Lắng đọng câu chuyện phát triển sự nghiệp giáo dục - đào tạo
Cách đây gần 20 năm, khi thành lập (năm 1994), huyện Tân Phước chỉ có 15 trường học, bao gồm 2 trường mẫu giáo, 10 trường tiểu học, 1 trường THCS, 2 trường PTCS, với tổng số 354 giáo viên và 7.500 học sinh các cấp. Bây giờ, ngành GD-ĐT của huyện từng bước lớn mạnh, quy mô trường lớp đã được mở rộng, đội ngũ giáo viên ngày càng vững về chuyên môn, nghiệp vụ, tỷ lệ học sinh ra lớp, lên lớp, tốt nghiệp… ở các cấp đều tăng.
Ước mơ bước vào giảng đường đại học đối với con em vùng “rốn lũ, rốn phèn” không còn là xa vời. |
Là người gắn bó với sự nghiệp giáo dục, Phó Chủ tịch UBND huyện Trần Văn Nhân nhớ lại: Khi mới thành lập huyện, các xã thuộc trung tâm “rốn lũ, rốn phèn” như Thạnh Tân, Thạnh Mỹ, Thạnh Hòa… chưa có trường THCS, vì vậy khi học xong tiểu học, các em phải ra thị trấn Mỹ Phước ở trọ để học lớp 6. Tuy nhiên, không phải gia đình nào cũng có điều kiện. Do đó, tỷ lệ học sinh ra lớp 6 ở các xã vùng sâu trong những năm đầu thành lập huyện rất thấp.
Bên cạnh đó, trung tâm huyện chưa có trường THPT, vì vậy học sinh phải đạp xe hàng chục km đến các trường THPT Vĩnh Kim, Dưỡng Điềm (Châu Thành), hay Mỹ Phước Tây (Cai Lậy) để học. Các em ở xa không thể đạp xe đi học nổi thì phải ở trọ lại. Chuyện học hành của con em huyện hồi đó rất khó khăn, vất vả.
Bên cạnh đó, huyện Tân Phước có nhiều hộ gia đình đến lập nghiệp, cuộc sống ban đầu rất chật vật nên chuyện lo ăn cho con em cũng đã khó nên chuyện học hành càng khó hơn. Chẳng những như thế, hệ thống giao thông chủ yếu bằng xuồng nên việc đến trường càng ít quan tâm. Chính vì vậy, tỷ lệ học sinh bỏ học ở các bậc học của Tân Phước luôn đứng ở thứ hạng cao so với các huyện, thành, thị khác trong tỉnh.
Nhiều năm liền, huyện không có học sinh giỏi các cấp. Đội ngũ giáo viên đa số còn trẻ, nhiệt tình nhưng kinh nghiệm còn hạn chế. Hơn nữa, giáo viên chủ yếu từ các địa phương khác đến, cuộc sống còn nhiều khó khăn nên phần nào đã ảnh hưởng đến công tác giảng dạy. Trước muôn vàn khó khăn, ngành Giáo dục và lãnh đạo huyện luôn trăn trở và từng bước tìm ra giải pháp phát triển sự nghiệp giáo dục.
Nhận thức đúng đắn “giáo dục là quốc sách hàng đầu”, lãnh đạo huyện đã tập trung mọi nguồn lực của xã hội để phát triển. Bên cạnh nguồn kinh phí của Nhà nước, huyện thực hiện chủ trương xã hội hóa trong công tác xây dựng cơ sở vật chất. Từ đó, mạng lưới trường lớp đã từng bước được cải thiện.
Phó Chủ tịch UBND huyện Tân Phước Trần Văn Nhân nhớ lại: Đến năm học 1999-2000 thì trường THCS Thạnh Mỹ được thành lập, khắc phục tình trạng học sinh THCS của 4 xã khu vực Bắc Đông: Thạnh Hòa, Thạnh Mỹ, Thạnh Tân và Tân Hòa Đông phải đi học xa. Cũng trong năm học này, Trường THPT được thành lập và xây dựng mới ở trung tâm thị trấn Mỹ Phước, từ đó học sinh không còn sang các huyện khác để học lên cấp 3.
Bộ mặt của ngành Giáo dục đã bắt đầu khởi sắc. Đến năm 2004 (sau 10 năm thành lập huyện), Tân Phước đã nỗ lực xây dựng được hơn 150 phòng học mới, nâng tổng số phòng học trong toàn huyện lên 349 phòng, đã xóa được phòng tre lá tạm thời, xóa bỏ tình trạng học 3 ca/ngày. Nhà công vụ dành cho giáo viên cũng được đầu tư xây dựng, giúp cho giáo viên có chỗ ở khang trang để an tâm công tác.
Trưởng phòng GD-ĐT huyện Tân Phước Đặng Văn Tòng phấn khởi cho biết: Đến nay, hệ thống trường tiểu học đã phủ kín trên 13 xã, thị trấn, trong đó 3 xã có 2 trường tiểu học, đó là Phú Mỹ, Tân Hòa Thành và Phước Lập. Hệ thống trường mầm non cũng đã cơ bản đáp ứng được yêu cầu.
Cụ thể, toàn huyện hiện có 9 trường mầm non, trong đó có 4 trường liên xã (2 xã thành lập 1 trường). Tuy nhiên, các trường liên xã đều có điểm phụ nhằm giúp cho học sinh không phải đi học xa. Toàn huyện hiện có 6 trường THCS và 2 trường THPT. Ở bậc học mầm non có 1 trường chuẩn Quốc gia (trường Mầm non Tân Hòa Thành), bậc tiểu học có 5 trường đạt chuẩn Quốc gia, bậc THCS có 2 trường đạt chuẩn Quốc gia. Hướng phấn đấu đến năm 2014 sẽ có thêm 3 trường đạt chuẩn Quốc gia.
Đội ngũ giáo viên cũng từng bước lớn mạnh cả về lượng và chất. Tình hình thiếu giáo viên từng bước được khắc phục. Tay nghề của giáo viên cũng dần dần được nâng lên. Nếu năm 1994 toàn huyện chỉ có 354 giáo viên, thì đến năm 2004 con số ấy đã tăng lên 646 giáo viên.
Trưởng phòng GD-ĐT huyện Tân Phước phấn khởi: Hiện nay, chỉ còn bậc học mầm non thiếu khoảng 20 giáo viên, các bậc học còn lại cơ bản đã đủ giáo viên. Điều đáng mừng là đội ngũ giáo viên 100% đạt chuẩn, 40% trên chuẩn. Đội ngũ giáo viên của huyện đa số trẻ, năng nổ, nhiệt tình. Trong vài năm gần đây đã có giáo viên đạt giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh, số lượng giáo viên dạy giỏi cấp huyện cũng tăng lên đáng kể.
Cùng với sự lớn mạnh về chất và lượng của đội ngũ giáo viên, thì kết quả học tập của học sinh cũng từng bước được cải thiện. Tỷ lệ học sinh lên lớp, ra lớp, đỗ tốt nghiệp, duy trì sĩ số ngày càng tăng. Hiện nay, tỷ lệ trẻ 5 tuổi ra lớp đạt 98%, trẻ 6 tuổi ra lớp 1 luôn đạt 100%. Tỷ lệ duy trì sĩ số và tốt nghiệp ở bậc tiểu học luôn đạt 100%. Tỷ lệ học sinh tốt nghiệp ở bậc THCS dao động từ 99 đến 100%. Tỷ lệ học sinh giỏi ở bậc tiểu học và THCS luôn tăng.
Điều đáng phấn khởi là trong vài năm gần đây, đã có một số học sinh mang về cho huyện nhà những giải thưởng học sinh giỏi cấp tỉnh. Tỷ lệ học sinh thi đỗ tốt nghiệp THPT và thi đậu đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp cũng ngày càng cao. Ước mơ bước vào giảng đường đại học đối với con em vùng “rốn lũ, rốn phèn” không còn là viễn vong, xa vời.
Hướng đến kỷ niệm 20 năm thành lập huyện Tân Phước, trong từng bước đi lên, Đảng bộ và nhân dân huyện Tân Phước vui mừng với thành quả đạt được, trong niềm vui đó câu chuyện về phát triển sự nghiệp giáo dục – đào tạo càng lắng đọng trong tâm thức mỗi người.
T. TẤN