Thứ Tư, 07/08/2013, 09:58 (GMT+7)
.

Ba thế hệ gắn bó ngành giáo dục

Ông Võ Thanh Hùng.
Ông Võ Thanh Hùng.

Đó là gia đình ông Võ Thanh Hùng ở ấp 5 (Long Trung, Cai Lậy). Cha ông là nhà giáo trong kháng chiến. Tính đến nay ông Hùng đã gắn bó với Hội Cha mẹ học sinh Trường THCS Long Trung 23 năm, trong đó có 15 năm làm Chủ tịch Hội - một kỷ lục để có thể tặng ông Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp giáo dục.

Gia đình ông Hùng vốn có truyền thống Nho giáo. Ông nội là Võ Văn Tiết từng làm Chánh bái của làng Mỹ Đông Trung (nay là xã Long Trung).

Vào năm 1907, ông Tiết đã ủng hộ ông Huỳnh Cảnh Thứ và các thầy giáo trong làng thành lập 1 trường học mang tên Đồng Văn Học Quán, chủ trương và hoạt động tương tự như Đông Kinh Nghĩa Thục ở Hà Nội.

Trường này thu hút được nhiều thanh, thiếu niên đến học do dạy cùng lúc chữ Nho và chữ quốc ngữ. Nội dung giảng dạy mang tính cải cách; đồng thời thông qua tài liệu sách báo, hướng về việc giáo dục lòng yêu nước và thực nghiệp. Tuy nhiên trường hoạt động không bao lâu thì bị chính quyền thực dân Pháp ra lệnh giải tán.

Ông Hùng kể, đến đời cha tôi, ông Võ Văn Muôn vẫn gắn bó với nghề giáo, mở các lớp bình dân học vụ, xóa mù chữ cho dân trong làng, trong xóm. Đến những năm 1968 - 1970, giặc ruồng bố liên tục nhưng ông vẫn mở được các lớp học dạy chữ cho con em không có điều kiện ra thành phố học.

Lớp học có khi là một cái trại nhỏ cất trong vườn, lợp lá, vách đưng; khi thì mượn tạm nhà dân, đắp thêm công sự, trảng xê để học sinh có chỗ ẩn núp. Chỗ học thường là bộ ván hoặc đóng bằng tre. Bảng đen cũng hết sức đa dạng, có thể là tấm be xuồng bể của bà con ghép lại hoặc những tấm phên đan bằng sậy...

Việc bảo đảm an toàn cho lớp học rất quan trọng, vì vậy mỗi điểm học sinh không đông, chỉ khoảng 10 đến 15 học sinh; giờ học cũng hết sức linh động: Lúc 5 giờ sáng, lúc 10 giờ trưa, có khi 16 giờ chiều hay 19 giờ đêm, thậm chí có khi giặc vừa càn qua, pháo vừa hết bắn thì ra hiệu tập hợp các em lại ngay, bảo đảm ngày nào cũng được học.

Trường THCS Long Trung.
Trường THCS Long Trung.

Năm 1971, thấy trong xã không có trường trung học, nhân có sự vận động tài trợ và sự nhiệt tình đóng góp của nhân dân địa phương, nên ông Muôn đã tình nguyện hiến 6.020m2 đất ở sát chợ Ba Dừa để xây dựng Trường Trung học Tỉnh hạt.

Trường được khởi công xây dựng ngày 20-5-1972. Đây là một trong những trường Tỉnh hạt đầu tiên ở tỉnh được xây dựng bằng phương châm “xã hội hóa”. Ngôi trường này tồn tại đến sau năm 1975 và hiện nay là Trường THCS Long Trung.

Sau hơn 30 năm sử dụng trường xuống cấp, được Nhà nước đầu tư xây dựng mới 12 phòng học (năm 2007), nhưng sân trường vẫn là sân đất và nhà vệ sinh lại xuống cấp. Thấy học trò không có chỗ vệ sinh, sân trường thì lầy lội, không nơi sinh hoạt và để xe nên ông Hùng mạnh dạn vận động bà con trong xã, mỗi người đóng góp tùy lòng hảo tâm.

Vận động tới đâu xây dựng tới đó, hai năm sau sân trường đã được lót bê tông hoàn chỉnh. Nhà vệ sinh cũng được xây mới, sạch sẽ. Do mình công tâm, tiền bạc dân đóng góp xây dựng được công khai, rõ ràng nên ai cũng ủng hộ - ông Hùng tâm sự.

Năm 2009, Trường THCS Long Trung được Nhà nước đầu tư xây dựng hoàn chỉnh với 34 phòng học. Công việc của ông Hùng và Ban Chấp hành Hội Cha mẹ học sinh lúc này là lo cho các em học sinh nghèo và vận động nguồn quỹ làm quà tặng thưởng nhằm khích lệ những em học sinh giỏi. Những năm học gần đây, trường đã có 41 em học sinh giỏi cấp tỉnh và 1 học sinh giỏi cấp quốc gia.

Thầy Phan Ngọc Nha, Hiệu trưởng nhà trường nói: “Trong suốt mấy mươi năm qua, các hoạt động của trường đều mang dấu ấn của ông Hùng. Hiện nay dù đã tuổi cao, sức yếu nhưng ông luôn có mặt trong các buổi họp, đóng góp cho trường những ý kiến và những việc làm thiết thực nhằm góp phần nâng cao chất lượng dạy và học của nhà trường”.

NGỌC PHAN

.
.
.