Thứ Hai, 29/07/2013, 10:36 (GMT+7)
.

Đôi bạn nhà giáo ngành Y và những đóng góp từ trái tim, khối óc

Cô Dương (trái) và cô Lý nhận Bằng khen  của Thủ tướng Chính phủ.
Cô Dương (trái) và cô Lý nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ.

“Đừng gọi 2 cô là “điều dưỡng” mà hãy gọi 2 cô là “giáo viên”. Cô Phan Thị Dương và cô Nguyễn Thị Hải Lý, cùng là giáo viên trường Cao đẳng Y tế Tiền Giang nghĩ như vậy. Và dù với công việc nào 2 cô vẫn say mê, sáng tạo. Thành tích của 2 cô xứng đáng được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ.

CÔ NGUYỄN THỊ HẢI LÝ: GẮN BÓ VÀ SÁNG TẠO TỪ TRƯỜNG ĐẾN BỆNH VIỆN

Tốt nghiệp Trung cấp Điều dưỡng năm 1982, cô Nguyễn Thị Hải Lý được điều về làm giáo viên trường Trung cấp Y tế Tiền Giang (trước đây).

Bước đầu về trường cô rất bở ngỡ vì nguyện vọng của mình không thực hiện được, tuổi vừa nhỏ vừa không nghiệp vụ Sư phạm. Cô kể, có năm cô được phân công giảng dạy các lớp chuyên tu, học sinh còn lớn tuổi hơn cô giáo.

Cô Hải Lý tâm sự: “Dù có khó khăn, nhưng khi đã được phân công thì phải cố gắng làm hết sức mình. Cô đi học thêm về nghiệp vụ, nâng cao trình độ chuyên môn lên cao đẳng rồi đại học. Thế rồi cô gắn bó và yêu cái nghề giáo này lúc nào không hay”.

Cô Hải Lý còn tham gia giảng dạy tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh như: hướng dẫn lâm sàng tại khoa Hồi sức, Ngoại tổng quát, Ngoại thần kinh, Khoa nhi… Dù công việc bận rộn, nhưng cô có kế hoạch và phân chia thời gian hợp lý, vừa dạy giỏi ở trường vừa làm tốt công việc ở bệnh viện.

Nhiệt tình, trách nhiệm và “say” nghề cùng với kinh nghiệm và kiến thức chuyên môn sâu, cô còn dành thời gian cho công tác nghiên cứu khoa học. Nhiều đề tài của cô đã được ứng dụng vào thực tế, công tác giảng dạy. Điển hình như: đánh giá kiến thức và thực hành về bệnh tiêu chảy của các bà mẹ có con bị tiêu chảy cấp; kiến thức, thái độ thực hành về sức khỏe sinh sản vị thành niên của học sinh điều dưỡng; kiến thức, thái độ thực hành sử dụng muối iod của phụ nữ từ 15-49 tuổi tại TP. Mỹ Tho…

Hơn 30 năm gắn bó với nghiệp giảng dạy, cô Hải Lý đã xem trường như nhà, học sinh như những đứa con của mình. Những đề tài, sáng kiến của cô đều với mục đích là phục vụ cho việc giảng dạy. Cô Hải Lý chia sẻ: “Cô quan niệm, muốn thành công người thầy phải biết phát huy thế mạnh của giáo viên cũng như học sinh, gieo niềm hứng thú, khơi gợi sự say mê sáng tạo của học sinh. Và điều quan trọng hơn cả, chính là tinh thần trách nhiệm và sự miệt mài lao động, học tập của cả thầy và trò”.

Trong cách giáo dục của cô không có sự khô cứng, ép buộc, cô và trò cùng tham gia học tập và nghiên cứu một cách thoải mái, tự nhiên. Không chỉ dạy bằng những kiến thức, cô còn dạy học trò bằng cả tấm lòng. Có lẽ cũng chính vì thế mà bao thế hệ học trò đã và đang học tại trường Cao đẳng Y tế vẫn luôn thầm cảm phục về một người cô hết lòng vì học sinh. Hiện cô là Phó Trưởng khoa Y và Trưởng bộ môn Điều dưỡng của Trường Cao đẳng Y tế.

Được biết, cô Hải Lý còn là Hội viên Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh, là một “nghệ sĩ” ngâm thơ. Với chất giọng nhẹ nhàng, sâu lắng, từng bài giảng của cô đã tạo cho học sinh một niềm say mê, hứng thú trong học tập. Cô vui vẻ: “Cũng chính tham gia sinh hoạt ở Hội Văn học Nghệ thuật mà lúc nào cô cũng tạo cho mình sự thoải mái, yêu đời, để từ đó cô có thể làm tốt tất cả công việc ở trường, bệnh viện”.

CÔ PHAN THỊ DƯƠNG: YÊU NGHỀ HƠN YÊU BẢN THÂN MÌNH

Cùng học chung Khoa, chung trường lại về giảng dạy chung trường với cô Hải Lý đó là cô Phan Thị Dương, hiện là Phó Trưởng phòng Đào tạo - Nghiên cứu khoa học trường Cao đẳng Y tế Tiền Giang. Cô Dương cũng bén duyên với nghề giáo trong tình thế “bất đắc dĩ”, rồi lại gắn bó yêu nghề.

Trong ký ức của người giáo viên hơn 30 năm đứng lớp đầy ắp những kỷ niệm về những giờ thực hành thú vị, những giờ giảng gặp bài khó, cả cô và trò cùng nhau tranh luận đến cùng để tìm ra đáp án. Cô chia sẻ: “Từ những phòng học nóng bức đến căn nhà tập thể ọp ẹp. Dù có khó khăn mấy cô cũng không bỏ nghề”. Có yêu nghề cô Dương mới có thể vượt qua những khó khăn, vất vả đó. Vừa tham gia giảng dạy ở trường và Bệnh viện Đa khoa tỉnh, học tập nâng cao trình độ chuyên môn, cô còn thường xuyên tham gia giảng dạy ở các bệnh viện huyện, trạm y tế các xã vùng sâu, vùng xa.

Với cương vị là Phó Trưởng phòng Đào tạo - Nghiên cứu khoa học trường Cao đẳng Y tế Tiền Giang, cô đã hoàn thành tốt các nhiệm vụ: quản lý chương trình học của các ngành trong nhà trường; tham gia giảng dạy, hướng dẫn học sinh đi thực tập; tổ chức hội thi giáo viên dạy giỏi, hội giảng cho giáo viên mới; lên kế hoạch đào tạo các lớp ngắn hạn của trường và các lớp trong dự án hỗ trợ y tế vùng Đồng bằng sông Cửu Long… Từ sự cố gắng không ngừng, cô Dương đã được công nhận Chiến sĩ Thi đua cấp tỉnh và được trao tặng Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp giáo dục, Kỷ niệm chương Vì sức khỏe nhân dân…

Thành tích của cô Dương còn được đánh dấu bằng nhiều đề tài nghiên cứu khoa học mang tính ứng dụng cao về sáng kiến, giải pháp đổi mới phương pháp phục vụ giảng dạy, quản lý như: khảo sát tình hình tìm việc làm của học sinh điều dưỡng sau khi tốt nghiệp; kiến thức và thái độ thực hành của bệnh nhân tăng huyết áp; kiến thức và thái độ thực hành phòng, chống lây nhiễm virut viêm gian B của nhân viên y tế bệnh viện… Cô cho rằng: Nghiên cứu khoa học vừa nâng cao trình độ chuyên môn vừa ứng dụng vào thực tiễn.

Cô Dương và cô Hải Lý ngoài tình đồng nghiệp còn là đôi bạn thân thiết mấy mươi năm. Đối với 2 cô mỗi khi nghe học trò báo tin: Cô ơi em đậu đại học rồi, cô ơi em có việc làm rồi, hay cao hơn nữa là cô ơi em bảo vệ thành công luận án thạc sĩ, tiến sĩ rồi thì đó chính là niềm hạnh phúc không gì bằng. 

P. MAI

.
.
.