946.064 em, so với năm 2012, giảm 17.507 thí sinh (1,82%). Trong đó, có 854.355 thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT, so với năm 2012 giảm 1.916 em, tương đương giảm 0,223%; GDTX có 91.759 thí sinh ĐKDT, so với năm 2012 giảm 15.591 em (14,5%). Cả nước đã chuẩn bị 40.361 phòng thi (giảm 259 phòng so với năm 2012).

Ông Ngô Kim Khôi nhận định, công tác chuẩn bị thi tốt nghiệp THPT của Bộ GD&ĐT về cơ bản đã sẵn sàng. Đến thời điểm này, Bộ đã ban hành đầy đủ các văn bản chỉ đạo, văn bản hướng dẫn đối với kỳ thi tốt nghiệp THPT; đã gửi cho các địa phương, các sở GD&ĐT, các nhà trường cũng như các bộ ngành, cơ quan, đơn vị có liên quan để đề nghị phối hợp, giúp đỡ, tạo điều kiện tổ chức tốt kỳ thi. 

Các địa phương nhìn chung đến thời điểm này cơ bản đã sẵn sàng cho kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2013 với sự chuẩn bị tích cực các điều kiện về tổ chức thi; hướng dẫn thí sinh ĐKDT đảm bảo đúng quy định của quy chế. Các phương án dự phòng thiên tai, lũ lụt, dịch bệnh, vệ sinh an toàn thực phẩm... đã được triển khai chu đáo. 

Tăng cường công tác thanh tra, giám sát

Về công tác thanh tra, Phó Chánh Thanh tra Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Trúc cho hay, năm nay, công văn của Bộ trưởng đề nghị tăng cường công tác thanh tra, giám sát, kiểm tra việc tổ chức thi, chấm thi và công bố kết quả thi. 

Cụ thể, trong công văn hướng dẫn công tác thanh tra năm nay nêu rõ, các địa phương phải chịu trách nhiệm hoàn toàn việc thanh tra, kiểm tra các điều kiện đảm bảo cho kỳ thi diễn ra an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế. Về coi thi, đối với lực lượng thanh tra của Sở GD&ĐT sẽ tổ chức thanh tra dưới 2 hình thức: Thanh tra cắm chốt với tỷ lệ cứ 7-10 phòng thi có 1 thanh tra và tổ chức các đoàn thanh tra lưu động của Sở, thanh tra không báo trước các hội đồng thi, đảm bảo việc đánh giá là khách quan, chính xác. 

Đối với công tác coi thi, Bộ thành lập các đoàn thanh tra lưu động để thanh tra đột xuất không báo trước cho bất cứ một hội đồng coi thi nào. Việc đến hội đồng nào là do trưởng đoàn thanh tra quyết định chứ không phải do địa phương hướng dẫn. Ngoài ra, nếu trong quá trình chấm thi phát hiện ra có dấu hiệu làm bài tập thể, cán bộ coi thi, giám sát phòng thi, thanh tra, tùy theo mức độ vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định. Cán bộ coi thi nào coi thi không nghiêm túc, để xảy ra chuyện thí sinh chép lẫn của nhau, làm bài tập thể, sau này chấm thi phát hiện ra vẫn quay lại để xử lý kỷ luật.

“Trên toàn quốc, về coi thi có 10 đoàn thanh tra, thanh tra 15 địa phương, rải từ Bắc đến Nam. Những địa phương chúng tôi chọn là những địa phương mà đặc điểm địa hình, địa lý dân cư có những nét cần phải lưu ý trong quá trình thanh tra” - Phó Chánh Thanh tra Phạm Ngọc Trúc cho biết thêm.

Đối với công tác chấm thi, theo ông Phạm Ngọc Trúc, năm nay quy chế quy định các hội đồng chấm thi phải chấm kiểm tra ít nhất 5% bài tự luận, song song với quá trình chấm thi, kịp thời phát hiện ra những dấu hiệu bất thường để điều chỉnh quá trình chấm thi, đảm bảo chấm thi chính xác, khách quan, công bằng. Ngoài ra, lực lượng thanh tra chấm thi cũng được tăng cường. Thanh tra không chấm thanh tra mà chủ yếu tập trung thanh tra việc thực hiện các quy định của quy trình chấm nhằm đảm bảo chấm độc lập 2 vòng thực sự, đảm bảo chính xác, khách quan.

Một trong những điểm mới đáng chú ý của kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay là quy định thí sinh được phép mang vào phòng thi các thiết bị ghi âm, ghi hình, chỉ có chức năng ghi thông tin mà không truyền được thông tin, không nhận được tín hiệu âm thanh và hình ảnh trực tiếp nếu không có các thiết bị hỗ trợ khác.

Trước những băn khoăn về sự khó quản lý khi có quy định này, ông Nguyễn Công Hinh - Vụ trưởng Vụ GDTX cho biết: Trước khi đi đến quy định trên, Bộ GD&ĐT đã cân nhắc, bàn tính rất nhiều và lần đầu tiên kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2012 đã đưa quy định này vào thực hiện. Qua kỳ thi, các trường đã xử lý rất tốt, không có vấn đề gì xảy ra. “Thêm quy định này là thêm sự giám sát đối với giám thị để kỳ thi nghiêm túc hơn” - ông Nguyễn Công Hinh khẳng định.

Nói rõ thêm, ông Phạm Ngọc Trúc cho biết, Công văn số 273 ngày 16-4-2013 hướng dẫn về thanh tra thi tốt nghiệp THPT năm 2013 yêu cầu các địa phương, hội đồng coi thi phải có hướng dẫn việc kiểm tra các thiết bị ghi âm, ghi hình thí sinh được phép mang vào phòng thi để tránh các tiêu cực trong kỳ thi.

Như vậy, các địa phương căn cứ vào tình hình thực tế của địa phương mình, khả năng về thiết bị kỹ thuật, chuyên gia để đưa ra những quy định, cách để kiểm tra thiết bị nào thí sinh được phép mang vào phòng thi. Đây là một trong những chủ trương theo đúng định hướng từng bước tăng cường tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các địa phương trong việc tổ chức thi tốt nghiệp THPT hàng năm trong thời gian tới.

(Theo gdtd.vn)

.
.
.