Trường THCS-THPT Phú Thạnh: Nỗ lực nâng cao chất lượng dạy và học
Trong kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT) vừa qua, Trường Trung học cơ sở - Trung học phổ thông (THCS-THPT) Phú Thạnh là một trong 11 trường THPT trong tỉnh có tỷ lệ học sinh đậu tốt nghiệp 100%. Trước đó, năm học 2011-2012, trường cũng đạt thành tích như trên. Thành tích này càng đáng trân trọng khi trường chỉ mới thành lập được 5 năm ở một huyện mới đặc biệt khó khăn, cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên còn thiếu thốn.
Học sinh của trường trong buổi sinh hoạt dưới cờ. |
Thầy Đặng Chế Pho, Phó Hiệu trưởng Trường THCS-THPT Phú Thạnh cho biết, lúc mới thành lập, trường có 22 lớp, trong đó có 14 lớp THCS, 8 lớp THPT (bậc THCS vẫn giữ nguyên như trước khi phát triển thêm bậc THPT) với 39 cán bộ, nhân viên, giáo viên (giáo viên 37). Lúc đó, cơ sở vật chất của trường rất hạn chế, lực lượng giáo viên thiếu (chủ yếu bậc THPT), chất lượng học sinh đầu vào rất thấp so với toàn tỉnh. Để giải quyết tình trạng thiếu giáo viên cho bậc học mới, một mặt tiếp nhận giáo viên mới tuyển về, mặt khác trường mời giáo viên từ các Trường THPT: Vĩnh Bình, Long Bình (Gò Công Tây), Bình Phục Nhứt (Chợ Gạo) đến giảng dạy.
Là trường THPT mới thành lập ở huyện mới, cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên của trường rất được ngành Giáo dục quan tâm đầu tư, nâng chất, đáp ứng yêu cầu dạy và học cho các em nơi vùng sâu, vùng khó khăn này. Đến nay, số phòng phục vụ giảng dạy tăng lên 20 phòng (trong đó có 18 phòng dạy trên lớp, 2 phòng dạy tin học) cùng với 3 phòng thực hành và 6 phòng thuộc khối hành chính, 1 thư viện, 1 phòng thiết bị đã cơ bản đảm bảo cho việc giảng dạy 2 buổi trong ngày.
Song song đó, đội ngũ giáo viên cũng tăng nhanh, đáp ứng nhu cầu giảng dạy của trường. Toàn trường hiện có 72 cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên phục vụ giảng dạy, trong đó số lượng giáo viên tăng lên trên 60 người và tất cả đều đạt từ chuẩn trở lên, đáp ứng cho số lớp tăng lên 35 ở 2 bậc học của trường (năm học 2012-2013). Phần lớn giáo viên tuổi đời còn trẻ, có tâm huyết và đam mê với nghề, thường xuyên tự học nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, tích cực đổi mới phương pháp giảng dạy, phát huy tính tích cực của học sinh…
Từ đó, chất lượng dạy và học không ngừng được nâng lên. Điều này được minh chứng qua chất lượng học sinh đầu ra của trường ngày càng tăng qua từng năm, nhất là những năm gần đây, tỷ lệ đậu tốt nghiệp THCS, THPT của trường đạt 100%. Cụ thể, từ năm học 2010-2011 đến nay, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS đạt 100%. Năm học 2008-2009 và 2009-2010, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THPT trên 95%, năm học 2010-2011 đạt trên 99% và năm học 2011-2012 đến năm học 2012-2013, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THPT đạt 100%.
Ngoài ra, từ năm 2008 đến nay, học sinh trường đạt 34 giải học sinh giỏi cấp huyện, 20 giải cấp tỉnh và 2 giải cấp quốc gia. Tỷ lệ học sinh đậu cao đẳng, đại học tăng theo hàng năm. Điều này cho thấy phương pháp nâng chất lượng dạy và học cũng như bồi dưỡng kiến thức cho học sinh giỏi của nhà trường đang đi đúng hướng.
Dù vậy, theo thầy Pho, bên cạnh những kết quả phấn khởi, trường vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn, nhất là làm sao nâng chất lượng đầu ra học sinh.
Trong điều kiện đặc thù của huyện khó khăn, trường mới thành lập, cơ sở vật chất còn hạn chế, đội ngũ giáo viên chưa đảm bảo, nhiều phụ huynh chưa đặt hết niềm tin để cho con em của mình học đến lớp cuối cùng của bậc phổ thông tại trường là điều khó tránh khỏi (một số học sinh có học lực khá, giỏi, con em gia đình khá giả thường có xu hướng ra học ở Chợ Gạo, Vĩnh Bình). Đó là lý do liên tục trong mấy năm liền, điểm chuẩn đầu vào lớp 10 của trường khá thấp. Nhận thấy được điều đó, nhà trường luôn chú trọng đến chất lượng dạy và học. Trong dạy và học, nhà trường đề ra phương châm “kỷ cương-chất lượng”.
Một vấn đề khác, do đặc thù của huyện nghèo, đời sống người dân còn rất khó khăn, trong khi việc đi lại, ăn uống, chi phí học tập khá cao, nhiều gia đình không kham nổi, một số do học sinh không nắm vững kiến thức căn bản sinh ra chán học dẫn đến tỷ lệ học sinh bỏ học hàng năm còn rất cao (trên 4%) và việc kéo giảm tỷ lệ này xuống là “bài toán” rất nan giải.
Để giảm tỷ lệ học sinh bỏ học hàng năm, trường đề ra giải pháp là giáo viên chủ nhiệm tiếp cận với học sinh, gia đình khi có biểu hiện học sinh bỏ học. Những học sinh nghỉ 1 ngày không phép là nhà trường mời phụ huynh đến tìm hiểu nguyên nhân. Những em học yếu có nguy cơ bỏ học cao, nhà trường mời phụ huynh vào tư vấn ít nhất 2 lần trong một học kỳ. Nếu những phụ huynh, học sinh này không vào trường, bộ phận chuyên trách phổ cập giáo dục phối hợp với chính quyền địa phương đến gia đình vận động. Qua cách làm trên, năm học vừa qua, trường kéo giảm tỷ lệ bỏ học của trường xuống còn 3,82%. Dù vậy, tỷ lệ này vẫn còn cao và nhà trường sẽ tiếp tục kéo giảm tỷ lệ này xuống trong thời gian tới.
Khi được hỏi làm thế nào tạo niềm tin cho học sinh khi chọn vào học tại trường ở địa phương, thầy Pho cho biết, một mặt nâng cao chất lượng dạy và học, cùng với lợi thế chi phí học trong huyện giảm đáng kể so với bên ngoài. Để tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh ở xa trung tâm huyện có thể tiếp tục học lên, trường đã mở phân hiệu dạy khối lớp 10 ở Trường THCS Tân Thới.
Kết quả, những năm gần đây, số học sinh trong huyện sang học các trường ở huyện bạn đã giảm rất nhiều. Đặc biệt, thông tư mới đây của của Bộ Giáo dục và Đào tạo về ưu tiên xét tuyển vào đại học, cao đẳng năm 2013 dành cho đối tượng học sinh có hộ khẩu thường trú từ 3 năm trở lên, học 3 năm và tốt nghiệp THPT tại huyện nghèo, huyện đặc biệt khó khăn là cơ hội để trường thu hút học sinh trên địa bàn vào học.
“Hiện nay, trường vẫn còn thiếu 4 giáo viên giảng dạy môn âm nhạc, địa lý, anh văn và hóa học. Năm học vừa qua, môn địa lý và môn hóa học vẫn phải nhờ giáo viên từ các trường bạn đến giảng dạy. Dự kiến, năm học 2013-2014, số lớp học của trường sẽ tăng lên 41 lớp, lúc đó tình trạng thiếu giáo viên sẽ còn nhiều hơn. Tuy nhiên, trường sẽ cố gắng phấn đấu giữ vững và phát huy thành tích đã đạt được, quyết tâm khắc phục khó khăn, đổi mới phương pháp giảng dạy, bồi dưỡng kiến thức học sinh giỏi, xứng đáng là nơi “ươm mầm” cho các thế hệ tương lai của huyện cù lao” - thầy Pho nói.
TÂN PHÚ